Trong buổi sáng ngày 19/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân đưa tin về Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và thông qua năm dự thảo luật.
Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến khẳng định: Sau sáu năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển một bước, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân ngày càng đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, nhiều quy định trong Luật Xuất bản đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp thực tiễn. Ðáng chú ý là, quy định trong Luật Xuất bản chưa được thể chế hóa đầy đủ một số chủ trương, đường lối mới của Ðảng về hoạt động xuất bản; một số quy định còn thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan và bất cập so với thực tiễn… Vì vậy, việc sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành ở Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết.
Ðiều 12 của dự thảo Luật quy định về đối tượng được thành lập NXB được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Theo đó, dự thảo Luật quy định hai loại hình hoạt động đối với NXB, gồm: Ðơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu. Một số đại biểu nhất trí với nội dung này, đồng thời đề nghị bổ sung quy định để tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý và đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành: Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.
Về Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản (Ðiều 30), Dự thảo Luật bổ sung khoản 3, 4 để quy định nghiêm khắc và chi tiết hơn về việc xử lý NXB, các cá nhân liên quan và đối tác liên kết vi phạm quy định của dự thảo luật này, vì qua đánh giá sáu năm thi hành Luật Xuất bản, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu chế tài và mức độ xử lý còn quá nhẹ đối với các hành vi vi phạm của các chủ thể trong hoạt động liên kết xuất bản. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu khác đề nghị, đối với các đối tác liên kết, nếu phát hiện ra sai phạm, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa bởi trong thực tế, phần lớn những xuất bản phẩm có sai phạm đều nằm trong hoạt động liên kết.
Ðóng góp ý kiến với Ðiều 10 về Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác thống nhất với luật sửa đổi và cho rằng, những hành vi bị cấm được đưa ra là nghiêm khắc nhưng trong thực tế rất khó thực hiện nếu không tổ chức kiểm tra, rà soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm minh.
Ðiều 31 của dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi quy định về điều kiện thành lập cơ sở in và hoạt động in xuất bản phẩm. Về vấn đề này, đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) nhất trí với dự thảo quy định: Việc thành lập cơ sở in khác phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Ðiều này và phải đăng ký hoạt động in với UBND cấp tỉnh. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) băn khoăn về thực trạng hoạt động phức tạp của một số cơ sở in trong thực tế hoạt động xuất bản hiện nay và đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này nhằm góp phần quan trọng giải quyết tình trạng in lậu.
Trong phiên làm việc buổi chiều tại hội trường, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua năm dự thảo luật: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Sau khi QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý từng dự án luật nêu trên, đa số các đại biểu QH đã đồng tình với các báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH đối với các dự án luật. Sau đó, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung của điều luật và toàn bộ từng dự án luật. Trong đó, biểu quyết tán thành thông qua toàn bộ các dự án luật: Luật Bảo hiểm tiền gửi với 464/470, bằng 92,99% đại biểu tham gia bỏ phiếu; Luật Phòng, chống rửa tiền với 465/469, bằng 93,19% đại biểu tham gia; Luật Giáo dục đại học với 422/469, bằng 84,57% đại biểu tham gia; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với 440/468 (88,18%) đại biểu tham gia; Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 466/467 (93,39%) đại biểu tham gia bỏ phiếu.
Báo cũng đưa tin: Ngày 18-6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ NSNN ba năm 2013-2015.
