Trong buổi sáng ngày 13/7/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Thái Lan. Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom đang thăm và làm việc tại nước ta.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Boonsong Teriyapirom, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thái Lan đang tiến triển rất tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Việt Nam mong muốn cùng với phía Thái Lan tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai nước.
Báo cũng có bài Ngân hàng Nhà nước công bố con số nợ xấu. Bài báo phản ánh: Chiều 12/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin tình hình nợ xấu và các biện pháp xử lý. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết, tính tới cuối tháng 5, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN là nợ xấu hơn 118.000 tỷ đồng.
Lý giải tại sao có thống kê nợ xấu vào thời điểm tháng 5 là 4,47%, có số liệu lại là trên 10%, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nguyên nhân của sự chênh lệch này là tiêu chí định tính trong quy định phân loại nợ hiện nay, có những tiêu chí về định lượng (là tuổi nợ) và định tính khả năng trả nợ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, con số 4,47% đến 31/5/2012 là con số nợ xấu các TCTD báo cáo qua hệ thống thống kê. Còn qua hệ thống giám sát từ xa của NHNN, cụ thể là tới 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu là 8,6%.
Thậm chí có cùng bảng cân đối với số liệu như nhau đối với các khoản vay, nhưng các TCTD đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vẫn khác nhau.
Khi đánh giá, NHNN bám sát quy định về phân loại nợ, đồng thời thu thập thông tin khách hàng.
Giải thích về việc cập nhật con số nợ xấu tương đối chậm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, theo quy định, các TCTD, định kỳ báo cáo hàng quý, tuy nhiên thường trễ 1,5 tháng và NHNN phải xử lý dữ liệu khoảng 2 tháng mới đưa ra được con số.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu rơi vào các lĩnh vực về sản xuất và công nghiệp xây dựng, bất động sản (BĐS) và chứng khoán, vốn chịu nhiều tác động từ khó khăn của nền kinh tế.
Báo cũng đưa tin Đã đơn giản hóa 3.644 thủ tục hành chính. Theo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 15/6/2012, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 3.644 thủ tục hành chính trong tổng số 4.751 thủ tục hành chính cần được đơn giản theo 25 Nghị quyết của Chính phủ.
Trong đó, các Bộ, ngành đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thành đơn giản hóa 3.032 thủ tục hành chính và đang trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để đơn giản hóa 632 thủ tục.
Riêng quý II/2012 các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động, tham gia ý kiến đối với 602 thủ tục hành chính quy định tại 144 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tăng 244 thủ tục so với quý I/2012.
Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục công bố, công khai các quy định mới về thủ tục hành chính và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc làm này để đảm bảo công khai, thống nhất trong thực hiện thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu thông tin, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính.
2. Báo Giáo dục Việt Nam có bài Trung Quốc tổ chức 30 tàu cá đồng loạt ra Trường Sa đánh bắt trái phép. Bài báo phản ánh: Chỉ huy 30 tàu cá Trung Quốc ra đánh bắt trộm tại khu vực Đá Chữ Thập, Trường Sa là một ngư dân Trung Quốc 67 tuổi, Lương Á Phi.
Tân Hoa Xã ngày 12/7 đưa tin, sáng 12/7 tại cầu cảng thủy sản thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, 30 tàu cá nước này tổ chức thành 2 biên đội với 6 tổ đồng loạt xuất phát ra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để đánh bắt (trộm) cá, hải sản.
Tân Hoa Xã đưa tin, đây là lần số tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khu vực Trường Sa lớn nhất từ trước tới nay với thời gian dự kiến khoảng 20 ngày ở vùng biển phụ cận Đá Độc Lập (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chỉ huy 30 tàu cá Trung Quốc ra đánh bắt trộm tại khu vực Đá Chữ Thập, Trường Sa là một ngư dân Trung Quốc 67 tuổi, Lương Á Phi. Lương Á Phi cho biết, 30 tàu cá này ra đánh bắt sẽ được tàu Ngư chính “bảo vệ” nên “vấn đề an toàn” không đáng lo.
