Thứ năm, 14/6/2012
Trong buổi sáng ngày 14/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân điện tử đưa tin về Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Chất vấn hai Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Ðầu tư. Bài báo đưa tin: Hôm qua 13-6, trong ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu QH tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong kỳ họp này các đại biểu QH đã gửi 149 câu hỏi đến các thành viên Chính phủ, trong đó có một câu hỏi gửi Chủ tịch QH liên quan chính sách người cao tuổi. Các câu hỏi của đại biểu QH tập trung vào các giải pháp giải quyết tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, có dấu hiệu suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng theo Nghị quyết của QH. Cùng với đó là các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội như: chính sách về đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội. Theo Chủ tịch QH, tại phiên chất vấn của kỳ họp này, QH sẽ chất vấn năm thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Công an và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng với năm thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ khác sẽ trả lời, giải trình đối với những vấn đề liên quan.
Trước khi tiến hành chất vấn, các đại biểu QH nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Ðức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Theo báo cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 1.678 kiến nghị của cử tri cả nước tập trung vào các vấn đề nổi lên như tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các vấn đề bức xúc của xã hội. Các cơ quan chức năng đã tiếp thu, giải quyết 1.672 kiến nghị. Báo cáo cho biết, vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần là việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tình trạng thất nghiệp, đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng thu hồi đất, tái định cư.
Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tái định cư và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện khung giá đất và chính sách bồi thường hợp lý cho người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất. Ðồng thời, có quy định chặt chẽ gắn kết trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư với người dân bị thu hồi đất và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Minh Quang là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về công tác quản lý đất đai, các giải pháp bảo đảm đời sống người dân có đất bị thu hồi, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải pháp bảo vệ môi trường.
Tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã tham gia trả lời làm rõ thêm một số vấn đề về chính sách tài chính liên quan đến đất đai, việc cho người nước ngoài thuê đất rừng, công tác quản lý đất khu đô thị và cơ chế giải quyết khiếu kiện về đất đai.
Buổi chiều, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ đã tham gia trả lời về trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, giám sát hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung và đối với những sai phạm của Vinalines nói riêng. Theo đó, các cơ quan chức năng đã kết luận, những sai phạm của Vinalines, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc các đơn vị thành viên của tổng công ty này. Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản khuyến cáo về thực trạng tài chính của Vinalines. Hiện nay, để tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang triển khai, xây dựng một số cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng đã tham gia trả lời một số chất vấn của các đại biểu liên quan một số nội dung về các công trình, dự án giao thông được cử tri quan tâm.
2. Báo điện tử Chính phủ đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bí thư Trung ương Đảng Lào. Chiều 13/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Chansy Phosikham, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực trên tất cả các lĩnh vực; khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng với Lào mãi mãi giữ gìn và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
* Cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đẫu đã có cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Chansy Phosikham, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu.
3. Báo Nhân dân điện tử có bài Ðoàn đại biểu Ðảng Lao động Triều Tiên thăm Việt Nam. Bài báo đưa tin: Ngày 13-6, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thân mật tiếp Ðoàn đại biểu Ðảng Lao động Triều Tiên do đồng chí Kim Yơng In, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam.
4. Báo Người Lao động có bài Việt Nam đạt nhiều thành tựu về giảm nghèo. Bài báo đưa tin: Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo lần thứ 9 đã khai mạc tại Đà Nẵng vào sáng 13-6.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa nhấn mạnh trong những năm qua, PTNT – XĐGN của khu vực đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức mà các nước ASEAN cần phải hợp sức vượt qua, đó là tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang cản trở đến sự ổn định và phát triển của các nước, nhất là khu vực nông thôn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của Việt Nam đạt hơn 660 USD/người. Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 15,5% (theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015), hoàn thành sớm mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Trang VietnamPlus có bài ASEAN tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tư pháp. Bài báo đưa tin: Ngày 12/6, hơn 70 thẩm phán và quan chức Bộ Tư pháp của 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhóm họp tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác về pháp lý và tòa án.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của các thành viên trong mạng lưới thông tin pháp lý,” do Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Ang Vong Vathana, Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden và Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách về cộng đồng và hợp tác Bagas Hapsoro đồng chủ trì.
Tại cuộc hội thảo, các quan chức thảo luận về sự gắn kết của Hiến chương ASEAN, về việc thực thi các thỏa thuận quốc tế tại mỗi nước thành viên…/.
2. Báo Người đưa tin có bài Chuyện về chiếc Thẻ luật sư. Bài báo phản ánh: Một trong những vấn đề được Chính phủ đặt ra trong Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư dự kiến báo cáo trước kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn về tổ chức, tăng cường tính thống nhất và phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp chính là … việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.
