Trong buổi sáng ngày 12/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân điện tử đưa tin về Ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Dự án Luật Dự trữ quốc gia.
Thảo luận về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015, phần lớn ý kiến các đại biểu nhất trí như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc bổ sung năm dự án mới sử dụng nguồn vốn TPCP là phù hợp với thực tế, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của vùng và đất nước.
Trong đó, năm dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận đã được Chính phủ cho phép triển khai từ năm 2011, phục vụ hai dự án trọng điểm năng lượng của Quốc gia (Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2). Dự án cầu Năm Căn, là chiếc cầu cuối cùng được xây dựng, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, đảo ở Cà Mau. Dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), là dự án vượt sông Lô, nối hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, được Thủ tướng Chính phủ dự kiến đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP, tỉnh đã ứng vốn thi công, đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới công trình. Dự án ký túc xá sinh viên Ðại học Trà Vinh, dự án có quy mô chỗ ở cho 10.500 sinh viên, trong đó chủ yếu phục vụ sinh viên dân tộc thiểu số (30% số sinh viên là dân tộc Khmer). Dự án Bệnh viện ung thư TP Ðà Nẵng, quy mô 500 giường, thực hiện theo mô hình Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước cùng lo, nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư cho nhân dân thành phố và các vùng phụ cận…
Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, Nghị quyết số 12 của QH ngày 9-11-2011 đã quy định, tổng mức đầu tư nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 không quá 225 nghìn tỷ đồng, giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát danh mục các dự án, công trình được quy định tại Nghị quyết số 881/2010 của Ủy ban TVQH, 40 dự án đã được Ủy ban TVQH cho phép bổ sung trong năm 2011…, song hiện nay, Chính phủ đang triển khai chưa xong, nay lại bổ sung thêm năm dự án mới sử dụng nguồn vốn TPCP. Hơn nữa, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhiều công trình cũng đang rất cần được bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP để triển khai, xây dựng, song không được bổ sung; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét lại các dự án mới được bổ sung này.
Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, năm dự án mới kể trên được đề nghị bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP là cần thiết, nhưng cần phải được công khai, minh bạch. Trong đó, ba dự án giao thông mới được bổ sung, khi triển khai thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, tránh tình trạng đường vừa làm xong kém chất lượng lại phải sửa chữa, gây lãng phí thời gian, tiền của Nhà nước. QH cần có giám sát chuyên đề về lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông; rà soát các dự án mới bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP thật chặt chẽ, không để kẽ hở, xảy ra tình trạng “chạy” dự án.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các dự án được bổ sung kể trên đã được đề cập trong Nghị quyết, chủ trương của QH, nhưng trước khi có Nghị quyết 881 của Ủy ban TVQH, các dự án này do chưa được khảo sát, thiết kế và dự toán ngân sách, hoặc chưa được tổng hợp kịp thời, cho nên chưa được đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP. Do vậy, Chính phủ đã cân nhắc kỹ để trình QH; tiến hành các bước xem xét, bảo đảm chặt chẽ, không có tiêu cực xảy ra. Việc bổ sung năm dự án này, Chính phủ không cắt giảm nguồn TPCP từ một số công trình của các địa phương, mà sử dụng kinh phí từ nguồn vốn TPCP dự phòng 13 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Chiều 11-6, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Ða số các ý kiến phát biểu nêu rõ: Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được ban hành năm 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, qua tám năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật Dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật là rất cần thiết.
