Trong buổi sáng ngày 03/7/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin: Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ra tuyên bố cực lực phản đối quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc và hành vi của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
2. Báo Hà Nội mới có bài 32% máy chủ web .gov.vn mắc lỗ hổng nghiêm trọng RDP. Bài báo phản ánh: Có tới 32% máy chủ web của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ đang tồn tại lỗ hổng nguy hiểm trong giao thức RDP (Remote Desktop Protocol). Đây là kết quả cuộc khảo sát mới nhất được các chuyên gia của Bkav thực hiện đối với hệ thống máy tính tại Việt Nam.
Lỗ hổng RDP tồn tại trong giao thức kết nối Remote Desktop của Windows, dịch vụ thường được các quản trị mạng sử dụng để quản lý máy chủ từ xa. Lợi dụng lỗ hổng này, hacker có thể chiếm quyền Quản trị hệ thống và điều khiển máy chủ từ xa mà không cần mật khẩu.
Mặc dù Microsoft đã đưa ra bản vá vào trung tuần tháng 3 nhưng tại Việt Nam, vẫn có tới gần 1/3 các máy chủ web thuộc cơ quan Nhà nước, Chính phủ tồn tại lỗ hổng nguy hiểm này. Như vậy, ngay cả công tác cơ bản nhất để đảm bảo an toàn an ninh cho mạng máy tính là cập nhật bản vá lỗi, đã không được chú trọng tại các cơ quan Nhà nước. “Tình trạng lỏng lẻo trong công tác đảm bảo an ninh cho máy chủ web đã ở mức báo động đỏ. Việc kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng để tấn công mạng máy tính bất kỳ lúc nào là nguy cơ sát sườn. Nếu tình trạng mất an toàn an ninh trong hệ thống mạng của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ cứ tiếp tục như hiện nay sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia”, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng Công ty Bkav cảnh báo.
Cuộc khảo sát của Bkav đã tiến hành với 520 website .gov.vn. Công ty Bkav cho biết đã gửi cảnh báo và hướng dẫn cách khắc phục tới quản trị các hệ thống mắc lỗi. Người quản trị cần cập nhật bản vá bằng cách truy cập vào website của Microsoft và tìm kiếm với từ khóa: “MS12-020”. Các chuyên gia của Bkav cũng khuyến cáo hệ thống cần được thiết lập nhiều lớp bảo vệ, quản trị mạng không nên mở cổng trực tiếp ra Internet đối với các dịch vụ hỗ trợ trong việc quản trị.
3. Trang vtv.vn có bài Chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Bài báo phản ánh: Bắt đầu từ ngày 1/7, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức được vận hành. Nhà máy nào có giá điện chào bán thấp hơn sẽ được EVN ưu tiên mua trước, như vậy, người tiêu dùng có hy vọng sẽ được dùng điện với giá thấp hơn.
Việc hình thành và đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhằm tạo ra “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị phát điện, khuyến khích tiết kiệm chi phí trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện để có được giá điện hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng, đồng thời tạo tín hiệu tốt để thu hút các nguồn đầu tư vào phát triển điện.
Theo lộ trình, thị trường điện cạnh tranh sẽ có 3 cấp độ. Năm 2006 – 2014 là giai đoạn hình thành thị trường phát điện cạnh tranh. Năm 2015-2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh và sau năm 2022 là mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
4. Trang VEF.VN có bài Liên tiếp những tiếng kêu cứu thống thiết của DN. Bài báo phản ánh: Hàng loạt các hiệp hội ngành hàng vừa qua đã gửi văn bản lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương… kêu cứu. Lý do đều giống nhau là tiêu thụ giảm sút, tồn kho tăng cao, nhiều DN gặp khó, buộc phải ngừng sản xuất.
Thống thiết nhất có lẽ là tiếng kêu của ngành thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến thời điểm này, đã có 20% số DN trong ngành thủy sản phải ngừng hoạt động. Ngành hàng cá tra được nhận định là ảm đạm nhất. Lãi suất cao trong một thời gian dài đã làm hàng loạt DN cá tra suy yếu. Hiện chỉ còn khoảng 20% DN ngành này tồn tại và phát triển bình thường, 80% DN trong tình trạng khó khăn, trong đó 30% trong số này đang “hấp hối”. Từ đầu năm đến nay, các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi vốn vay trước đó, khiến các DN trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra nhanh nhất có thể. Hậu quả là phá giá ồ ạt, giá mua cá nguyên liệu giảm mạnh tới mức nông dân không có lãi, DN muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn.
Sau cá tra, tôm là mặt hàng gặp tình trạng thiếu vốn vẫn phải lo chạy nợ. Ngoài vấn đề lãi suất, tín dụng, nguyên nhân khiến ngành thủy sản đang “chết dây chuyền” là do chi phí chế biến, sản xuất ở Việt Nam hiện quá cao, trong khi giá xuất khẩu thấp làm cho DN không có lãi.
