Thứ năm, 21/6/2012
Trong buổi sáng ngày 21/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân đưa tin: Ngày 20-6, ngày làm việc thứ 24, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực và biểu quyết thông qua các dự án: Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Buổi sáng, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực. Ða số đại biểu QH cho rằng, việc sửa đổi Luật Ðiện lực là cần thiết để phù hợp thực tế. Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về vấn đề quy hoạch phát triển điện lực, chính sách về giá điện và các loại phí, cũng như vấn đề giấy phép hoạt động điện lực… Về quy hoạch phát triển điện lực, nhiều đại biểu cho rằng, quy hoạch số lượng các nhà máy điện còn nhiều, không phù hợp khả năng đầu tư. Đa số các đại biểu phát biểu ý kiến đồng tình với việc bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện. Các đại biểu cũng nhất trí với chu kỳ lập quy hoạch phát triển là mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo, để tránh tình trạng manh mún, lãng phí…
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy, giá bán điện cần quy định theo quy luật của cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, nhưng vẫn giữ được vai trò điều tiết của Nhà nước.
Ðể có thị trường điện cạnh tranh, nhiều đại biểu đề xuất cần tái cơ cấu ngành điện. Ðồng thời khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia đầu tư, làm tăng nguồn điện cung ứng, cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư của tư nhân. Nhiều đại biểu nhận xét, đến năm 2022, mới thật sự có thị trường điện cạnh tranh là quá chậm, đề nghị cần rút ngắn thời gian này càng sớm càng tốt để bảo đảm quyền, lợi ích của người tiêu dùng… Các đại biểu cũng cho rằng, đây là dự luật liên quan trực tiếp đời sống người dân, đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cho nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Buổi chiều, QH tiến hành biểu quyết thông qua năm dự án luật và một dự thảo nghị quyết, đó là các dự án: Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các đại biểu QH đã nghe các vị đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày các báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH trong các phiên thảo luận tại hội trường về các dự án luật nói trên và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH đối với từng vấn đề cụ thể cũng như việc chỉnh lý đối với từng dự án luật. Trên cơ sở đó, QH lần lượt tiến hành biểu quyết thông qua các dự án luật này. Trước hết là Luật Giá, sau khi biểu quyết thông qua các Ðiều: 15, 17, 19 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; biện pháp bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá với số phiếu tán thành đạt từ 93,19% tổng số đại biểu trở lên, QH đã thông qua toàn bộ dự án luật này với 476 đại biểu tán thành, bằng 95,39% tổng số đại biểu QH. Ðối với dự án Luật Giám định tư pháp, sau khi biểu quyết thông qua các Ðiều: 12, 14, 30 quy định về Tổ chức giám định tư pháp công lập; Văn phòng giám định tư pháp; Hội đồng giám định với ít nhất từ 90,78% tổng số đại biểu trở lên, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật này với 464 đại biểu tán thành, bằng 92,99% tổng số đại biểu QH. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, QH đã biểu quyết thông qua các Ðiều: 3, 10, 11 của dự thảo luật này quy định về: Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với số phiếu đạt từ 91,38% tổng số đại biểu tán thành trở lên. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật này với 468 đại biểu tán thành, bằng 93,79% tổng số đại biểu QH. Cũng với phương thức làm việc như vậy, QH đã biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, rồi thông qua toàn bộ dự án luật này với 428 đại biểu tán thành, bằng 85,77% tổng số đại biểu QH. Sau đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính với 447 đại biểu tán thành, bằng 89,58% tổng số đại biểu QH. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014.
Cuối cùng, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) với 450 đại biểu tán thành, bằng 90,18% tổng số đại biểu QH.
2. Trang web vtv.vn có bài Việt Nam dự HN Thượng đỉnh Trái đất Rio+20. Bài báo đưa tin: Hôm 20/6, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio+20 đã khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị nhằm tái khẳng định cam kết chính trị trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội và môi trường. Có khoảng 50.000 nhà lãnh đạo thế giới, đại diện giới doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và các học giả tham dự hội nghị kéo dài 3 ngày.