Theo Tân Hoa Xã, đây là chuyến đánh bắt xa bờ tại khu vực Trường Sa được phía Trung Quốc chuẩn bị công phu và có tổ chức.
Có thể thấy đây là một trong những động thái leo thang, có tính toán, làm phức tạp thêm tình hình của phía Trung Quốc trên biển Đông ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Cùng với việc tăng cường hoạt động của tàu Ngư chính và Hải giám trên thực địa, Trung Quốc đang cổ súy và trợ giúp ngư dân của họ tranh thủ vơ vét, đánh bắt trộm tối đa tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
3. Báo Dân trí có bài “Rút” một số cáo buộc sai phạm với Tập đoàn Dầu khí. Bài báo phản ánh: Quá trình khắc phục sau thanh tra, một số vi phạm của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã được Thanh tra Chính phủ nhìn nhận lại. Khoản lãi dầu khí 15.000 tỷ đồng bị xác định sử dụng sai quy định, đối chiếu lại quyết định mới của Thủ tướng đã thành… hợp lệ.
Tại cuộc họp báo quý II tổ chức hôm nay, 12/7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản cho biết, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý với kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại PVN công bố đầu tháng 4 vừa qua, tập đoàn đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo về 9 nội dung đã khắc phục theo kết luận thanh tra.
Cụ thể, đối với khoản tiền 1.922 tỉ đồng cổ phần hóa chậm nộp và khoản lại phát sinh, tính đến tháng 4.2012, PVN đã nộp lại ngân sách 1903 tỷ đồng. Còn lại 125 tỷ, tập đoàn này đang tiếp tục nộp. Đối với việc PVN sử dụng quỹ nghiên cứu khoa học để xây dựng một số trường học ở Cà Mau và Vũng Tàu là sai quy định đến nay đã được điều chỉnh bằng nguồn kinh phí an sinh xã hội của tập đoàn.
Theo kết luận của TTCP, PVN đã sử dụng trên 15.000 tỉ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc các dự án trọng điểm dầu khí là chưa đúng với quy định pháp luật. Phó Tổng Thanh tra giải thích, vào thời điểm TTCP kết luận, PVN đã báo cáo vấn đề này lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng Thủ tướng chưa có ý kiến nên việc sử dụng khoản tiền này bị xem là “có lỗi”. Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng đã ban hành các tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí được phép sử dụng các khoản tiền vốn từ tiền lãi dầu khí nước chủ lại để lại. Việc sử dụng khoản tiền của PVN phù hợp với các tiêu chí này.
Một nội dung khác, TTCP đã “ bắt lỗi” PVN khi đã ứng khoản vốn trên 622 tỷ đồng cho địa phương để xây dựng các công trình đường sá tại một số địa phương.
Theo quy định, các công trình nằm ngoài hàng rào dầu khí thì phải do ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Cà Mau… rất khó khăn không có tiền để xây dựng đường. Về việc này, PVN đã có báo cáo Thủ tướng đề nghị thực hiện các công trình này bằng ngân sách Nhà nước. Ông Sản cho biết, sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện theo phương án này và đưa các công trình dự án này vào kế hoạch năm 2012, đồng thời trả lại khoản ứng vốn cho PVN.
Đối với kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tại PVN để xảy ra vi phạm theo kết luận của TTCP, ông Sản thông tin, đến nay mới kiểm điểm các cấp thuộc quyền quản lý của tập đoàn. Các cấp, thẩm quyền cao hơn sẽ kết hợp kiểm điểm kết hợp vào hội nghị TƯ tới đây.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Dân trí có bài Tổng cục Thi hành án “thúc” thi hành án tại 63 Bùi Thị Xuân. Bài báo phản ánh: Được Tòa án nhân dân Tối cao tuyên bố là chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng tại phiên xử phúc thẩm tháng 3/2008. Tuy nhiên, đến thời điểm này bản án vẫn chưa được thực thi dù nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng.
