Trong buổi sáng ngày 25/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân có bài Tổng kết năm năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Bài báo đưa tin: Ngày 23-6, tại Ðà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và sơ kết bốn năm thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hội nghị đánh giá, việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân và của báo chí, bảo đảm sự công khai, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin chính xác của người dân. Việc thực hiện Quyết định số 77/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa sáu bộ, cơ quan ngang bộ nêu trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế. Ðó là việc thực hiện Quy chế không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Một số cơ quan, đơn vị chưa tổ chức nghiêm việc họp báo định kỳ; người phát ngôn phần nhiều còn kiêm nhiệm, làm cho hiệu quả công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao. Một số trường hợp chưa đáp ứng được tính thời sự của thông tin, hoặc còn né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí. Một số thông tin không thuộc diện bị cấm, nhưng một số người phát ngôn gây khó dễ cho phóng viên. Mặt khác, một số nhà báo còn nôn nóng, dồn ép người phát ngôn; hoặc đưa tin không khách quan, đôi khi làm sai lệch thông tin. Về giải pháp, Hội nghị cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hơn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa các bộ, ngành nói trên; đồng thời, cần rà soát lại, sớm chấn chỉnh những điểm còn hạn chế, bất hợp lý, thiếu sót. Ðặc biệt, cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, theo hướng cụ thể hóa các chế tài, các chế độ dành riêng cho đội ngũ những người phát ngôn và rút ngắn thời gian cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm kịp thời định hướng, hoặc cảnh báo về mặt thông tin trong xã hội.
2. Trang vtv.vn đưa tin: Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6 đã giảm 0.26% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm sau 38 tháng tăng liên tục.
Mức giảm của CPI cả nước tháng này so với tháng trước diễn ra trong bối cảnh cả Hà Nội và TPHCM, hai đầu tàu kinh tế chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% rổ CPI của cả nước, cũng vừa công bố CPI tháng qua ở mức âm. Tuy CPI tháng này giảm, nhưng so với cuối năm ngoái thì chỉ số giá tiêu dùng đến nay vẫn tăng 2,52%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì CPI đã tăng 6,9%, rất sát với lạm phát kỳ vọng của cả năm nay như dự kiến kế hoạch đã đề ra.
Sự giảm mạnh giá xăng dầu thời gian qua đã khiến nhiều nhóm hàng hóa có liên quan trong tháng 6 giảm mạnh như nhóm giao thông giảm 1.64%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1.21%. Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng giảm nhẹ 0.23%, trong đó, nhóm lương thực giảm 0.78%, nhóm thực phẩm giảm 0.3 1%, chỉ có nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0.6%. Các nhóm hàng hóa còn lại trong tháng 6 này cũng chỉ biến động tăng giảm nhẹ dưới 1%.
Vàng và USD không nằm trong nhóm tính chỉ số giá, nhưng trong tháng 6 này đã có diễn biến trái chiều nhau khi chỉ số giá vàng giảm mạnh 2.13% so với tháng 5, trong khi chỉ số giá USD lại tăng 0.2% .
3. Báo Hà Nội mới có bài Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng. Bài báo đưa tin: Xác định giảm đơn, thư tồn đọng đồng nghĩa với giảm nguy cơ gây bất ổn xã hội, cuối tháng 6-2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan lên kế hoạch rà soát 528 vụ việc khiếu kiện kéo dài trên phạm vi cả nước.
Hướng giải quyết là công khai xác định rõ trách nhiệm địa phương, đồng thời cần cả sự vào cuộc của các cơ quan TƯ, đổi mới một số cơ chế chính sách để từ nay đến tháng 10 phối hợp xử lý dứt điểm ít nhất 70% số vụ việc nổi cộm.
Theo báo cáo tổng hợp của 63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ, đến nay con số các vụ việc khiếu nại trọng điểm, phức tạp, kéo dài đã lớn hơn 528 vụ (số liệu tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 2-5-2012). Hiện có bảy tỉnh đã xử lý hết các vụ việc tồn đọng gồm: Tuyên Quang, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Nghệ An. Trong khi đó, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng lại đề nghị bổ sung thêm các vụ việc. TTCP đã tạm hoãn các cuộc thanh tra chưa cần thiết, thành lập 9 tổ công tác; về phía các bộ, ngành liên quan: Bộ LĐ,TB&XH có 3 tổ công tác, Bộ XD cử 1 đội phản ứng nhanh, Bộ TN&MT điều 2 mũi nhọn về địa phương xem xét, giải quyết.