Đây là hội nghị LHQ lớn nhất thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, là cơ hội mang tính lịch sử để thế giới cùng nhau thảo luận việc làm thế nào để giảm đói nghèo trong khi vẫn gìn giữ được nguồn tài nguyên thế giới. Tuy nhiên có điều đáng tiếc là một số nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Anh Cameron hay Thủ tướng Đức Merkel đều sẽ không tham dự hội nghị này bởi còn bận rộn với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ.
Theo các nhà quan sát, một số nhà lãnh đạo thế giới đã buộc phải để vấn đề môi trường lui lại hàng sau trong số các mối quan tâm của mình.
3. Báo Thanh niên Online có bài Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày báo chí cách mạng. Bài báo đưa tin: Sáng 20.6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam cho 16 nhà báo có nhiều đóng góp cho hoạt động của Ngân hàng Việt Nam; trong đó có Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông.
Tại TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ khai mạc phòng trưng bày chủ đề “Phụ nữ miền Nam với công tác báo chí” từ ngày 20.6 – 30.9 với gần 200 hiện vật về các ấn phẩm văn chương, báo chí của phụ nữ từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1975.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Tòa buộc xin lỗi, thực hiện ra sao? Bài báo phản ánh: Tòa buộc bị đơn xin lỗi công khai nhưng hình thức xin lỗi thế nào không rõ, pháp luật lại chưa quy định… Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 1 (TP.HCM) đang lúng túng trong một vụ THA vì không biết buộc người phải THA thực hiện việc xin lỗi công khai như thế nào.
Trước đây, tháng 2-2011, ông VNC (79 tuổi) đã khởi kiện ông TVN ra TAND quận 1 (nơi ông N. cư trú), yêu cầu tòa buộc ông N. phải xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất tinh thần 1 triệu đồng.
Trong đơn kiện, ông C. trình bày rằng từ tháng 11-1954 đến tháng 9-1957, ông đã tham gia cách mạng, làm công tác bí mật tại xã Tân Thanh, Giồng Trôm (Bến Tre) và có liên lạc với ông N., một người cũng tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1957, hai bên bị mất liên lạc. Năm 1961, ngụy quyền xã tình nghi, bắt ông C. tra tấn dã man nhưng không thu thập được chứng cứ gì nên thả về. Từ đó, ông C. phải bỏ Bến Tre về lánh nạn ở Biên Hòa (Đồng Nai) và làm ăn sinh sống cho đến nay.
Thời gian này, ông C. vẫn bí mật liên lạc với cách mạng đến ngày giải phóng. Đặc biệt, trong thời gian em gái của ông N. hoạt động cách mạng bị bắt, bị tù đày từ năm 1972 đến 1973, ông vẫn tìm cách nuôi dưỡng, giúp đỡ. Sự việc đã được ông N. ký xác nhận vào năm 1976 khi ông N. đang làm trong Ban Phụ trách Phòng An toàn xã hội của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Ông C. không ngờ là vào tháng 7-2007, ông N. lại gửi đơn cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đề nghị điều tra, xác minh lại việc cấp thẻ thương binh cho ông. Ngoài ra, ông N. còn yêu cầu sau khi giải quyết, sở này phải thông báo bằng văn bản đến Sở LĐ-TB&XH của tỉnh Bến Tre cùng các ban, ngành tại đây. Ông C. cho rằng việc làm của ông N. đã xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của ông nên khởi kiện.
Giải quyết vụ kiện, TAND quận 1 đã nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng ông N. vẫn không đến nên phải mở phiên xử vắng mặt bị đơn hồi tháng 8-2011. Tòa nhận định việc ông N. tố cáo ông C. làm hồ sơ thương binh giả là không có căn cứ, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của ông C. nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C.
Sau đó ông N. kháng cáo, cho rằng việc ông C. “khai man, cậy nhờ người làm chứng để hưởng chế độ thương binh” là có thật. Dù hiện tại ông chưa có chứng cứ gì nhưng ông cũng không đồng ý với phán quyết sơ thẩm.