2. Báo Dân trí có bài Cho các bộ bán trụ sở để “gỡ khó” cho ngân sách. Bài báo đưa tin: Nhận được chất vấn của đại biểu về vấn đề bán trụ sở một số bộ đang gây chú ý dư luận gần đây, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản trả lời nội dung này.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đặt vấn đề, cử tri đang rất quan tâm việc quản lý, bảo vệ tài sản (nhà, đất) trụ sở một số bộ ngành dự kiến chuyển từ trung tâm Hà Nội ra trụ sở mới, tránh bị mất mát tài sản lớn của nhà nước và đơn vị sử dụng sau đó xây dựng phá vỡ quy hoạch khu phố cũ. Ông Chương yêu cầu Bộ trưởng Dũng cho biết quan điểm về việc tham mưu với Thủ tướng để xử lý, giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Xây dựng phân trần, hiện phần lớn trụ sở của các bộ ngành TƯ đều có diện tích chật hẹp, phân tán, cơi nới, chắp vá qua nhiều thời kỳ, nhiều công sở đã bị xuống cấp, diện tích làm việc còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc. Theo nguyên tắc chung, việc đầu tư xây dựng công sở của các bộ, ngành sẽ do ngân sách nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn nên cần phải cho phép một số cơ quan được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại nơi cũ để lấy kinh phí đầu tư xây dựng tại nơi mới. Có như vậy mới nhanh chóng hiện đại hóa được hệ thống trụ sở của các bộ, ngành Trung ương, cũng như hệ thống công sở của các địa phương.
Ông Dũng cũng phủ nhận những quan ngại việc sử dụng đất tại trụ sở cũ sau khi di chuyển. Theo Bộ trưởng Xây dựng, việc này sẽ được thực hiện theo quy hoạch xây dựng do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo quy hoạch này, nhà nước sẽ rà sóat và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan TƯ ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Hiện nay, Hà Nội đang tiến hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thông tin thêm, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng đề nghị giao cho bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thành phố Hà Nội để lập quy hoạch hệ thống công sở của các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, các cơ quan liên quan sẽ có trách nhiệm xác định cụ thể nhu cầu về số lượng cán bộ, diện tích sàn xây dựng, diện tích đất, vị trí… của từng bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. Đồng thời cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các cơ chế liên quan tới việc sử dụng các cơ sở cũ sau khi di dời trên quan điểm đảm bảo tạo được nguồn kinh phí cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở mới cũng như hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng dự án tại khu vực cơ sở cũ với sự phát triển của đô thị.
3. Báo điện tử Chính phủ có bài Công bố kết quả giải quyết vụ gian lận thi cử tại Đồi Ngô, Bắc Giang. Bài báo phản ánh: Chiều 18/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Bắc Giang đã họp báo công bố kết quả giải quyết vụ gian lận thi cử tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Lục Nam (Bắc Giang).
Ngay sau khi các đoạn video phản ánh về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp của một số cán bộ giáo viên, nhân viên và thí sinh dự thi thuộc Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Dân lập Đồi Ngô huyện Lục Nam, Bắc Giang ngày 4/6/2012 được đăng tải trên một số tờ báo, Sở GDĐT Bắc Giang đã phối hợp với cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.
Kết quả xác minh cho thấy, lãnh đạo hội đồng coi thi buông lỏng công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc điều hành giám sát, diễn biến kì thi, không phát hiện được những tiêu cực ở Hội đồng coi thi trong quá trình điều hành. Đã để cho một số cán bộ giáo viên, nhân viên trường sở tại lấy đề thi, giải bài, đưa bài giải vào một số phòng thi vi phạm quy chế thi tạo ra dư luận không tốt trong kì thi, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thư kí Hội đồng (thư kí sở tại) đưa và thu tài liệu ở một số phòng thi. Nhân viên phục vụ tự ý đi vào trong khu vực phòng thi ném bài cho thí sinh. Thanh tra giám sát thiếu trách nhiệm, không phát hiện được những tiêu cực trong kì thi. Một số cán bộ nhân viên của trường không có nhiệm vụ vào thời điểm thi đã vào khu vực phòng thi, tham gia vào việc giải bài thi và chuyển bài vào phòng thi…
Căn cứ vào các văn bản quy định về việc xử lý, Sở GDĐT Bắc Giang kiến nghị cách chức ông Nguyễn Đức Đôn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) – Chủ tịch Hội đồng coi thi tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô; đồng thời cảnh cáo 21 giáo viên làm giám thị coi thi và 2 thanh tra tại Hội đồng coi thi; khiển trách ông Bùi Quang Nghĩa, Tổ trưởng Tổ toán của Trường THPT Lục Ngạn số 2, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi trường Đồi Ngô.