Chính vì vậy, VASEP đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp là gia hạn nợ; đề xuất cho các DN, nhà máy chế biến vay tiền thu mua nguyên liệu, thu hồi vốn vay theo hợp đồng xuất khẩu; cơ cấu lại sản xuất, tài chính cho các DN có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động.
Mới đây nhất, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, Hội Vật liệu Xây dựng cũng vừa lên tiếng về những khó khăn của ngành từ đầu năm đến nay do thị trường ế ẩm.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Cho tư nhân làm công tác hòa giải? Bài báo phản ánh: Theo giảng viên Trần Thị Thu Hà (ĐH Luật TP.HCM), dự thảo Luật Hòa giải cơ sở cần quy định rõ những loại tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã. Đây là điều mà Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được. Đây cũng là vướng mắc căn bản đang làm khó cả UBND lẫn TAND.
Bà Hà cho biết hiện nay Luật Đất đai và Nghị định 181/2004 của Chính phủ chỉ quy định chung chung rằng tranh chấp đất đai phải qua hòa giải tại UBND cấp xã. Trong khi đó, thực tế các tranh chấp đất đai vốn rất đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau và không phải tranh chấp nào trong số đó cũng phù hợp với việc hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã.
ThS Phạm Hoài Huấn Khoa (khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM) thì nhận xét dự thảo luật thiếu một điều luật cụ thể quy định về đối tượng điều chỉnh của luật. Đây là thiếu sót vì một văn bản quy phạm pháp luật đều phải nói rõ phạm vi và đối tượng mà văn bản này có hiệu lực. Nếu phải để người áp dụng tự suy đoán thì sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi. Ngoài ra, dự thảo quy định mục đích của hoạt động hòa giải cơ sở bằng một điều khoản cụ thể (Điều 2) là thừa, không cần thiết, nặng tính tuyên truyền.
Cũng theo ThS Khoa, thời hạn hòa giải theo dự thảo (Điều 17) không nên để quá 30 ngày (phức tạp có thể hơn nhưng không quá 45 ngày) kể từ ngày tổ hòa giải nhận được yêu cầu hoặc hòa giải viên trực tiếp chứng kiến, biết vụ việc. Vì phạm vi hòa giải cơ sở là các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong đời sống hằng ngày, các bên có nhu cầu được giải quyết nhanh.
Đó là kiến nghị của PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM). Theo bà Phương, việc xã hội hóa công tác hòa giải sẽ thoát ly hoạt động này khỏi hệ thống hành chính. Thực tế cho thấy các hoạt động công chứng tư, thi hành án tư (thừa phát lại) đang hoạt động tốt và là sự lựa chọn của người dân. Do đó nếu mạnh dạn đưa công tác hòa giải cho các tổ chức tư nhân đảm nhiệm dưới sự quản lý của cơ quan chuyên môn sẽ làm cho nó sôi động và chất lượng hơn.
Cạnh đó, trách nhiệm vật chất của các bên khi tham gia hòa giải cũng rõ ràng hơn. Người cần hòa giải phải đóng phí cho người hòa giải theo thỏa thuận hợp lý và hòa giải viên sẽ không phải kêu ca về việc nhận thù lao thấp như hiện nay. Khi các tổ hòa giải được kiện toàn lại bộ máy, mô hình thì nó sẽ hoạt động dựa theo tinh thần tự nguyện giữa hai bên, tất yếu chất lượng hòa giải sẽ cao. Vì tâm lý người dân muốn là giải quyết tranh chấp nhẹ nhàng (đối với những sự việc nhỏ, đơn giản), bất đắc dĩ mới ra tòa. Cạnh đó cần xác định lại giá trị pháp lý của văn bản hòa giải trong quá trình tố tụng sau đó theo hướng phải công nhận.
ThS Trần Thị Thu Hà cũng đề xuất nên đề cao hợp lý tính chất xã hội của công tác hòa giải. Nên xã hội hóa nó để vừa giảm gánh nặng cho tòa án vừa giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời giảm chi phí tố tụng. Xu hướng phát triển của xã hội là khuyến khích hòa giải thông qua cơ chế ngoài tố tụng. Chẳng hạn ở nước ngoài đã hình thành những văn phòng tư vấn thủ tục hành chính tư. Thành phần của văn phòng là cảnh sát, thẩm phán đã về hưu, họ tư vấn hòa giải có thu phí.
2. Trang Vov.vn có bài “Mổ xẻ” dự thảo Luật Thủ đô. Bài báo đưa tin: Theo dự kiến, dự thảo Luật Thủ đô sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thủ đô, một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau là điều khoản về quản lý dân cư ở Hà Nội, đặc biệt là ở các quận nội thành. Đây cũng là lí do để Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề về “Dân cư quy định trong dự thảo Luật Thủ đô” diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, nhằm lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật.
Tính đến tháng 10/2011, dân số của Hà Nội có gần 6,5 triệu người. Mỗi năm Hà Nội tăng bình quân 192.000 người, trong đó tăng cơ học chiếm khoảng 63%, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu thừa nhận: Sức ép về dân số thực sự là thách thức đối với chính quyền thủ đô. Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Giải quyết thực trạng này đòi hỏi tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ.