Theo đơn phản ánh của ông Bạch Ngọc Giáp 78 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại P109 – C2 tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội gửi đến báo Dân trí. Vào ngày 14/3/2008, tại phiên xử phúc thẩm việc tranh chấp đòi quyền sở hữu ngôi nhà số 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu đòi nhà số 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho ông Bạch Ngọc Giáp và các anh em là người thừa kế hợp pháp của cụ Bạch Văn Vưu (mất năm 1989) và cụ bà Nguyễn Thị Nhâm (mất năm 1940).
Đi kèm với nội dung tuyên xử số nhà 63 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Bạch Ngọc Giáp, TANDTC yêu cầu các hộ dân đang sinh sống tại đây gồm: Vũ Mạnh Chí sống tại tầng 2+3; Chu Nguyên Thành trú tại tầng 1 có trách nhiệm hoàn trả lại phần diện tích đang sử dụng cho gia đình ông Bạch Ngọc Giáp. Dựa trên thỏa thuận giữa các bên, ông Bạch Ngọc Giáp đã hỗ trợ khoản tiền mặt hơn 1,5 tỷ đồng cho bà Chu Nguyên Thành. Ông Giáp tự nguyện hỗ trợ cho ông Vũ Mạnh Chí 800 triệu đồng và căn hộ chung cư P510 – CT1A khu đô thị Định Công.
Đã hơn 4 năm kể từ khi bản án phúc thẩm được tuyên, đến ngày 12/7/2012 mới chỉ có gia đình bà Chu Nguyên Thành bàn giao lại tầng 1 số nhà 63 Bùi Thị Xuân cho ông Bạch Ngọc Giáp. Riêng gia đình ông Vũ Mạnh Chí vẫn sinh sống tại tầng 2+3, bất chấp phán quyết của TANDTC và thỏa thuận đền bù và hỗ trợ mà gia đình ông Bạch Ngọc Giáp đưa ra.
Tính đến thời điểm này, đã 5 lần Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ra thông báo cưỡng chế thi hành án với gia đình ông Vũ Mạnh Chí nhưng đều không được thực thi. Đến ngày 26/12/2011, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ra thông báo số 1156/TB-THA tạm dừng kế hoạch cưỡng chế (dự kiến tổ chức ngày 28/12/2011) cho đến khi có thông báo khác của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Kể từ ngày 26/12/2011, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo mới nào cho gia đình ông Bạch Ngọc Giáp, không giải thích lý do chưa thực hiện việc thi hành án.
Bức xúc vì việc thi hành án liên quan quyền sở hữu tài sản của gia đình bị chậm, ông Bạch Ngọc Giáp đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị thực thi bản án đã được TANDTC tuyên vào tháng 3/2008. Trong công văn trả lời đơn thư khiếu nại của ông Bạch Ngọc Giáp, các cơ quan chức năng gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội đều khẳng định không có tình tiết mới để xem xét lại các quyết định liên quan đến quyền sở hữu ngôi nhà số 63 Bùi Thị Xuân của ông Bạch Ngọc Giáp.
Ngày 21/6/2012, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Văn Luyện đã ký công văn số 1125/TCTHADS-GQKNT.C gửi Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội xem xét thi hành dứt điểm bản án do TANDTC tuyên xử. Đã gần 1 tháng kể từ ngày Tổng cục thi hành án dân sự gửi công văn, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ động thái, hoặc thông báo đến gia đình ông Bạch Ngọc Giáp về việc thực hiện thi hành án tại số nhà 63 Bùi Thị Xuân.
2. Báo Pháp luật thanh phố Hồ Chí Minh có bài Nhiều đơn vị THA đạt kết quả cao. Bài báo phản ánh: Ngày 12-7, Cục Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác THA chín tháng (từ 1-10-2011 đến 30-6) và triển khai nhiệm vụ ba tháng cuối năm.
