Trong buổi sáng ngày 27/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo VietNamPlus có bài Trung Quốc mời thầu tại thềm lục địa VN là phi pháp. Bài báo đưa tin: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị.
Trước việc ngày 23/6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 26/06/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.”
Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
2. Báo Nhân dân có bài Hà Nội xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng. Bài báo đưa tin: Ngày 26-6, Thường trực Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban định kỳ quý II- 2012 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Ðồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố đã tập trung chấn chỉnh lĩnh vực trật tự xây dựng. Nhờ vậy, đã có những chuyển biến tích cực, số lượng công trình được cấp giấy phép xây dựng ngày càng tăng cao, số vụ vi phạm xây dựng không phép, trái phép có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong xây dựng vẫn còn cao, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng của các hộ dân còn yếu kém. Trong đó có những nguyên nhân chủ quan như công tác kiểm tra, kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn ngay từ ban đầu của lực lượng quản lý trật tự xây dựng chưa kịp thời và thường xuyên. Khi có vi phạm, các đơn vị chậm xử lý hoặc xử lý không dứt điểm. Công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp còn lỏng lẻo; quản lý đất đai tại khu vực chưa có quy hoạch còn nhiều bất cập…
Ðồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng; công khai các thủ tục hành chính, các quy hoạch đô thị, thiết kế kỹ thuật… Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy; công tác quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động giám sát của nhân dân, các đoàn thể chính trị – xã hội. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường sự phối hợp công tác và trách nhiệm giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Làm tốt công tác thanh tra phát hiện và xử lý vi phạm. Áp dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp xử lý vi phạm; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm nghiêm trọng…
3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Chính phủ không nên “làm hết các việc của xã hội”. Bài báo phản ánh: Hôm qua (26/6), Nhà Pháp luật Việt – Pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo về chế định Chính phủ trong Hiến pháp. Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo này là xác định đúng vị trí, chức năng của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tách bạch rõ thẩm quyền của Chính phủ (tập thể) với Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng đây là cơ hội để các chuyên gia Pháp và các đại biểu của Việt Nam trao đổi, học tập kinh nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp. Theo ông Tuấn, cần xác định rõ vị trí, chức năng cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Chính phủ trong Hiến pháp. Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng nền công vụ theo hướng “ trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả…”.
Nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan thực hiện chức năng hành pháp (Chính phủ) với cơ quan thực hiện chức năng lập pháp (Quốc hội) và cơ quan thực hiện chức năng tư pháp (Tòa án) từ việc thành lập, cơ cấu đến chức năng nhiệm vụ từng cơ quan. Trong đó làm rõ mối quan hệ kiểm soát quyền lực với lập pháp, tư pháp từ phía hành pháp.
Bên cạnh đó, cần bổ sung một số quy định như mở rộng thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia trong lĩnh vực hành pháp hay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung những quy định nhằm đảm bảo vai trò giám sát của Quốc hội với hoạt động hành pháp của Chính phủ đi vào thực chất; xây dựng cơ chế kiểm tra và phán quyết đối với các hành vi của Chính phủ thông qua vai trò xét xử của tòa án…
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị Media có bài Sẽ báo cáo Thủ tướng nếu Đà Nẵng hạn chế nhập cư. Bài báo phản ánh: Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 26.6, cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định: HĐND thành phố Đà Nẵng phải có quan điểm chính thức tại kỳ họp tới đây đối với nghị quyết 23.
Trước thông tin về việc bí thư Thành uỷ, chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri tuyên bố Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai việc hạn chế nhập cư theo nghị quyết 23, vì “Uỷ ban thường vụ Quốc hội không bác nghị quyết này”, ông Sơn cho rằng: Đó chỉ là ý kiến phát biểu mang tính cá nhân.
Theo ông Sơn, sau khi kiểm tra tính pháp lý, nhận thấy nhiều nội dung về hạn chế nhập cư trong nghị quyết 23 là trái luật, cục đã thông báo cho Đà Nẵng, và nếu tại kỳ họp tới đây, HĐND không thực hiện (bỏ quy định về hạn chế nhập cư – PV) thì sẽ báo cáo lên Thủ tướng và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. “Phải đưa ra HĐND bàn và HĐND phải có ý kiến tập thể chứ đâu phải mỗi cá nhân lên tiếng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Luyến, phó chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội từng cho rằng, pháp luật hiện hành không có quy định “tạm dừng” đăng ký cư trú đối với công dân có đủ điều kiện theo quy định. Do đó, quy định của HĐND thành phố Đà Nẵng là “không có cơ sở pháp lý và trái với quy định pháp luật về cư trú”. Vào thời điểm ấy, ông Luyến từng thông tin là uỷ ban Pháp luật sẽ có cuộc họp để bày tỏ quan điểm chính thức và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, chiều 26.6, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Luyến nói do hiện không được uỷ ban Pháp luật giao theo dõi vụ việc nên không nắm rõ diễn tiến mới, và gợi ý phóng viên tìm hiểu thêm thông tin tại phòng tổng hợp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hoặc chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật để được chỉ dẫn người trực tiếp được phân công theo dõi vụ việc. Song cả hai lần liên lạc qua điện thoại, chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đều cáo bận.