Tháng 10-2011, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông N. bởi ông không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tòa y án sơ thẩm, buộc ông N. phải xin lỗi công khai và bồi thường ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Vụ kiện nhỏ này đã khép lại nhưng quá trình THA lại không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Thanh Hà (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 1) cho biết sau khi phía ông C. có đơn đề nghị, chấp hành viên đã tống đạt quyết định THA cho ông N. (ông N. đi vắng nên vợ ông nhận thay). Do ông N. không tự nguyện thi hành nên chấp hành viên xác minh điều kiện THA, được biết mỗi tháng ông N. lãnh lương hưu trí khoảng 4,5 triệu đồng. Vì vậy, cuối tháng 5-2012, Chi cục THA đã ra quyết định cưỡng chế bằng cách trừ vào tiền lương của ông N. Quyết định này đã được chi cục tống đạt cho UBND phường, cơ quan bảo hiểm xã hội và ông N. (con ông N. nhận thay). Hiện số tiền lương trừ chưa được phía cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển qua cho chi cục để thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Phần còn lại làm cơ quan THA “nhức đầu” nhất chính là việc xin lỗi công khai. Bản án buộc ông N. xin lỗi công khai nhưng hình thức xin lỗi cụ thể như thế nào thì không rõ, pháp luật lại thiếu quy định điều chỉnh nên cơ quan THA chưa thể thực hiện.
Chẳng hạn, ông N. phải xin lỗi công khai ông C. trực tiếp hay đăng báo? Nếu xin lỗi trực tiếp thì tại đâu, tại tòa, tại cơ quan THA, tại UBND phường hay tại tổ dân phố? Buổi xin lỗi này gồm có những ai tham gia, chứng kiến? Nếu đăng báo thì đăng trên những báo nào, mấy kỳ? Nếu ông N. không hợp tác thì xử lý sao để bản án được thi hành? Cơ quan THA có được tự đăng báo lời xin lỗi của ông N. rồi bắt ông này phải chịu chi phí đăng báo?
Theo ông Hà, trước mắt cơ quan THA sẽ cố gắng đôn đốc phía bảo hiểm xã hội chuyển tiền lương bị trừ của ông N. sớm, đồng thời mời các bên lên làm việc để tìm biện pháp giải quyết tiếp theo về chuyện xin lỗi công khai. Có thể cơ quan THA sẽ làm văn bản hỏi lại tòa. Nếu tòa không giải thích gì thêm, cơ quan THA sẽ xin ý kiến của cơ quan cấp trên để có hướng giải quyết dứt điểm vụ việc.
2. Báo Pháp luật & Xã hội có bài Một bản án có hiệu lực pháp luật bị “treo” hơn 3 năm trời? Bài báo phản ánh: Khi đang chuẩn bị thủ tục tiến hành cưỡng chế thi hành án, Chi cục thi hành án huyện Tiên Du bất ngờ nhận được Công văn của TAND cùng cấp về việc tạm hoãn thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1989, ông Dương Công Mạnh SN 1962, trú tại thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du lập gia đình, được bố đẻ là ông Dương Công Nhi (đã mất) cho mảnh đất ở riêng, có xác nhận sơ đồ giáp giới và chứng nhận của UBND xã cũng như chứng thực của cán bộ địa chính xã Liên Bão ghi ngày 16-12-1989. Năm 2004, ông Nguyễn Thành Đắc (người cùng thôn) thuê lại 80m2 đất của ông Mạnh để làm xưởng sản xuất đồ mộc với giá 6 triệu đồng cho 5 năm. Tuy nhiên, ông Đắc chỉ trả cho ông Mạnh 1,2 triệu đồng, số tiền còn lại là 4,8 triệu đồng ông Đắc không thanh toán. Năm 2009, thời hạn thuê đất đã hết, hơn nữa ông Đắc không thanh toán nốt tiền thuê đất cũng như không chịu trả đất nên ông Mạnh đã khởi kiện vụ án ra tòa. Ngày 25-1-2010, TAND huyện Tiên Du tiến hành xét xử phiên sơ thẩm, tuyên hợp đồng thuê đất giữa ông Đắc và ông Mạnh là giao dịch dân sự vô hiệu, buộc gia đình ông Đắc phải tháo dỡ nhà xưởng, trả lại đất. Ngày 22-4-2010, TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử phiên phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc ông Đắc phải trả lại đất đã thuê.