Sở này cũng kiến nghị không công nhận chức vụ đối với ông Đào Văn Mộc và ông Trần Đỗ Hoàng, Hiệu trưởng và Hiệu phó của Trường THPT Dân lập Đồi Ngô; sa thải 6 giáo viên, nhân viên, đồng thời khiển trách 2 nhân viên bảo vệ trường.
Với những thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô được xác định đã vi phạm quy chế nhưng nguyên nhân là do giám thị buông lỏng, nên không bị huỷ kết quả mà xử lý huỷ phần giống nhau trong bài thi của thí sinh. Đối với thí sinh tiến hành quay clip, em Đỗ Ngọc Sơn, số báo danh 140183, Sở không hủy kết quả bài thi mà tiến hành chấm như các thí sinh bình thường khác.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo VnExpress có bài Rủi ro công chứng ủy quyền. Bài báo phản ánh: Việc công chứng ủy quyền vừa đúng luật và cũng vừa sai luật và tiềm ẩn không ít rủi ro cho các bên giao dịch. Tuy nhiên nó vẫn đang diễn ra hàng ngày trong các giao dịch mua bán nhà đất, ôtô gây thất thoát tiền bạc nhà nước.
Thực trạng, tất cả các hoạt động như chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là căn hộ chung cư, mua bán xe ô tô…đều có thể công chứng ủy quyền.
Về những hạn chế của chính sách và rủi ro có thể phải gánh chịu:
– Đối với Nhà nước: Đối với chuyển nhượng bất động sản: trong trường hợp bất động sản đó chuyển nhượng nhiều lần thì nhà nước không thu được thuế, những người ủy quyền lần sau lại tìm đến người đứng tên đầu để công chứng ủy quyền tiếp (vì thông thường trong giao dịch mua bán, người ta vẫn thỏa thuận với nhau, nếu bên mua chuyển nhượng tiếp, bên bán có nghĩa vụ ký hợp đồng ủy quyền khác).
Không thu được hoặc thu được rất ít lệ phí trước bạ đối với đa số trường hợp chuyển nhượng xe từ lần thứ hai trở đi. Khó quản lý và mất nhiều công sức khi truy tìm người sử dụng hiện tại trong trường hợp xe gây tại nạn hoặc có liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với người mua: Người ủy quyền thay đổi cam kết: khi làm thủ tục chính thức thường vòi vĩnh tiền thêm. Người ủy quyền thay đổi chỗ ở, khi cần hoàn tất thủ tục để sang tên thì đi tìm cũng khó khăn. Người ủy quyền là công ty thì có nhiều khả năng thay đổi tên gọi, địa chỉ, bị mua bán, sáp nhập hoặc thậm chí giải thể, phá sản.
Về giải pháp: Đối với nhà đất: Nhà nước nên chấp thuận cho công chứng chuyển nhượng nhà đất trong trường hợp đã bàn giao nhà nhưng chưa có sổ hồng.
Đối với ô tô: Nhà nước mạnh dạn giảm tỷ lệ lệ phí trước bạ đối với chuyển nhượng từ lần thứ 2 trở đi xuống còn 1%. Vì về cơ bản, chiếc xe này đã chịu lệ phí trước bạ lần đầu theo quy định. Trong trường hợp sang tên, chuyển chủ cùng địa bàn một tỉnh, thành chuyển cho nhau thì thu một mức chung là 1%. Trong trường hợp sang tên, chuyển chủ khác tỉnh thành thì xử lý theo hướng: nếu có sự chênh lệch giữa tỷ lệ thu lần đầu ở tỉnh thành này, so với tỉnh thành khác thì thu bù.