2. Báo Công lý có bài Xét xử vụ lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Dương: Công chứng viên thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Bài báo phản ánh: TAND tỉnh Bình Dương vừa mở phiên toà xét xử vụ án Nguyễn Thanh Bình và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Xuyên suốt vụ án nổi lên trách nhiệm của một số công chứng viên các Phòng Công chứng nhà nước số 1, số 2 và Văn phòng Công chứng Tân Uyên trong việc ký công chứng các giấy tờ giả, tạo điều kiện cho Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ Bình bán đất cho Vũ Hữu Trí, Bình nhờ đồng bọn làm giả hồ sơ gồm giấy xác nhận tình trạng đất, giấy ủy quyền từ vợ ông Hoàng cho ông Hoàng, CMND của ông Hoàng đồng thời kêu Lâm Văn Dũng đóng giả ông Hoàng đến Phòng Công chứng số 1, tỉnh Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn Trí là Trần Văn Đạt. Công chứng viên đã thiếu kiểm tra, không phát hiện được thủ đoạn gian dối của Bình và đồng phạm.
Tại phiên tòa, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho người liên quan, người bị hại đã kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của công chứng viên khi chứng thực hàng loạt vụ chứng thực chuyển nhượng bất thường do Bình và Dũng thực hiện. Vị đại diện VKS cho biết đã kiến nghị xử lý nghiêm khắc các công chứng viên sai phạm và đề xuất “trám” những lỗ hổng trong lĩnh vực công chứng.
3. Báo Thanh niên Online có bài Ngăn ngừa nạn tảo hôn. Bài báo đưa tin: Ngày 25.6, tại xã Hương Lâm, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lần đầu tiên Đoàn khoa Luật – ĐH Huế kết hợp với Văn phòng Thực hành pháp luật CLE (TP.Huế) đã tiến hành tuyên truyền pháp luật và tặng tủ sách pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới.
50 tình nguyện viên sẽ đến từng nhà, từng thôn bản ở Hương Lâm để tuyên truyền những kiến thức pháp luật cơ bản về đất đai, dân số, môi trường, xử phạt hành chính… Đặc biệt các tình nguyện viên sẽ tập trung phân tích, tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình để ngăn ngừa nạn tảo hôn vốn là vấn đề bức xúc lâu nay tại A Lưới.
III. CÁC THÔNG TIN KHÁC
1. Báo Nhân dân có bài “Có như không” khung pháp lý an toàn thực phẩm. Bài báo phản ánh: Tại Diễn đàn Điều phối thưòng niên về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) “Phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn ở Việt Nam” được Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 26-6 tại Hà Nội nhiều đại biểu tham dự đã nhấn mạnh đến tính “có như không” của các văn bản pháp lý trong lĩnh vực quản lý ATTP.
Với hai Luật và 17 văn bản hướng dẫn thi hành đang được áp dụng song tình trạng ngộ độc thực phẩm, sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP, chứa nhiều chất độc hại… tràn lan như hiện nay.
Xu hướng mới hiện nay là xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn ” từ trang trại đến bàn ăn”. Đây đang được xem là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, bảo đảm ATTP, đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề này tại Việt Nam vẫn còn mới, nhiều khó khăn và thách thức. Một trong số đó chính là cần “lấp” các “lỗ hổng” trong khung pháp lý về ATTP hiện hành, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
2. Báo Sài Gòn giải phóng Online có bài Chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức – Khó thực hiện. Bài báo phản ánh: Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 158) mặc dù có hiệu lực thi hành đã gần 5 năm nay, song theo nhận định của Thanh tra TPHCM, nhiều nơi mới dừng lại ở khâu phổ biến, quán triệt.
Theo Nghị định 158, trong danh mục các vị trí công tác, có đến 21 lĩnh vực, ngành nghề định kỳ 36 tháng phải chuyển đổi, trong đó chiếm phần lớn thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đến tài chính, tiền tệ, thuế, hải quan, quản lý thị trường, kiểm lâm, cấp phép hoạt động tín dụng, ngân hàng, công an… Nhiều địa phương cho biết: “Rất khó thực hiện nghị định này”. Nhiều nơi còn trả lời thẳng thừng: “Không biết có Nghị định 158”.
Nguyên nhân được các đơn vị này đưa ra do tính chất, đặc thù của công tác chuyên môn, thời gian chuyển đổi quá ngắn (36 tháng) không đủ thời gian đào tạo để thay thế. Có nơi không đủ cán bộ để chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, người được chuyển đổi đến vị trí công tác mới không đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực và tuổi tác để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu.
Tuy nhiên, có một thực tế khác từ kết quả thực hiện Nghị định 158 được Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng rút ra, đó là tình trạng lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để loại trừ nhau hoặc chạy chọt, lo lót để được bố trí công tác ở các vị trí “béo bở”. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác để thăm dò nhau, gây áp lực nhau, sau đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với kế hoạch đề ra.
Tình trạng trên phần nào làm mục tiêu ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền các cấp và trong các cơ quan hành chính Nhà nước mà Nghị định 158 đặt ra đã không đạt được theo yêu cầu.