Hơn 2 năm trôi qua, kể từ khi bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành. Ông Đắc vẫn ngang nhiên chiếm giữ mảnh đất làm xưởng sản xuất riêng, trong khi gia đình ông Mạnh liên tục đâm đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Tiến- Chi cục trưởng Chi cục thi hành án Dân sự (THA) huyện Tiên Du cho biết, ngày 25-10-2010, Chi cục này đã có quyết định cưỡng chế THA đối với vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình THA, cơ quan thi hành án nhận được công văn đề nghị tạm hoãn thi hành. Ông Tiến nói: “Về nguyên tắc, TAND huyện Tiên Du không được phép dừng bản án phúc thẩm cấp tỉnh đã có hiệu lực. Nhưng do công văn đề nghị ghi rõ dừng THA vì tài sản đang tranh chấp của một vụ án khác nên chúng tôi đồng ý tạm hoãn”.
Giải thích điều này, thẩm phán Nguyễn Văn Vinh TAND huyện Tiên Du lý giải, do ông Đắc khởi kiện vụ án khác cho rằng trước đây đã xảy ra việc mua bán đất giữa ông Đắc và ông Dương Công Nhi (nhưng không có chứng nhận của các cấp chính quyền-PV) nên TAND huyện Tiên Du đã có công văn gửi cơ quan thi hành án xin được tạm dừng việc thi hành. “Chúng tôi gửi Công văn sang đề nghị THA huyện tạm dừng thi hành bản án Phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh để xét xử việc tranh chấp mảnh đất này trong một vụ án khác. Đây chỉ là công văn đề nghị nên THA có đồng ý dừng hay không là quyền của họ”- thẩm phán Vinh cho biết.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sự Hoàng Hưng, đoàn luật sư Hà nội khẳng định: Theo quy định pháp luật, khi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, thì chỉ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới có quyền đưa ra kháng nghị. Vì lẽ đó, TAND huyện Tiên Du không có quyền dừng thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
III. THÔNG TIN KHÁC
Diễn đàn Doanh nghiệp có bài Cty Minh Châu phá sản do nhà nước thay đổi chính sách: DN có thể kiện chính quyền ra tòa. Bài báo phản ánh: Vừa qua, Báo DĐDN có đăng bài “Phá sản do thay đổi chính sách”, nội dung Cty TNHH May – TM – DV Minh Châu (và một số Cty khác) đã bị thiệt hại nặng nề do UBND TP HCM thay đổi chính sách về hỗ trợ lãi suất cho DN dệt may.
Trao đổi với DĐDN về nội dung trên, Luật sư (LS) Nguyễn Thành Lương – Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, Trưởng Văn phòng LS Liên đoàn tại quận 9 và Thủ Đức TP HCM cho rằng, Cty Minh Châu (và các Cty tương tự) có cơ sở pháp luật để kiện UBND TP HCM ra tòa.
Theo Luật sư Lương, hiện quá trình thiệt hại của DN vẫn đang tiếp tục diễn ra như tê liệt sản xuất nhưng vẫn phát sinh lãi vay, bị sức ép của ngân hàng (hiện chỉ riêng phần nợ lãi cũng đã khoảng gần 10 tỉ đồng). Do vậy, nên nhanh chóng giải quyết. Về phía DN, nếu khiếu nại không có kết quả thì cần khởi kiện lên tòa án, khoanh nợ. Về phía UBND TP HCM nên sớm mở lối thoát cho DN như cho phép DN thực hiện các giải pháp tự cứu như cho thuê, liên doanh, bán nhà xưởng.