Khi ban hành Pháp lệnh về tổ chức luật sư năm 1987, mỗi Đoàn Luật sư tự ”chế bản” không theo một mẫu thống nhất. Đến khi ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001, Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền xét duyệt tư cách, cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho các luật sự được các Đoàn luật sư đệ trình, sau đó cấp ”phôi” Thẻ luật sư theo mẫu thống nhất, giao về cho chủ nhiệm Đoàn Luật sư địa phương ký (viết bằng tay hoặc đánh máy) để cấp cho từng cá nhân luật sư. Vấn đề quản lý các ”phôi” trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn và trong một số trường hợp, việc cấp, đổi Thẻ luật sư còn có phần dễ dãi, tùy tiện…
Với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thẩm quyền cấp Thẻ luật sư được giao về cho tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn quốc này theo quy định tại khoản 6 điều 65 Luật Luật sư. Hiện nay, 7.072 luật sư chính thức đang hành nghề trên cả nước đều đang sử dụng Thẻ luật sư được thiết kế theo mẫu thống nhất do Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký, trong đó thể hiện tư cách thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nơi gia nhập.
Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ lần này, dựa trên quan điểm để tăng cường vai trò quản lý của Đoàn Luật sư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư, dự thảo Luật quy định theo hướng giao cho Đoàn Luật sư cấp Thẻ luật sư theo mẫu thống nhất do Liên đoàn Luật sư phát hành thay vì giao cho Liên đoàn cấp như hiện nay. Mặt khác, khoản 3 điều 20 dự thảo còn quy định Thẻ luật sư có thời hạn 5 năm và được đổi khi hết hạn. Theo quan điểm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia góp ý dự thảo với tư cách là thành viên của Hội đồng thẩm định dự án Luật thì việc sửa đổi, bổ sung nói trên là chưa phù hợp với nhu cầu và thực tiễn. Bởi lẽ, bên cạnh việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ luật sư, tập hợp và tạo được sự gắn kết các luật sư trong một ngôi nhà chung thống nhất, mà còn thể hiện được vị thế của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn quốc, hạn chế tình trạng manh mún, cát cứ trong việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư. Thực tiễn cho thấy, trong ba năm qua, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư của Liên đoàn thực hiện chặt chẽ, nhanh gọn, hiệu quả, ít sai sót, tạo thuận lợi cho các luật sư hành nghề và giúp cho các Đoàn Luật sư địa phương quản lý dữ liệu luật sư được tốt hơn.
Ngoài ra, việc quy định thời hạn cấp Thẻ luật sư giới hạn trong 5 năm cũng chưa phù hợp, vì danh xưng luật sư (cùng với nó là Thẻ luật sư) gắn liền với nhân thân và uy tín nghề nghiệp của mỗi luật sư, tương tự như nghề bác sĩ. Việc tăng cường các biện pháp giáo dục, nâng cao tố chất và đạo đức nghề nghiệp, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề luật sư là hết sức cần thiết, là một việc làm thường xuyên của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư địa phương. Do đó, theo thiển nghĩ của chúng tôi, việc quy định thời hạn hiệu lực của Thẻ luật sư cần được xem xét lại cho phù hợp với bản chất hoạt động của nghề luật sư.
3. Báo Pháp luật và Xã hội có bài Mối quan hệ đồng giới cần được bảo vệ trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Bài báo phản ánh: Theo quan điểm của Bộ Tư pháp thì việc kết hôn cùng giới tính vẫn là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều quan điểm trái ngược nhau. Trên thế giới chỉ một số ít nước, vùng lãnh thổ thừa nhận việc kết hôn này.
Mong rằng pháp luật sẽ thừa nhận quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Quan hệ đồng giới sẽ được hợp pháp hóa, được đảm bảo quyền bình đẳng như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới-ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bày tỏ.
Đó là một trong những ý kiến đóng góp của iSEE vào Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi mà Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Trong số những nội dung mà Bộ Tư pháp đưa ra để lấy ý kiến các cơ quan có nội dung về kết hôn cùng giới tính. Theo quan điểm của Bộ Tư pháp thì việc kết hôn cùng giới tính vẫn là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều quan điểm trái ngược nhau. Trên thế giới chỉ một số ít nước, vùng lãnh thổ thừa nhận việc kết hôn này. Ở Việt Nam thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính có xu hướng mở rộng cùng với nhu cầu được kết hôn hoặc chung sống với nhau ngày càng tăng lên.
Xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn giữa những người cùng giới cần được công nhận. Nhưng xét về văn hóa, tập quán gia đình của người Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết thì thời điểm này, việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là quá sớm. Do đó quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính tại khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình cần tiếp tục được quy định. Tuy nhiên, việc chung sống giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các mối quan hệ nhân thân, tài sản hoặc về con (ví dụ nhận con nuôi), pháp luật không thừa nhận hôn nhân của họ nhưng cũng phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả về thân nhân, tài sản và con từ việc chung sống giữa những người cùng giới tính – Bộ Tư pháp phân tích.
Từ những quan điểm đó của Bộ Tư pháp, ông Lê Quang Bình cho biết, iSEE hoan nghênh việc đưa quan hệ giữa những người cùng giới tính vào Luật Hôn nhân và Gia đình. Thừa nhận sự tồn tại thực tế của mối quan hệ này và nỗ lực giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh chính là bước đi đầu tiên trong tiến trình bảo vệ quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Đây cũng là sự thể hiện rõ ràng của cam kết thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, iSEE tin rằng sự thừa nhận và bảo vệ của pháp luật đối với các quyền của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính không thể dừng lại ở những quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của việc sống chung.
Đồng thời, ông Bình nhấn mạnh, iSEE mong muốn bộ Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi thừa nhận quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính, hợp pháp hóa quan hệ đồng giới, và đảm bảo quyền bình đẳng của quan hệ đồng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới.
4. Báo Hà Nội mới Online có bài Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: Dễ quản lý, giản tiện cho dân. Bài báo phản ánh: Với mục tiêu xóa bỏ tình trạng dữ liệu hộ tịch bị phân tán đang gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin mà còn làm hao phí thời gian, vật chất của công dân mỗi khi phải làm hồ sơ, giấy tờ liên quan đến lĩnh vực này. Hà Nội và nhiều tỉnh, TP khác đã chính thức lên tiếng đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch.
Trên thực tế đã xảy ra nhiều câu chuyện khó tin, khó chấp nhận nhưng vẫn tồn tại trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch, dân cư ở nhiều địa phương. Do quản lý không chặt, thiếu cơ sở dữ liệu gốc, khả năng phát hiện giấy tờ giả mạo của UBND cấp xã yếu nên nhiều công dân có đến 2 giấy khai sinh, mang nhiều tên họ khác nhau, thậm chí có đến 2-3 giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Từ đó, việc che giấu nhân thân, cư ngụ bất hợp pháp của một vài đối tượng xấu cũng khó phát hiện. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập này là chưa kết nối điện tử liên thông về hộ tịch giữa các cấp chính quyền lẫn cơ quan chức năng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có gần 94 triệu dữ liệu hộ tịch cá nhân, trong đó nhiều nhất là giấy tờ đăng ký khai sinh. Riêng Hà Nội – nơi dân số đông bậc nhất cả nước, UBND cấp huyện nắm 20.697 thông tin về khai sinh, kết hôn, khai tử. Tại Sở Tư pháp Hà Nội cũng đang quản lý 1.274 quyển sổ hộ tịch với 488.200 dữ liệu hộ tịch từ thời Pháp thuộc và 9.830 dữ liệu hộ tịch có yếu tố nước ngoài được đăng ký từ năm 1990. Hệ thống này được cất giữ “thủ công”, vừa tốn sức bảo quản và diện tích lưu giữ, lại khó tra cứu nên dễ xảy ra hiện tượng dễ dãi trong quản lý hộ tịch.
Cách làm thủ công trong lĩnh vực hộ tịch đang tồn tại trên phạm vi cả nước. Khi công dân yêu cầu cung cấp dữ liệu về nhân thân để phục vụ các giao dịch cá nhân, hiếm cán bộ chuyên trách nào có câu trả lời thỏa đáng vì việc tìm kiếm dữ liệu tốn quá nhiều thời gian, công sức. Theo Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất, sở dĩ có hiện tượng một người 2 tên, 2 hộ chiếu, 2 hộ khẩu như nêu trên là do trước sức ép về thời gian trả kết quả cho người dân và luật định, có công chức liều cấp bản sao giấy tờ hộ tịch không căn cứ vào sổ gốc (cấp biểu mẫu để người dân tự ghi thông tin rồi trình Chủ tịch UBND ký). Ngoài ra, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, sau hơn 1/4 thế kỷ thực hiện công tác hộ tịch thủ công, một bộ phận người dân không tin vào cung cách quản lý, số đăng ký khai sinh quá hạn chiếm tỷ lệ đáng kể; số nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vẫn tồn tại ở một số địa phương; tỷ lệ đăng ký khai tử còn rất thấp, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nếu có cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử kết nối liên thông, người dân có thể đến bất kỳ UBND xã, UBND huyện nào cũng có thể được cung cấp thông tin cần thiết. Đây cũng sẽ là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.