Mục tiêu của DTQG (Ðiều 1) được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng), Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) và một số đại biểu khác cho rằng, mục tiêu quy định trong Dự thảo luật là khá rộng so với nguồn lực DTQG và chưa phù hợp với bản chất của DTQG. Trên thực tế, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải; theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng, với phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia. Việc Dự thảo luật quy định mục tiêu “bình ổn thị trường” của DTQG là chưa hợp lý vì có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) lại không nhất trí với những ý kiến nêu trên và cho rằng, quy định như dự thảo luật là hợp lý. Nguồn dự trữ quốc gia hoàn toàn có thể tham gia bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội vì trong thực tế, Chính phủ đã từng xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nông dân trong giai đoạn giáp hạt…
Về hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành DTQG, dự thảo quy định bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, để tăng cường tiềm lực DTQG cần xem xét bổ sung dự trữ vàng, ngoại tệ. Về nguồn hình thành DTQG, Ðiều 6 quy định “DTQG được hình thành từ NSNN do Quốc hội quyết định”. Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, để tăng cường sức mạnh DTQG thì cần thiết phải có quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích, động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động DTQG, nhằm tạo cơ chế mở, khuyến khích các nguồn lực khác ngoài nguồn NSNN.
Ðiều 21 của Dự thảo luật quy định về tổng mức DTQG: Tổng mức DTQG được tăng dần hằng năm. Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý vì việc có tăng được hằng năm hay không phụ thuộc vào khả năng cân đối của NSNN trong từng thời kỳ và sự cần thiết tăng cường nguồn lực DTQG tại từng giai đoạn. Do vậy, đề nghị bỏ quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính khả thi của luật, nhất là trong tình hình NSNN biến động, tiềm lực còn hạn chế…
2. Báo Vietnamnet có bài Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng đăng đàn. Bài báo đưa tin: Nằm trong danh sách dự kiến, song Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng không nằm trong số 4 Bộ trưởng đăng đàn tuần này trước Quốc hội. Danh sách được chốt gồm: Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, Công Thương, Công an và Tài nguyên – Môi trường. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người cuối cùng trả lời chất vấn.
Thông tin do ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng ngày 11/6. Theo ông, dựa trên cơ sở các ý kiến chất vấn của ĐBQH, báo cáo ý kiến tổng hợp của cử tri của MTTQ Việt Nam, và ý kiến phát biểu của ĐBQH tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội, 4 Bộ trưởng được chọn sẽ tiến hành trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề.
Cùng với 4 Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước ĐBQH và cử tri cả nước vào sáng thứ 6.
7 Bộ trưởng sẽ tham gia “tiếp sức” chất vấn, trong đó có Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng…
Nhóm vấn đề tập trung vào Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh là quản lý, phân bổ đầu tư công, sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn mục tiêu quốc gia 2012. Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang được yêu cầu giải trình liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, do vừa qua có những vụ việc bức xúc yêu cầu làm rõ thêm chính sách của luật Đất đai, vấn đề môi trường làng nghề, thủy điện liên quan môi trường…
Bộ trưởng Công Thương được yêu cầu làm rõ thêm tình trạng các DN khó khăn hàng tồn kho lớn, thị trường đang bị co hẹp lại, DN khó khăn trong sản xuất, giải pháp giúp đỡ DN kinh doanh trở lại bình thường, giúp đầu ra của DN.
Bộ trưởng Công an lần đầu tiền tham gia chất vấn sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến tình trạng tội phạm gia tăng, đặc biệt ở đối tượng vị thành niên….
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng sẽ tham gia báo cáo thêm về kiềm chế, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Về vụ việc Vinalines, nếu ĐBQH có câu hỏi chất vấn trực tiếp ông Đinh La Thăng, Quốc hội sẽ dành thời gian để Bộ trưởng trao đổi và làm rõ thêm.
Theo tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở các phiên chất vấn theo nhóm vấn đề, Quốc hội dự kiến sẽ có nghị quyết về chất vấn tạo điều kiện cho việc giám sát sau kỳ họp.
Các thành viên Chính phủ và Thủ tướng đã nhận được hơn 100 câu chất vấn của các ĐBQH.