Trong chín tháng đầu năm ngành đã thi hành xong hơn 27.000 việc trên tổng số gần 40.000 việc có điều kiện thi hành.
Có 15 đơn vị đạt kết quả cao hơn tỉ lệ bình quân chung của toàn TP như Chi cục THA dân sự huyện Nhà Bè, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9…
Ông Võ Minh Hòa (Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết có biểu hiện chưa rà soát chặt chẽ, phân loại kỹ hồ sơ THA với doanh nghiệp và cá nhân. Điều này có thể làm chậm trễ việc xử lý, dẫn đến việc nảy sinh nhiều khiếu nại án.
Theo lãnh đạo Cục THA, để đạt được các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao trong thời gian ba tháng cuối năm, cán bộ THA cần rà soát ngay hồ sơ đã được phân công thụ lý, tích cực giải quyết dứt điểm những việc có điều kiện THA nhưng còn dang dở hoặc chưa thi hành. Hồ sơ nào xác định không có điều kiện THA thì phải trả hồ sơ để khỏi làm phiền người dân.
3. Báo Dân trí có bài Kiến nghị Thủ tướng đình chỉ việc “cấm” nhập cư ở Đà Nẵng. Bài báo phản ánh: Diễn biến mới việc Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng bị “thổi còi”, HĐND thành phố này nhận “tự xử” 2 nội dung cấm kinh doanh cầm đồ và tạm giữ xe 60 ngày. Còn nội dung “cấm” nhập cư, cơ quan “thổi còi” đề xuất trình Thủ tướng đình chỉ việc thi hành.
Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 HĐND Đà Nẵng diễn ra tuần trước, cơ quan này đã tiếp thu và xử lý 2 nội dung: phạt nặng, tạm giữ 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy vi phạm và tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trong Nghị quyết 23 ban hành trước đó, đã bị “thổi còi”.
Nghị quyết 23 được xem là trái với Nghị quyết số 32 và Nghị định số 34 của Chính phủ về vấn đề xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Việc áp dụng hình thức tạm giữ phương tiện vi phạm theo quy định, có thời hạn 10 ngày, không thể “tăng” lên 60 ngày như Đà Nẵng. Ngoài ra, HĐND thành phố cũng không có thẩm quyền trực tiếp đưa ra hình thức xử lý như vậy.
Còn vấn đề kinh doanh cầm đồ, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, pháp luật đã giao cho UBND tổ chức đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Trong điều kiện thực tế của Đà Nẵng, quy định việc tạm dừng được xác nhận là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo Luật Doanh nghiệp, Cục kiểm tra văn bản vẫn nhấn mạnh, việc “tạm dừng đăng ký” cần phải quy định thời hạn cụ thể của việc tạm dừng và các điều kiện kèm theo.
Riêng đối với nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú, HĐND Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết số 23 chỉ quy định “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành…” trong khi chờ xin ý kiến của Trung ương về một số vấn đề liên quan đến Luật Cư trú. Vì vậy, cơ quan này không xem xét, tiếp thu, xử lý nội dung này.
Cục Kiểm tra văn bản phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp cơ quan bị “thổi còi” không “thông”, việc xử lý cuối cùng đối với nội sai trái trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và của UB thường vụ Quốc hội.
Sau khi Nghị quyết chính thức của HĐND được ban hành, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành, đồng thời đề nghị UB Thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản trái luật này.
4. Pháp luật Việt Nam có bài Phát lộ “điểm mờ” trong công tác quản lý Luật sư. Bài báo phản ánh: Sở Tư pháp TP.Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của văn phòng luật sư do nhầm lẫn trưởng văn phòng với một luật sư hoạt động với tư cách cá nhân bị Đoàn Luật sư thành phố kỷ luật. Tuy chưa gây hậu quả, song qua đó đã cho thấy còn những “điểm mờ” trong mối quan hệ giữa hoạt động quản lý Nhà nước về luật sư và hoạt động tự quản của luật sư.