GS.TS Nguyễn Đình Cử – Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: “Chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Tầm vĩ mô như: Xây dựng các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội để kéo bớt người nhập cư mới đến vào các thành phố vệ tinh; dừng xây dựng mới và chuyển các cơ sở dịch vụ, kinh doanh cũ không chỉ gây ô nhiễm mà còn thu hút nhiều dân ra khỏi các quận có mật độ cao… Còn ở tầm vi mô là can thiệp đến từng công dân, như áp dụng một số điều kiện về thời hạn tạm trú, điều kiện nhà ở…”.
Để quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra 2 phương án. Theo đó việc đăng ký thường trú ở nội thành của công dân ngoài việc tuân theo những quy định tại khoản 1, Điều 20 của Luật Cư trú, dự thảo Luật còn dự kiến quy định thêm điều kiện là “phải có thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định hoặc có việc làm ổn định nếu đang trong độ tuổi lao động”. Đây là nội dung vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến: “Trong quy định về quản lý dân cư của Luật Thủ đô lần này dường như vẫn còn nặng về yêu cầu quản lý đăng ký hộ khẩu. Phải thấy rằng quản lý không chỉ theo số lượng, đặc biệt không phải về hình thức đăng ký hộ khẩu, mà còn quản lý về chất lượng dân cư. Điều đáng tiếc là trong dự thảo luật lần này vẫn chưa có quy định liên quan đến quản lý về chất lượng dân cư. Ngay cả vấn đề về đăng ký hộ khẩu cũng còn nặng về hình thức, mà chưa thật chú ý đến những tình huống thực tiễn và sự mềm dẻo trong triển khai”.
Trước một số ý kiến cho rằng việc quy định về điều kiện đăng ký thường trú là không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trái với Luật Cư trú hiện hành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lưu ý rằng: Quy định điều kiện nhập cư vào các quận nội đô là phù hợp với Hiến pháp, đồng thời giúp các quận này phát triển phù hợp, ngăn số lượng dân cư ngày càng “phình to” trong khi cơ sở hạ tầng không thể thay đổi, chứ không phải hạn chế quyền nhập cư, cư trú của công dân vào thủ đô.
3. Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh: Pháp luật hiện chưa có quy định điều chỉnh vấn đề ly thân, đương nhiên Luật Hôn nhân gia đình chưa có chế định ly thân. Từ đây nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp còn “bỏ ngỏ”, đơn cử như quan hệ ngoài vợ ngoài chồng khi đã ly thân có phạm pháp hay không; giữa vợ/chồng có phát sinh các nghĩa vụ về ly thân cấp dưỡng, chăm sóc trong thời gian ly thân hay không; hoặc trường hợp bị vợ/chồng cưỡng bức tình dục giải quyết thế nào? Tôi cho rằng, xuất phát từ những bất cập phát sinh trong thực tế, chế định ly thân cần được bổ sung vào Luật Hôn nhân và gia đình tới đây để theo kịp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Báo cũng có bài Khó truy DN mất tích, Thi hành án “đòi” sửa Luật Doanh nghiệp. Bài báo phản ánh: Tính “sơ sơ”, hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 250 doanh nghiệp (DN) “mất tích” đang phải thi hành án (THA) với số tiền khá lớn. Đây là thực tế mà thành phố này đã phải đối mặt nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để, khiến việc THA đối với DN trở thành tồn đọng kinh niên.
Tuy nhiên, trong thực tiễn lại có những DN “mất tích” mà pháp luật không điều chỉnh. Số liệu thống kê tạm thời cho thấy tại TP. HCM có khoảng 250 doanh DN phải THA thuộc tình trạng này. Loại DN này chỉ đăng ký vốn điều lệ bằng hiện kim (không có hiện vật), khi mất tích trên thị trường đã để lại món nợ lớn phải THA. Do đó, việc THA đối với loại DN này trở thành tồn đọng, trong khi đó các thành viên sang lập DN này lại ung dung đi đăng ký thành lập Cty TNHH mới.
Cũng theo Cục THADS Tp. HCM, đối với việc THA với DN, một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có sai sót về địa chỉ cư trú, địa chỉ trụ sở DN gây khó khăn cho việc xác minh điều kiện THA. Hiện, cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân còn nhiều khiếm khuyết, gây khó khăn cho việc xác minh tài sản của người phải THA.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về biện pháp chế tài với DN không khai báo đầy đủ tài khoản đã mở tại các ngân hàng. Mặt khác về mặt quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không quản lý được danh sách chủ tài khoản đang có tại các ngân hàng thương mại, nên không có đầu mối hỗ trợ các cơ quan THADS khi cần tìm kiếm chủ tài khoản phải THA.
Cục THADS TP. HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật DN theo hướng những người thuộc hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên), thành viên sang lập, ban giám đốc, kế toán trưởng không được quyền thành lập hoặc đảm nhận các chức vụ quản lý trong DN mới nếu DN cũ chưa thực hiện xong nghĩa vụ THADS; cần tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép thành lập đối với DN; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc THA liên quan đến DN.