III-CÁC NỘI DUNG KHÁC
1. Báo điện tử Chính phủ có bài Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bắt đầu rà soát 3 dự án ODA của Đan Mạch. Bài báo đưa tin: Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều nay, 13/6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, phía Việt Nam cho rằng không có vi phạm trong 3 dự án này.
Về 3 dự án ODA đang bị phía Đan Mạch xem xét, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là 3 dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ và các Bộ liên quan rà soát lại từng dự án, kể từ ngày hôm nay (13/6/2012). Phía Việt Nam cho rằng không có vi phạm trong 3 dự án này. “Còn nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm khắc, lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ. ODA trong thời điểm hiện nay rất quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta cắt giảm đầu tư công”, Bộ trưởng nói.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Sai phạm Vinalines: Bộ nào cũng nói mình không biết. Bài báo phản ánh: Sau Bộ GTVT đến lượt Bộ KH&ĐT nói rằng mình không biết gì về sai phạm của Vinalines.
Chiều 13-6, tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nội dung được nhiều đại biểu QH đề cập nhất vẫn là sai phạm, thất thoát tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà mới đây nhất là Vinalines. Tuy vậy, câu trả lời của bộ trưởng cho thấy vẫn chưa rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong việc để các “ông lớn” thoải mái vung tiền tỉ qua cửa sổ.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi thẳng: Theo quy định không chỉ có Vinalines mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có sự giám sát thường xuyên chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành). Vậy vì sao các vụ việc sai phạm chỉ phát hiện qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ chứ không phải từ các bộ? Trách nhiệm của bộ trưởng trong vụ Vinalines thế nào?
Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết về nguyên tắc có trách nhiệm của các bộ. “Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, đến Luật DN năm 2005, DNNN được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dự án đầu tư, không phải báo cáo. Cho nên thật sự Bộ KH&ĐT không nắm được, qua các vụ Vinashin và Vinalines thì thấy đúng là như vậy” – ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: Về những sai phạm của Vinalines, trách nhiệm chính trong việc đầu tư không có hiệu quả như mua ụ nổi là của lãnh đạo tổng công ty… Hiện nay có lúng túng giữa vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp và đã, đang được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đại biểu Nga truy tiếp: Bộ trưởng Vinh nói do Vinalines không báo cáo nên Bộ không nắm được. Vì sao Bộ quản lý mà không nắm được? Trả lời bà Nga, ông Vinh “kể khổ”: “Vinalines, theo luật họ được quyết định. Thậm chí Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung uơng (cơ quan thuộc Bộ) đến họ cũng không tiếp”.
Như tiếp thêm lửa cho đại biểu Nga, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề: “Bộ trưởng cho biết theo quy định thì các tập đoàn quyết hết cho nên Bộ vô can. Nhưng thế thì tôi xin hỏi nguồn lực của nhân dân giao cho, Bộ có xót xa với cách dùng tiền đó như tiền của các ông chứ không phải của nhân dân?”.
Dẫn vụ Vinashin trước đó, đại biểu Lịch cũng chỉ ra lỗ hổng lớn trong cơ chế quản lý, trao quyền tự chủ kinh doanh cho các tập đoàn, DNNN hiện nay. “Vụ Vinashin xảy ra, các bộ KH&ĐT, Tài chính, bộ chủ quản không chịu trách nhiệm mà dồn hết cho Thủ tướng. Cơ chế nào để cho Vinashin được tự quyết định đầu tư trên 50.000 tỉ đồng không hỏi ý kiến ai trong khi dự án trên 20.000 tỉ đồng đã phải báo cáo QH? Các bộ quản lý ngành có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng đó?” – ông Lịch hỏi.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời rõ những câu hỏi hóc búa này của đại biểu Lịch. Theo đó, ông Vinh cho biết tới đây sẽ định hướng trở lại theo hướng bộ chuyên ngành quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tập đoàn nhà nước. “Vốn do Nhà nước cấp hay vốn DNNN đi vay cũng là của Nhà nước, không thể buông lơi như DN tư nhân. Vì vậy các dự án đầu tư đều phải báo cáo, phải có người giám sát chứ không thể để tùy tiện. Theo tôi phải có cơ chế thay đổi” – ông Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ ông “rất xót xa trước thực trạng đầu tư của DNNN lãng phí”. Theo vị tư lệnh ngành này, pháp luật của chúng ta dù chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản đã có hết. Những tiêu cực, sai phạm vừa rồi đều là liên quan đến con người, đều do con người cố tình làm. “Vì thế ngoài việc hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm đến phẩm chất của cán bộ – những người trực tiếp làm, nếu họ cố tình thì pháp luật phải xử lý nghiêm” – ông Vinh nhấn mạnh.
theo http://moj.gov.vn