Đánh giá bước đầu cho thấy, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Tây Nguyên được khoanh vùng là khu vực trọng điểm về khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Bộ TN&MT nhận định, do việc lưu giữ tư liệu địa chính chưa tốt nên việc bồi thường, xác định nguồn gốc đất nông, lâm trường đang gặp khó khăn ở nhiều nơi. Một số vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành không nghiêm, thiếu kiểm tra đôn đốc nên dẫn tới phát sinh khiếu kiện mới phức tạp hơn. Hiện khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng Chủ tịch UBND huyện lại chưa bỏ nhiều thời gian, công sức giải quyết, dẫn đến tình trạng dân đi khiếu kiện hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan, khi chưa được xử lý lại tiếp tục tái khiếu kiện. Theo quy định hiện hành, nếu không đồng ý với kết quả xử lý của chính quyền địa phương, người dân có thể gửi đơn để Tòa án thụ lý. Nhưng vì mất niềm tin và thiếu hiểu biết pháp luật, đa số công dân có tâm lý ngại khởi kiện ra tòa mà gửi thẳng lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì cho rằng Tòa án do Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo, điều hành. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, đối với phần việc này, TTCP và Bộ TN&MT không làm thay địa phương mà chỉ đôn đốc, giám sát.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh khẳng định, kết quả tổng hợp, rà soát cho thấy, không ít vụ việc, nhiều tỉnh, TP chưa xử lý hết thẩm quyền hoặc sai trình tự, quan điểm vênh nhau nhưng vẫn đề nghị TƯ xử lý. Ngay báo cáo từ các địa phương gửi về TTCP cũng không đầy đủ các vụ việc. Đặc biệt có nơi còn giấu bớt hồ sơ, tài liệu gây khó khăn cho công tác xem xét mở rộng. Theo báo cáo ban đầu thì miền Bắc còn 46 vụ việc; miền Trung (riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Bình Định) có 24 vụ việc; miền Nam có 205 vụ việc. Qua rà soát của các tổ công tác thấy sự chênh lệch giữa các con số báo cáo và số vụ việc thực tế khá lớn. Bởi có nơi vẫn còn nặng thành tích, nhiều vụ việc đã có quyết định xử lý đến lần 2 mà người dân chưa chấp nhận, tiếp tục khiếu kiện nhưng vẫn không đưa vào danh sách để TTCP theo dõi. Điển hình miền Nam hiện có khoảng 200 vụ việc chưa được cấp nào giải quyết; có hơn 300 vụ việc mới được giải quyết lần đầu và có 227 vụ việc đã giải quyết lần 2 nhưng dân không đồng tình vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Do đó, để không bỏ sót trường hợp nào, TTCP sẽ lên danh sách, lập hồ sơ 100% đơn kiện, tiến trình giải quyết của cơ quan chức năng để nắm rõ thực chất vấn đề. Đối với những vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải quyết lần 2 nhưng dân không đồng tình, Bộ TN&MT, TTCP sẽ trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xử lý. Những vụ việc khác, liên quan đến bộ, ngành nào thì mời các bộ, ngành đó cùng TTCP thực hiện. Riêng những vụ việc ở Hà Nội, sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh làm Trưởng đoàn, Phó Tổng TTCP Thường trực Lê Tiến Hào là cố vấn. Hằng tháng, TTCP sẽ chủ trì giao ban với Bộ TN&MT, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để đánh giá việc triển khai kế hoạch rà soát. Dứt khoát vào tháng 10 tới phải báo cáo Quốc hội 528 khiếu nại tồn đọng, trong đó phấn đấu giải quyết 70% số vụ việc nổi cộm.
Tuy nhiên, ngoài chuyện phối hợp đồng bộ giải quyết khiếu nại tố cáo, một công việc không kém phần quan trọng hiện nay là phải hoàn thiện thể chế. Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 – 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường. Do luật không “ép” nên hiện mới chỉ có 6/63 địa phương thuê tổ chức tư vấn giá đất làm dịch vụ xây dựng bảng giá đất. Trong khi đó, văn bản về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia còn thiếu tính thời sự, các quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu thiếu và yếu.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo điện tử Người Đưa tin có bài Tranh luận “nóng” giảng viên luật có được kiêm nhiệm luật sư? Bài báo phản ánh: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư vừa được đưa ra thảo luật tại kỳ họp thứ ba, QH Khóa XIII. Đa số các đại biểu thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Số lượng luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%, số luật sư so với dân số còn thấp (1 luật sư/12 000 người dân), tỷ lệ các vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình có luật sư tham gia còn thấp. Một trong những nội dung nóng được các đại biểu quan tâm, mổ xẻ và đưa ra nhiều luồng ý kiến trái chiều chính là quy định cho phép viên chức đang lam công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm thêm nghề luật sư.