Ngày 12/4/2012, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư (LS) TP.Hà Nội có Quyết định 88/QĐ-ĐLS, xóa tên 16 LS thành viên của Đoàn do không đóng lệ phí trong thời gian dài (từ 2 tháng đến 4 năm 8 tháng). Kể từ ngày Quyết định 88 có hiệu lực, 16 LS đó không còn là LS thành viên của Đoàn LS TP.Hà Nội và mọi văn bản, giấy tờ có liên quan đến việc hành nghề LS của 16 LS đó “không còn giá trị pháp lý”.
Sau khi có thông báo này, Sở Tư pháp TP.Hà Nội xác định 5 trong số 16 LS bị Đoàn LS TP xóa tên đang là người đại diện theo pháp luật của 5 tổ chức hành nghề LS, nên đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 5 tổ chức hành nghề LS này, trong đó có VPLS Bảo Châu và cộng sự (số đăng ký 01010097, cấp ngày 23/9/2004, trụ sở tại số 521 đường Trương Định, Q. Hoàng Mai) do LS.Nguyễn Thị Minh Châu làm Trưởng Văn phòng.
Khi các văn bản “khai tử” các tổ chức hành nghề LS trên còn chưa ráo mực thì Sở nhận được phản ứng của LS.Nguyễn Thị Minh Châu về việc VPLS Bảo Châu và cộng sự bị “khai tử” oan. Rà soát lại, Sở mới tá hỏa khi phát hiện ra Đoàn LS TP có đến hai LS tên “Nguyễn Thị Minh Châu” và người bị Đoàn LS TP xóa tên không phải Trưởng Văn phòng LS Bảo Châu và cộng sự, mà là một LS hành nghề với tư cách cá nhân.
Ông Vũ Đức Mạnh (Trưởng phòng Quản lý LS – Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, do quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của VPLS Bảo Châu và cộng sự bị “nhầm đối tượng”, nên không cần phải ban hành Quyết định thu hồi mà chỉ cần đính chính lại thông tin.
Thực tế, Sở Tư pháp TP đã xử lý sự nhầm lẫn đó bằng việc đăng tải thông tin “VPLS Bảo Châu và cộng sự không bị thu hồi giấy phép hoạt động” trên báo chí và “yên tâm” đã minh oan cho LS.Nguyễn Thị Minh Châu (Trưởng VPLS Bảo Châu và cộng sự), cũng như khẳng định sự tồn tại hợp pháp của VPLS này. Song theo một số chuyên gia pháp lý, phải có Quyết định thu hồi Quyết định nhầm lẫn nói trên mới đảm bảo chặt chẽ.
Sự nhầm lẫn của Sở Tư pháp TP cho thấy, công tác quản lý LS ở địa phương cần được xem xét lại, không thể chỉ vì “phải quản lý đến 1.800 LS và gần 800 tổ chức hành nghề LS nên có thể nhầm lẫn” – như lý do mà bộ phận quản lý LS của Sở Tư pháp biện minh. Ngoài ra, một vấn đề nữa chỉ bị “lộ” ra khi Đoàn LS TP.Hà Nội công bố danh sách 16 LS bị xóa tên khỏi danh sách thành viên Đoàn LS là việc có những LS hành nghề mà không cần thẻ LS.
Thẻ LS là 1 trong những giấy tờ quan trọng chứng minh tư cách hành nghề của LS. Theo qui định của Liên đoàn luật sư Việt Nam, tính từ ngày 1/8/2010, thẻ LS cũ (do Đoàn LS tỉnh, TP đã cấp theo mẫu của Bộ Tư pháp) hết hiệu lực sử dụng, thay vào đó là Thẻ LS do Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp. Nhưng theo thông tin của Liên đoàn và Đoàn LS TP, vì chưa đóng phí thành viên nên 16 LS vừa bị Đoàn LS TP xóa tên “chưa từng được Đoàn LS TP đề nghị Liên đoàn cấp thẻ”. Kéo theo đó là khi họ bị xóa tên, cả Đoàn và Liên đoàn đều “vô can” trong việc thu hồi thẻ LS của họ vì chỉ có tổ chức cấp thẻ mới có quyền thu hồi.