Chuyển vùng từ địa phương có mức thu lệ phí trước bạ lần đầu cao hơn (Hà Nội, TP. HCM) về các địa phương có mức thu lệ phí trước bạ lần đầu thấp hơn thì chỉ thu 1% đối với chuyển nhượng từ lần thứ 2 trở đi.
Trường hợp chuyển vùng từ các địa phương có mức thu lệ phí trước bạ lần đầu thấp hơn về địa phương có mức thu lệ phí trước bạ lần đầu cao hơn (Hà Nội, TP. HCM) thì thu 1% và cộng thêm phần chênh lệch tỷ lệ % của lần đầu giữa tỉnh thành này, so với Hà Nội hoặc tỉnh thành kia.
Nếu làm như vậy, Nhà nước thu được tiền, Nhà nước dễ quản lý đối với các xe chuyển nhượng. Còn người dân cảm thấy công bằng hơn và chi phí bỏ ra chấp nhận được nên sẽ đi làm thủ tục đầy đủ hơn.
2. Báo VnMedia có bài Hoa mắt với “ma trận” giá công chứng tư! Bài báo phản ánh: Theo Luật Công chứng, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng được. Tuy nhiên, mức chi phí công chứng tại các văn phòng công chứng tư đang mạnh ai người ấy thu..
Ngoài việc áp dụng thu phí công chứng theo mức thu quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP, văn phòng công chứng còn được thỏa thuận thu thêm phí dịch vụ ngoài hợp đồng đối với khách hàng. Kiểu thỏa thuận này khiến mỗi nơi một khác và người chịu thua thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng. Trên thực tế, người dân đến các văn phòng công chứng là nhằm không muốn tốn công chờ. Thế nhưng, lợi dụng tậm lý này các văn phòng công chứng tư đã tung giá “trên trời” với các “thượng đế”.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết, hiện có tình trạng phòng công chứng tư thu phí gấp nhiều lần nhà nước với những dịch vụ làm nhanh, dịch vụ làm ngoài giờ, công chứng tại nhà.. Không những thế, có những phòng công chứng tư còn giảm giá dịch vụ thu phí để nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các phòng công chứng khác. Bày tỏ về điều này, một trưởng phòng công chứng tư cho rằng, nếu thù lao công chứng và các chi phí khác được quy định thống nhất cho các tổ chức hành nghề công chứng thì thuận tiện hơn cho người dân. Nếu không quy định một mức thu thống nhất thì ít nhất cũng nên đặt ra mức trần. “Quy định như vậy để tránh các văn phòng công chứng cạnh tranh về giá” – vị này nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu làm như vậy là trái với Luật Công chứng. Luật được xây dựng theo hướng mở: Nhà nước chỉ quy định mức phí công chứng, còn các loại chi phí, thù lao thì không can thiệp. Do vậy, nếu các văn phòng công chứng đưa ra mức thu quá cao thì khách hàng sẽ tự bỏ đi nơi khác. Vì vậy, khi có nhu cầu công chứng tại văn phòng công chứng tư, hay yêu cầu công chứng tại nhà, chính mỗi người dân phải tự tìm hiểu mức chi phí để lựa chọn, tránh bị “hớ”.
Với chủ trương xã hội hóa công chứng, hoạt động công chứng tại Hà Nội đã từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại.
Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, hiện nay xảy ra tình trạng một số văn phòng công chứng tư công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: ủy quyền bán một tài sản cho nhiều người, công chứng hợp đồng giao dịch khi chưa có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thậm chí bớt đi một số giấy tờ và thủ tục cần thiết để thu hút khách hàng dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.… Đây chính là những vẫn đề đang tồn tại của hoạt động công chứng.
Vì vậy, theo luật sư Phạm Chí Công, Giám đốc công ty luật Khai Phong, Đoàn luật sư Hải Dương: ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức hành nghề vi phạm, cần sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 60/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tư pháp bởi một số mức phạt trong lĩnh vực này còn thiếu và thấp, chưa đủ sức răn đe.