Có ý kiến cho rằng không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư; tạo ra một bộ phận luật sư – viên chức không chuyên tâm vào công việc; không chuyên nghiệp hóa nghề luật sư như định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, đã đưa ra và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Mai Nga, VKSNDTC cho rằng: “Là viên chức hay công chức đều phải làm việc theo giờ hành chính. Nếu tham gia hành nghề luật sư sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc mà viên chức đó đang làm. Ví dụ như đi gặp bị can, bị cáo đều phải làm vào giờ hành chính. Do đó, nếu được phép hành nghề hoặc kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng tới công việc chính.”
Một luồng ý kiến khác cho rằng công chức đương nhiên không được phép hành nghệ luật sư, theo quy định của luật. Còn đối với viên chức thì phải phân định rõ: Viên chức có ảnh hưởng trực tiếp tới khối tư pháp và viên chức không có tính liên quan. Ông Nguyễn Quốc Hội, chánh văn phòng TAND TP. Hà Nội cho biết: “Hoạt động của luật sư không chỉ tranh tụng và tư vấn, mà còn bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Những viên chức không có tính liên quan đến khối tư pháp có thể hành nghề luật sư rất tốt, phù hợp với các quy định. Họ nắm chắc luật pháp, am hiểu kiến thức chuyên ngành, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, có thể giúp ích rất nhiều khối doanh nghiệp.
“Theo tôi, các viên chức giảng dạy trong ngành luật thì không nên được hành nghề luật sư. Bởi phần lớn trong số họ từng là thầy của nhiều thẩm phán, kiểm sát viên. Khi xét xử một vụ án, liệu học trò có bị chi phối nếu các thầy của mình đang tham gia tranh tụng với vai trò luật sư. Đối với một quốc gia vốn tôn sư trọng đạo như Việt Nam, điều này là không tránh khỏi. Đồng ý để viên chức trong ngành luật được phép hành nghề luật sư chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Mặt khác người dân cũng nên trang bị kiến thức về luật, để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứ không hẳn dựa hoàn toàn vào luật sư”, ông Hội nói.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Tâm, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng đây là một trong những quan điểm mở, để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo sư hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tư pháp. Viên chức cũng có rất nhiều loại và bản thân họ tự lựa biết chọn cho mình một công việc phù hợp. Có ý kiến cho rằng, nếu cho các viên chức giảng dạy ở trường luật hành nghề luật sư sẽ không khách quan vì thầy làm luật sư, trò ngồi nghế thẩm phán, kiểm sát. Điều đókhông đáng lo ngại. Những giảng viên, thẩm phán, kiểm sát viên, họ là những người có ý thức pháp luật cao về mặt lý luận và nghề nghiệp. Tình cảm không thể nào lấn át được trách nhiệm công vụ.
Nghề luật sư khó kiêm nhiệm: luật sư Bùi Đình ứng (trưởng VP Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư Hà Nội): Quy định như dự thảo là một bước thụt lùi so với hiện hành. Hiện nay, Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan đều không thừa nhận việc kiêm nhiệm đối với người hành nghề luật sư. Bởi việc kiêm nhiệm làm cho tính chuyên môn hóa, tập trung đầu tư cho nghề bị dàn trải, hiệu quả không cao. Công tác giảng dạy pháp luật đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian để vừa đảm bảo thời lượng giảng dạy vừa đủ số lượng đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu cho giảng viên được hành nghề luật sư chẳng những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà việc hành nghề luật sư cũng bị ảnh hưởng. Có những phiên tòa tôi tham gia, kéo dài đến vài tuần. Nếu là một giảng viên kiêm nhiệm thì liệu có đủ thời gian tham gia, quyền lợi của thân chủ liệu có bị ảnh hưởng
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Giám đốc trung tâm bán đấu giá tham gia cho vay nặng lãi. Bài báo phản ánh: Ngày 22-6, nguồn tin từ Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, một đảng viên trực thuộc sở này là bà Nguyễn Tố Nga, Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá tỉnh Bạc Liêu, có dấu hiệu tham gia cho vay nặng lãi nhưng không bị tổ chức đảng xem xét xử lý.