Điều đáng nói là, trước khi bị xóa tên, dù “Thẻ cũ hết hiệu lực, thẻ mới không có”, các LS này vẫn nghiễm nhiên hoạt động với tư cách LS mà không hề bị Đoàn LS TP, Liên đoàn LS Việt Nam hay Sở Tư pháp “sờ gáy”. Bên cạnh đó, việc thu hồi chứng chỉ hành nghề LS của 16 LS này cũng chưa được tiến hành do Bộ Tư pháp “chưa nhận được đề nghị của Đoàn LS TP”, mặc dù theo khẳng định của lãnh đạo Đoàn LS TP, Đoàn đã có công văn gửi Bộ về vấn đề này.
Nếu chỉ nhìn từ vụ việc 16 LS trên thì rõ ràng, câu chuyện về quản lý LS cả ở góc độ quản lý nhà nước và tự quản của LS đang “có sự tắc trách vì mải trông chờ nhau”, mà suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa là vì pháp luật qui định thế, biết làm sao được!!!
III-CÁC NỘI DUNG KHÁC
1. Báo Dân việt có bài Khánh Hòa: Tràn lan sân golf treo, vẫn đòi làm thêm. Bài báo phản ánh: Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình bổ sung thêm 4 dự án sân golf. Nếu được phê duyệt, Khánh Hòa sẽ có 9 sân golf, nhưng mới có 2 sân golf đi vào hoạt động…
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 5 dự án sân golf với tổng diện tích khoảng 400ha và đang xin bổ sung 4 sân golf, tổng diện tích gần 270ha. Trong số 9 sân golf, chỉ có 2 đã hoạt động đó là sân golf trong Khu du lịch giải trí Nha Trang và sân golf 18 lỗ của Vinpearland. Ngoài 2 sân golf nói trên, chỉ có mỗi sân golf ở Cam Hòa đã san nền, 6 sân golf khác chưa có động tĩnh gì.
Trong số 9 sân golf, chỉ có 2 đã hoạt động đó là sân golf trong Khu du lịch giải trí Nha Trang và sân golf 18 lỗ của Vinpearland.
Trong khi đó, những sân golf được đăng ký ở Khánh Hòa đều có diện tích và kinh phí thực hiện rất “khủng”. Ví như: 2 sân golf 134,3ha trong “đại dự án” khu nghỉ dưỡng có diện tích trên 1.500ha, “bao trùm” cả xã đảo Cam Lập (TP. Cam Ranh) hay sân golf trị giá 100 triệu USD trong Dự án Khu đô thị “vĩ đại” ven biển Tu Bông rộng hơn 2.000ha…
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, toàn bộ đất dự án sân golf đều ở các vùng đồi, đất độ màu kém. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình quản lý đất đai đối với các dự án sân golf của Sở Tài nguyên – Môi trường Khánh Hòa, hiện nay, toàn bộ các sân golf của các dự án đều là một phần của các dự án lớn nhiều mục tiêu như khu du lịch, trung tâm thương mại, nhà biệt thự để bán… Vì vậy, không thể phân định rõ đâu là đất sân golf đâu là đất có giá trị làm khách sạn, khu đô thị…
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Đại gia Trung Quốc mua 100 ha đất Bình Thuận: Tôi không hiểu luật VN, bị “cò” nó xúi!. Bài báo phản ánh: Ông Zhong Heng Shan, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn, khẳng định mình thật sự muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng đã làm sai luật vì nghe lời “cò”.