3. Trang Web vtv có bài Quyền trẻ em nhìn từ các vụ bạo hành trẻ em. Bài báo phản ánh: Các vụ bạo hành trẻ em ngày một nghiêm trọng, tăng cả về số lượng và mức độ. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, số lượng vụ xâm hại trẻ em bị cơ quan chức năng phát hiện hàng năm càng ngày càng tăng với những con số giật mình. Nếu như năm 2009 là 3.000 vụ, đến năm 2011 đã tăng lên hơn 7.000 vụ. Đây là theo con số thống kê các vụ việc bị phát hiện, được đưa ra ánh sáng, bị xử lý, còn con số thực sự có thể lớn hơn rất nhiều.
Những sự việc ngược đãi thương tâm này một lần nữa khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Vậy vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đang ở đâu? Họ cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những sự ngược đãi thương tâm?
Trang này cũng có bài Bất thường thương nhân TQ ồ ạt mua dứa ở Tiền Giang. Bài báo phản ánh: Hết mua cua biển ở Năm Căn (Cà Mau), khoai lang tím ở Vĩnh Long, giờ thương nhân Trung Quốc lại tiếp tục thu mua dứa (khóm) với số lượng lớn ở Tiền Giang, cũng với cách thức y hệt: Trả giá cao gấp 2,3 lần thông thường.
Được biết, chỉ trong 3 ngày các thương nhân Trung Quốc thu mua khóm, lượng khóm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến như công ty rau quả Tiền Giang sụt giảm tới 50%. Nhiều thương lái Việt lỡ thu mua hàng chục tấn khóm nay không biết bán cho ai.
Hậu quả là vậy, nhưng cơ quan chức năng địa phương chẳng thể làm gì do không biết căn cứ vào quy định nào để quản lý.
Trong lúc chính quyền địa phương chờ đợi một cơ chế hay những quy định cụ thể, thì ở những vùng này, hàng trăm người nông dân đang phải gánh chịu hậu quả và họ chỉ còn biết gắng sức vun trồng hy vọng một mùa vụ tốt đẹp hơn.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý đề nghị của Bộ Tư pháp về xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành chủ động thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về Hội nghị; tăng cường các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị; tại các diễn đàn phù hợp thể hiện sự quan tâm tới khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch cụ thể việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trình Chính phủ.
2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Công chức Đà Nẵng “đua nhau” cải chính hộ tịch. Bài báo phản ánh: Trong vòng 6 năm từ 2006 đến 2011 trên địa bàn TP.Đà Nẵng có đến gần 3.200 trường hợp cán bộ công chức xin thay đổi cải chính hộ tịch, con số năm sau tăng hơn năm trước. Nhiều trường hợp Sở Tư pháp thừa nhận việc điều chỉnh để kéo dài thời gian công tác, hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước…
“Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung việc giải quyết hồ sơ thay đổi cải chính hộ tịch phần lớn đều đảm bảo về thủ tục, thay đổi, cải chính có lý do chính đáng” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết. Tuy nhiên, cũng theo bà Hoa, bên cạnh những hồ sơ đúng cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật, nhiều quận, huyện xã phường vẫn để xảy ra sai sót.
Theo quy định của BLDS thì việc thay đổi cải chính chỉ được thực hiện khi có lý do chính đáng. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp không chính đáng cũng được cải chính, thậm chí cải chính không phải để phù hợp với các giấy tờ liên quan mà cải chính vì … thích tên này mà không thích tên khác.
Một vấn đề khác xem ra là vi phạm về thủ tục hình thức nhưng lại dẫn đến nhữn hệ lụy vô cùng rắc rối, đó là sau khi có quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch của UBND cấp huyện nhưng Phòng Tư pháp không gửi thông báo kịp thời để UBND cấp xã, phường ghi chú nội dung thay đổi, cải chính vào Sổ đăng ký trước đây, dẫn đến tình trạng cấp bản sao khai sinh không đúng với nội dung đã được cho phép thay đổi, cải chính.