Theo đó, vào khoảng cuối năm 2011, bà Nga làm đơn yêu cầu gửi đến Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu đề nghị can thiệp buộc ông P. – đảng viên của sở trả số tiền vay, cả lãi và gốc là 600 triệu đồng. Trong đơn, bà Nga kể rõ: Ngày 21-3-2011, ông P. tìm đến nhà bà Nga nhờ hỏi vay giùm số tiền 300 triệu đồng. Bà Nga đồng ý hỏi giùm với lãi suất 30% tháng. Sau 11 ngày vay, ông P. chưa có tiền trả nên bị buộc viết lại biên nhận nợ với số tiền cả lãi và gốc là 399 triệu đồng, tức mỗi ngày ông phải trả 9 triệu đồng tiền lãi. Đến ngày 4-5-2011, ông P. vẫn chưa có tiền trả nên buộc viết lại biên nhận với số tiền nợ lên đến 600 triệu đồng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Bá Ân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, xác nhận có sự vụ bà Nga gửi đơn yêu cầu đòi nợ ông P., tuy nhiên sở không xem xét do không thuộc thẩm quyền. Thanh tra sở đã có hướng dẫn để bà Nga gửi đơn ra TAND giải quyết. Ông Ân cho biết thêm: “Vì bà Nga cho rằng bà chỉ đứng trung gian môi giới, không trực tiếp cho vay nên chúng tôi cũng không xem xét việc này”. Khi PV đặt câu hỏi bà Nga đã tham gia vào việc cho vay nặng lãi, vi phạm điều cấm thứ 17 đối với đảng viên, ông Ân nói sẽ xem xét lại vấn đề trên.
Báo cũng có bài Cục THA dân sự TP.HCM: Vẫn “khát” nhân sự. Bài báo phản ánh: Ngày 22-6, làm việc với Cục Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM, nhiều đại biểu thành viên Ban Pháp chế HĐND TP bày tỏ quan ngại, lo lắng về công tác tuyển dụng và sàng lọc nhân sự của ngành.
Một đại biểu đặt vấn đề: Vì sao việc tổ chức công tác thi tuyển công chức còn chậm, đến nay vẫn chưa tuyển dụng đủ biên chế do Bộ Tư pháp phân bổ trong khi việc ngày càng nhiều? Vì sao tình trạng một số cán bộ thiếu ý thức trách nhiệm… vẫn chưa được khắc phục?
Ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết dù ngành đã đề nghị TP tuyển dụng công khai trên toàn quốc, lập đường dây nóng để người dân phối hợp, cung cấp số điện thoại của các cán bộ lãnh đạo trong Cục, vận động thi tuyển… nhưng có vẻ ngành THA lâu nay chỉ được xem như “sự lựa chọn cuối cùng” đối với sinh viên học luật. Mặt khác, phần vì tiêu chuẩn đầu vào yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phần khác là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm, chịu nhiều áp lực của công việc nên không thu hút được người đủ trình độ vào làm việc trong các cơ quan THA.
Theo cơ quan THA, là địa phương có số lượng việc và giá trị phải THA lớn nhất cả nước, thời gian tới TP.HCM sẽ tăng cường nhiều biện pháp, trong đó có ưu tiên thu hút và sàng lọc cán bộ, công chức để khắc phục tình trạng “khát” nhân sự, tình trạng án tồn đọng, giải quyết khiếu nại còn chậm so với yêu cầu…
Sáu tháng đầu năm 2012, Cục THA đã thụ lý gần 62.000 việc, thi hành xong gần 23.000 việc. Trung bình mỗi chấp hành viên phải thụ lý 500-600 hồ sơ/năm.
3. Báo CAND Online có bài Cán bộ NH liên quan đến “cò” NH Nguyễn Thị Hoa bị đề nghị truy tố. Bài báo phản ánh: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc điều tra vụ án “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài “cò” Nguyễn Thị Hoa, CQĐT còn đề nghị truy tố 4 bị can nguyên là cán bộ Phòng Giao dịch Tân Lợi thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Đắk Lắk, 3 bị can nguyên là cán bộ UBND xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) cũng tiếp tay cho Hoa lừa đảo. Trong đó Phan Văn Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã chứng thực 10 hợp đồng thế chấp tài sản mà chữ ký và chữ viết không phải của vợ hoặc chồng người thế chấp, 7 hợp đồng thế chấp có tài sản chưa được xóa chấp. Thậm chí, bà Bùi Thị Thuận, thôn 3, xã Hòa Thắng đã chết từ năm 2006, nhưng đến năm 2009 vẫn được ông Thịnh chứng thực chữ ký tại… UBND xã. Những hồ sơ này đều do Nguyễn Công An, Bùi Thị Hồng Sen, nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng trình cho Thịnh ký.