Mặt khác, Luật sư Công cho biết, việc hạn chế thành lập văn phòng công chứng tư trong thời điểm hiện nay đã dẫn đến hiện tượng “độc quyền” của các phòng công chứng: thiếu sự cạnh tranh, lệ phí công chứng tư còn cao.
3. Báo An ninh Thủ đô có bài Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Vẫn còn nhiều “sạn”. Bài báo phản ánh: Thực hiện kế hoạch của thành phố về việc kiểm tra ban hành VBQPPL ở một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, Đoàn kiểm tra (do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp cùng cơ quan chức năng của UBND thành phố) đã tiến hành kiểm tra tại một số quận, huyện cho thấy, nhiều VBQPPL được ban hành còn sai quy định và chủ yếu sai về thể thức.
Tại quận Long Biên, có gần 10 quyết định quy chế hoạt động của các phòng, đơn vị trực thuộc do UBND quận ban hành bị “nhầm” về thể loại văn bản (gộp cả nội dung thuộc dạng VBQPPL và văn bản hành chính thông thường làm một). Ngoài ra, Quyết định về ban hành quy trình giải quyết TTHC trong việc luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trên địa bàn quận Long Biên dẫn chiếu cả thông tư đã hết hiệu lực thi hành. Cùng với Long Biên, huyện gia Lâm cũng không tránh khỏi lỗi này khi ban hành 26 văn bản thì có tới 2 văn bản viện dẫn văn bản đã có văn bản khác thay thế.
Bên cạnh đó, cả quận Long Biên và huyện Gia Lâm, một số văn bản vẫn còn sử dụng câu, từ thiếu chính xác, dễ gây nhầm lẫn. Ngoài ra, theo quy định các văn bản đi kèm văn bản chính phải có chữ ký của người ký ban hành văn bản và đóng dấu của cơ quan ban hành thì văn bản đó mới có đầy đủ giá trị pháp lý. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản ban hành kèm theo VBQPPL của huyện Gia Lâm đều không có chữ ký và con dấu.
Ngày 25-5, kiểm tra công tác ban hành VBQPPL tại quận Cầu Giấy, đoàn kiểm tra đưa ra Dự thảo kết luận, nhiều VBQPPL của quận này ban hành chưa đáp ứng được các yêu cầu như: đúng căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, đúng thể thức, nội dung văn bản phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong 3 năm (từ tháng 4-2009 đến 4-2012), Phòng Tư pháp quận Cầu Giấy không nhận được văn bản của HĐND, UBND phường gửi đến sau khi ban hành nên hoạt động kiểm tra văn bản gửi đến chưa được thực hiện.
Có thể nói, thẩm định là khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản để tránh sai sót. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, nhiều văn bản được một số quận, huyện ban hành bị sai sót mà nguyên nhân do cơ quan soạn thảo “quên” thẩm định.
Điển hình năm 2008, quận Long Biên ban hành 22 VBQPPL thì chỉ có 10 văn bản được gửi cho Phòng Tư pháp thẩm định trước khi trình ký. Ngay cả những văn bản được gửi thẩm định chỉ có dự thảo, không có văn bản yêu cầu thẩm định, bản tổng hợp ý kiến về dự thảo và văn bản liên quan. Cũng trong năm 2008, Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cũng chỉ nhận được 2 văn bản gửi đến thẩm định, còn lại hầu hết các văn bản do huyện ban hành đều bị “quên” công đoạn quan trọng này! Bên cạnh đó, theo quy định, chậm nhất 3 ngày, kể từ ngày ký ban hành, văn bản của HĐND và UBND cấp huyện phải được gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra. Thế nhưng, tất cả VBQPPL của quận Long Biên và huyện Gia Lâm đều không hề có nơi nhận.
theo http://moj.gov.vn