Một “kẽ hở” được chỉ ra trong đăng ký lại việc sinh cho cán bộ công chức đó là sau khi yêu cầu được giải quyết, họ đã dùng giấy khai sinh này để điều chỉnh năm sinh trong các giấy tờ hồ sơ cán bộ để phục vụ mục đích không chính đáng, như kéo dài thời gian công tác, hưởng chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước…
Một trong những kiến nghị mà Sở Tư pháp Đà Nẵng đề xuất là Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi điều 37 Nghị định 158/CP theo hướng giao Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền cho phép việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định dân tộc, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp trong nước cũng như có yếu tố nước ngoài (quy định hiện nay là UBND cấp xã giải quyết thay đổi cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi. Người từ đủ 14 tuổi trở lên thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).
Quy định như vậy, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng nhằm ngăn chặn sự tùy tiên và tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của cơ quan đăng ký khai sinh vừa là cơ quan thực hiện việc thay đổi, cải chính giấy khai sinh, đồng thời đảm bảo trình độ đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra còn giảm bớt khối lượng việc cho cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã hiện nay.
3. Báo Người Lao động có bài Vụ tiêu cực thi tốt nghiệp THPT ở Bắc Giang: Cần biểu dương thí sinh quay clip. Bài báo đăng bài phỏng vấn TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
* Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào trước những phát biểu cho rằng thí sinh quay clip gian lận tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô vừa có công vừa có tội?
– TS Lê Hồng Sơn: Những ý kiến mà tôi đọc được trên báo, ngay cả của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, nói về việc thí sinh quay clip tố giác tiêu cực tại hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô đều chưa được chuẩn cả về lý và tình. Bản chất của vụ việc là hành vi tiêu cực trong thi cử thuộc về tập thể giám thị, giáo viên của hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Trách nhiệm kiểm soát, giám sát không cho tiêu cực xảy ra của cơ quan Nhà nước trong trường hợp này đã không làm được.
Điều này khiến một thí sinh quay clip nhằm tố giác hành vi tiêu cực của số đông. Hành vi sai trái của số đông đó đã rõ nhưng việc Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng thí sinh này cũng sai, tức đặt 2 cái sai ngang nhau, là hoàn toàn không đúng về bản chất. Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT quy định thí sinh không được mang thiết bị thu phát thông tin dưới bất cứ hình thức nào là một cách nói chung chung, không cụ thể.
Việc mang thiết bị vào phòng thi để phục vụ mục đích quay cóp khác hẳn với mục đích chứng minh việc vi phạm pháp luật – điều mà các cơ quan Nhà nước không thực hiện được. Tôi bảo đảm bút quay không thể phục vụ mục đích quay cóp nên hành động của thí sinh này chỉ sai về mặt hình thức khi quy chế của Bộ GD-ĐT chưa chuẩn.
* Theo ông, cần biểu dương thay vì xem xét xử lý thí sinh quay clip?
– Việc cho rằng quy chế cấm mang thiết bị thu phát thông tin vào phòng thi nên hành động của em thí sinh này là sai, thực sự là suy luận không có trái tim. Hành động của thí sinh này đáng được biểu dương.
* Thưa ông, thông tin trong clip có thể coi là bằng chứng để hủy kết quả thi?
– Có thể coi là bằng chứng và xử lý như thế. Tuy nhiên, đứng về góc độ xã hội thì phải cân nhắc bởi chúng ta đã chứng kiến việc kỹ sư Lê Văn Tạch tố giác Toyota bán ô tô mắc lỗi ra thị trường hay thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực ở một hội đồng thi trước đây. Đối với trường hợp này cũng thế, những người đứng đầu ngành giáo dục địa phương và Trung ương cần có hướng xử lý khéo léo để người chống tiêu cực không lâm vào thế đơn thương…
* Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ có ý kiến với Bộ GD-ĐT về vấn đề này?
– Sau sự việc này, chắc chắn chúng tôi sẽ làm việc với Vụ Pháp chế của Bộ GD-ĐT về quy chế thi tốt nghiệp. Phải làm sao để quy chế được rạch ròi, giúp phân biệt đúng sai chứ không thể chung chung như hiện nay.
Theo http://moj.gov.vn