Vụ sang nhượng đất trái phép, có dấu hiệu đầu tư chui ở Công ty TNHH Nguyên Long Sơn đang làm dư luận rất chú ý nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ vì giám đốc Zhong Heng Shan vẫn chưa xuất hiện. Ngày 12-7, biết ông Zhong đang ở nhà riêng tại đường Bình Sơn, TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), chúng tôi đã liên lạc phỏng vấn qua điện thoại và được trả lời bằng tiếng Việt.
Phóng viên: Ông nghĩ sao về sự việc vừa xảy ra với Công ty Nguyên Long Sơn?
+ Ông Zhong Heng Shan, Giám Công ty TNHH Nguyên Long Sơn:Tôi là người muốn đầu tư vào Việt Nam và tôi đã qua Việt Nam thông qua ông Đặng (Phạm Tiến Đặng, thông dịch viên, kiêm trợ lý của ông Zhong tại Việt Nam – PV). Tôi có nói với ông Đặng là làm gì cũng phải đúng luật pháp Việt Nam. Công ty chúng tôi còn mời cán bộ tỉnh Bình Thuận sang tham quan công ty ở Trung Quốc để họ biết rõ chúng tôi. Còn chuyện làm sai là do ông Đặng chỉ huy mình như thế hết. Tôi là người đi làm ăn, không phải là người đi làm bậy bạ!
Lẽ ra khi đầu tư vào Việt Nam, ông phải lập dự án để Nhà nước xem xét cho thuê đất chứ cần gì ông phải thông qua người này, người kia để bị tiền “cò”?
+ Từ xưa tới giờ tôi đã nói rồi, phải làm đúng pháp luật Việt Nam, phải làm đàng hoàng và chuyển tiền từ Trung Quốc vào đến Việt Nam. Ông ấy bảo làm vậy là đúng pháp luật Việt Nam lắm rồi. Ông ấy chỉ những cái đường để ông ấy ăn tiền của mình thôi. Tại vì tôi là người Trung Quốc, tôi không biết luật Việt Nam như thế nào để làm anh à. Tôi nhờ ông Đặng nhưng ông chỉ đường sai hết, ảnh hưởng xấu đến công ty như thế.
Ông mua đất lúa ở Hàm Đức làm công xưởng rồi hợp đồng với ông Thạnh thu gom đất của nông dân xung quanh đúng không?
+ Cái này cũng do ông Đặng bày ra hết à… Công an kinh tế có mời tôi, tôi cũng đã nói là tôi muốn làm đúng pháp luật Việt Nam, nếu mà sai tôi phải làm lại từ đầu cũng được. Công an kinh tế đã mời tôi hỏi về việc này rồi.
Ông đến Việt Nam làm ăn và mời luật sư, chẳng lẽ luật sư không hiểu pháp luật?
+ Lúc đầu ông Đặng nói là sẽ mời ông Hạ (?) làm luật sư cho bên này. Nhưng rồi nghe ông Đặng nói lại là ông Hạ ăn tiền của ông Thạnh mấy trăm triệu sao đó và ông Đặng nói đuổi ông luật sư này luôn.
Sau vụ này ông có muốn đầu tư hay rút tiền về?
+ Có, tôi muốn làm ăn. Chỉ vì mấy ổng chỉ sai mà báo chí đăng như thế thì mất mặt công ty hết.
Báo chí Việt Nam đăng có đúng không, thưa ông?
+ Không đúng, không đúng, không đúng cả. Tôi nói với anh như thế.
Ông thấy sai chỗ nào? Sự thật diễn ra như thế thì báo chí phản ảnh như thế. Chính ông cũng nói do ông không biết pháp luật VN…
+ Tôi không hiểu luật Việt Nam mà cứ nói tôi sai cái này, sai cái kia…
Nhưng ông vào Việt Nam không đăng ký đầu tư đàng hoàng mà nhờ người này, người kia thu gom mua đất trái phép?
+ Không phải tôi nhờ mấy ông này mua mà mấy ông này chỉ cho tôi mua. Tôi sẽ vào Việt Nam đầu tư mà, cảm ơn anh!