Cơ quan điều tra đã xác định người vay không trực tiếp đến UBND xã mà ký hợp đồng thế chấp trước ở nhà, sau đó “cò” Hoa cho người mang đến chứng thực. Do vậy nhiều hợp đồng thế chấp, giấy ủy quyền đã bị giả mạo chữ ký, chữ viết của người đồng sở hữu, giúp sức cho “cò” Hoa lừa đảo.
Kết thúc điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã đề nghị Viện KSND tỉnh Đắk Lắk truy tố Nguyễn Thị Hoa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trần Văn Lâm và Phan Văn Thịnh về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Văn Nhân, Trần Dũng, Đoàn Thị Thu An về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Nguyễn Công An và Bùi Thị Hồng Sen về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
4. Báo Biên phòng có bài “Sống mượn” sau hồi hương. Bài báo phản ánh: Chuyện Việt kiều Cam-pu-chia trở về Việt Nam sống tụ lại trong những khu lều lán tạm bợ dọc biên giới Tây Nam không còn là chuyện mới. Họ đều là dân lao động nghèo, thất học, không có nổi “một miếng giấy lận lưng” để chứng thực quyền công dân. Rất có thể cộng đồng Việt kiều hồi hương này nhiều thế hệ sau nữa vẫn phải “sống mượn”, “sống gửi” trong đói nghèo.
Đi hết con đường lầm bụi đỏ từ trung tâm xã Hưng Hà ra vành đai ngoài dọc theo những con kênh xẻ đồng của huyện Tân Hưng, Long An, chúng tôi tìm được ấp Hà Thanh, nơi có xóm Việt kiều hơn 80 căn chòi lá với chừng ấy gia đình người Việt từ Cam-pu-chia hồi hương sống lay lắt và nhếch nhác nhiều năm qua. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm hồi hương từ Cam-pu-chia trở về, họ vẫn là những người không có đất ở, không đất canh tác, không nghề nghiệp, và tủi phận nhất vẫn là không có lấy mảnh giấy tờ tùy thân.
Hầu như các tỉnh miền Tây Nam Bộ thời điểm này đều xuất hiện những xóm Việt kiều như Hà Thanh. Những người trước đây theo con nước làm ăn trôi nổi tới tận Biển Hồ đang tiếp tục rục rịch trở về cố hương. Mỗi địa phương lại có cách giải quyết tình trạng này khác nhau. Nhưng chung qui lại vẫn là tạo điều kiện ban đầu để bà con định cư kiếm sống dù cách trợ giúp nào cũng vẫn phải lựa theo nguyên tắc pháp lý. Chính quyền cho mượn đất ở là cách mà tỉnh Long An giải quyết linh động và cởi mở, không ngại đùm bọc số dân cư thương thuyền này.
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều bà con Việt kiều ra đi từ Đồng Tháp, An Giang… không trở về quê cũ mà lại dịch chuyển sang Long An. Họ bảo: “Chính quyền ở đây có cách trợ giúp thoáng đạt hơn. Bên này lúa đồng năng suất khá hơn, kênh rạch nhiều”. Sự thể càng thêm khó, khi cộng đồng Việt kiều nghèo ngày càng “phình” to ra, chủ yếu tập trung ở các xã biên giới khó khăn, càng làm cho an ninh trật tự thêm phức tạp. Gần đây, nhiều vụ va chạm xô xát, vi phạm pháp luật của một số thanh niên ở trong các xóm ấp Việt kiều xảy ra khiến công an, biên phòng và cả chính quyền xã đều lúng túng khi giải quyết. Không chỉ thiếu những giấy tờ tùy thân tối thiểu, mà họ vẫn còn giữ nguyên cách sống nay đây mai đó, rất khó quản lý.
Người dân không cam phận sống mượn. Chính quyền địa phương thì vẫn chờ được chỉ đạo một cách giải quyết ổn thỏa hơn cho số dân cư Việt kiều diện đặc biệt này. Thiếu tá Nguyễn Hoa Hùng, Chính trị viên Đồn BP Sông Trăng, phụ trách địa bàn cung cấp cho chúng tôi một thông tin: Anh và Đội Vận động quần chúng của Đồn đang tiến hành khảo sát, lập danh sách để ngay mùa hè này sẽ lần lượt mở lớp dạy chữ và tiếng Việt cho bà con Việt kiều ở ấp Hà Thanh. Đây là địa bàn duy nhất của cả nước, những thầy giáo quân hàm xanh luôn có việc để làm mà không “thất nghiệp”. Thiếu tá Hùng nói một câu có thể gợi mở hướng xử lý đúng đắn nhất đối với xóm Việt kiều: “Dù thế nào đi nữa, phải để dân đủ ăn, biết chữ đã”.