mua may tinh cu tai ha noi-- cat gach

Cong ty Co phan Phu Nguyen, Bao phu nguyen dua tin nhung su kien noi bat trong ngay

dieu hoa noi that gach tranh gạch tranh

Báo chí ngày 28.6.2012 – Những sự kiện nổi bật

Báo chí ngày 28.6.2012 – Những sự kiện nổi bật

Trong buổi sáng ngày 28/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:

I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo VietNamPlus có bài Bộ Ngoại giao trao công hàm phản đối Trung Quốc. Bài báo phản ánh: Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm phản đối việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 26/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp.

Ông Nghị yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Cũng trong ngày 27/6, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã họp báo về việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Petrovietnam khẳng định đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.

“Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông,” Tổng Giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh.

2. Báo Kinh tế và Đô thị có bài Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Bài báo đưa tin: Chiều 27/6, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp Đoàn đại biểu 20 cặp vợ chồng khuyết tật tiêu biểu trong cuộc gặp mặt đến từ 13 tỉnh, thành phố, đều có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: lao động, sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao… nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Phó Chủ nước nhấn mạnh: Các cặp vợ chồng khuyết tật đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là: tình yêu mãnh liệt, niềm tin tất thắng, tình nhân ái bao la, trí tuệ vượt lên số phận. Phó Chủ tịch nước mong các cặp vợ chồng khuyết tật sẽ luôn vun đắp hạnh phúc gia đình; tiếp tục thành công trên các lĩnh vực hoạt động và bằng tình yêu thương, cảm thông của mình giúp đỡ được nhiều người bất hạnh khác. Phó Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người già, trẻ em, đặc biệt là trẻ em không nơi nương tựa và người khuyết tật. Thời gian tới, các bộ, ngành, tổ chức xã hội cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Người khuyết tật; tăng cường tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những người khuyết tật có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cần tổ chức thêm nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội thiết thực để cổ vũ, động viên người khuyết tật và gia đình tự tin vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc.

3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Thành lập TP Thủ Dầu Một. Bài báo đưa tin: Tối 27-6, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ công bố thành lập TP mới Thủ Dầu Một. TP Thủ Dầu Một phát triển từ thị xã Thủ Dầu Một với 14 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Theo báo cáo công bố tại buổi lễ, trong những năm qua, kinh tế Thủ Dầu Một không ngừng phát triển, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 23,3%/năm, năm 2011 tăng 27,7%… Lộ trình phát triển đến năm 2015 Thủ Dầu Một sẽ trở thành đô thị loại 1.

II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Sài Gòn giải phóng Online có bài Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh: Hạn chế nhập cư là tiền đề sửa Luật Cư trú. Bài báo phản ánh: Tại các buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức từ ngày 25 đến 27-6, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh, cho rằng: Việc hạn chế nhập cư vào các quận nội thành của Đà Nẵng (được nêu trong Nghị quyết 23 của Thành ủy Đà Nẵng) được xem là tiền đề để sắp tới sửa Luật Cư trú.

Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, trước tình trạng dân vạn đò “bùng phát” ở vịnh Đà Nẵng cũng như trên sông Hàn trong thời gian qua đã gây không ít hệ lụy nên việc “siết chặt” nhập cư bằng Nghị quyết 23 của Thành ủy Đà Nẵng là điều cần thiết. “Nếu không, họ từ nơi khác đổ đến, rồi cứ cắm sào nằm lì ở đó, buộc thành phố phải lo đủ chuyện, từ học hành đến y tế, hỗ trợ vật chất… Để rồi, cuối cùng được nhập cư vào thành phố để được hỗ trợ chỗ ở, các chế độ khác. Như thế thì sao thành phố gánh cho nổi” – ông Thanh lý giải.

Theo ông Thanh, trong quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng đã rất vất vả mới xóa được vạn đò, đưa người dân lên chung cư, để ai cũng có nhà ở. Vì thế, dân vạn đò, dù trong hay ngoài thành phố cũng không thể chấp nhận được. Thời gian qua, có rất nhiều dư luận trái chiều xung quanh Nghị quyết 23 của Đà Nẵng, trong đó vấn đề hạn chế nhập cư bị “soi” kỹ nhất. Ngay cả Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cũng có công văn đề nghị sửa đổi. Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thường vụ Quốc hội không phản đối Nghị quyết 23 của Thành ủy Đà Nẵng mà còn xem đó là một tiền đề, đưa vào chương trình bàn thảo sửa đổi Luật Cư trú.

“Thường vụ Quốc hội không bác, nhưng Đà Nẵng đã tính trước, nếu bị bác sẽ tiếp tục cho ra một nghị quyết khác, đó là Nghị quyết “phân bổ dân cư”. Sắp tới, khi Luật Cư trú được sửa đổi, Đà Nẵng sẽ là địa phương làm quyết liệt. Muốn nhập cư, phải có việc làm và nhà ở ổn định. Chỉ có cách đó mới hạn chế kẹt xe, tăng cường an ninh trật tự, nâng cao đời sống, an sinh xã hội” – ông Thanh quả quyết. Hầu hết cử tri tại Đà Nẵng đều đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Bá Thanh và hứa sẽ hỗ trợ chính quyền làm tốt công việc này.
2. Báo Dân trí có bài 7 cán bộ xã, ngân hàng liên quan đến lừa đảo tiền tỷ của “cò” Hoa. Bài báo phản ánh: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vừa hoàn tất điều tra vụ “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa (SN 1970, trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây rúng động dư luận Đắk Lắk cách đây hơn 2 năm.

Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến VKSND tỉnh này đề nghị truy tố thêm 7 bị can nguyên là cán bộ xã, cán bộ ngân hàng. Trong vụ án, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố “cò” Hoa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 7 bị can khác nguyên là cán bộ xã, cán bộ ngân hàng liên quan đề nghị truy tố trước pháp luật.

Đó là: Nguyễn Văn Nhân (SN 1969, trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) – nguyên là tổ trưởng tổ tín dụng Phòng Giao dịch Tân Lợi thuộc NNPTNT chi nhánh Đắk Lắk; Trần Dũng (SN 1961, trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) – nguyên là cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Tân Lợi; Đoàn Thị Thu An (SN 1966, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) – nguyên cán bộ thủ quỹ Phòng Giao dịch Tân Lợi; Trần Văn Lâm (SN 1960, trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) -nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Tân Lợi;

Phan Văn Thịnh (SN 1966, trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng; Nguyễn Công An (SN 1962, trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) – nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng; Bùi Thị Hồng Sen (SN 1980, trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) – nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT, tổng cộng trong vụ án này “cò” Hoa đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 29 tỷ đồng của hơn 60 người dân ở xã Hòa Thắng, xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột và xã Ea H’Ding, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk trong thời gian từ 2005 – 2010.

Thủ đoạn Hoa sử dụng là móc nối với nhiều cán bộ xã, cán bộ tín dụng để làm các thủ tục thế chấp tài sản, vay vốn hoặc đảo nợ cho nhiều hộ dân khi làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng để lấy tiền hoa hồng từ 5 – 10%; “vay ké” trong hợp đồng vay của người bị hại sau đó chiếm đoạt.

Theo cơ quan CSĐT, ngoài thiệt hại về tài sản do ngân hàng không thu hồi được số tiền do Hoa “vay ké”, Hoa còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội. Đã có 2 nạn nhân của Hoa quẫn chí tìm đến cái chết.

3. Báo Lao động có bài Kon Tum: “Nóng” tình trạng tảo hôn. Bài báo phản ánh: Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 100 cặp tảo hôn.

Xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy là một trong những nơi xảy ra tình trạng tảo hôn. Nhiều trẻ chỉ khoảng 13 – 16 tuổi là “bắt chồng”. Y Hluôn – trú tại làng Krem năm nay 19 tuổi, đã sinh 2 cháu, cháu đầu Y Thu 3 tuổi, cháu Y Tè mới 1 tháng tuổi đang địu trên lưng còn đỏ hỏn, khuôn mặt tái mét vì mới “vượt cạn”. Căn nhà tạm bợ trống hoác, phía trên lợp tôn, vách bằng nứa che tạm, tài sản cả gia đình chẳng có gì. Năm Y Hluôn lập gia đình mới chỉ 15 tuổi. Năm vừa qua Y Ă trú tại làng Khúc Long bỏ học, bắt chồng ở tuổi 13, năm sau sinh con đầu lòng. Gặp chồng nát rượu, ăn cắp, vậy là ly hôn. Chị Y Úp – nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rời Cơi – cho biết: Tình trạng trẻ em bỏ học, tảo hôn chính quyền địa phương không hay biết, đến khi biết thì “sự việc đã rồi”.

Tại địa bàn huyện Ngọc Hồi, từ năm 2008 đến năm 2012, trung bình mỗi năm có đến 39 cặp tảo hôn. Y Che sinh năm 1996, trú tại thị trấn Plei Kần từ năm 2011 đã “bắt chồng”. Ông Thao Ú trú tại xã Bờ Y cũng có con chưa đến tuổi thành niên đã lập gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nhàn – cán bộ phụ trách công tác dân số thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – cho biết: Do ý thức người dân về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình chưa tốt. Bên cạnh đó, kinh phi tuyên truyền vận động quá eo hẹp nên cán bộ cũng khó mặn mà. Ông Trần Đình Trình – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà – cho rằng: “ Bà con đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, còn cán bộ tuyên truyền công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình không thông thạo tiếng địa phương nên hiệu quả tuyên truyền không cao”.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum – xác định giải pháp: “Trong những năm tiếp theo để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Chi cục Dân số mở rộng hoạt động truyền thông về cơ sở; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình hỗ trợ kinh phí để mở rộng hoạt động trên địa bàn…”.

III-CÁC NỘI DUNG KHÁC

Báo Pháp luật Việt Nam có bài TP Hồ Chí Minh ra quy định trái luật, thiếu tình người với trẻ nhập cư?. Bài báo phản ánh: UBND TP HCM vừa có Thông báo số 423/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận,: Kể từ ngày 1/7/2012, TP ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi không có hộ khẩu TP, đối với những trẻ tạm trú đã được cấp thẻ BHYT các cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát và thu hồi. Người dân bức xúc cho rằng, đây là quy định vừa trái luật lại thiếu nhân văn

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009, của Ban Bí thư Trung ương về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” nêu rõ: Các cơ quan chức năng phải tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách về BHYT, phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và chuẩn bị lộ trình tiến đến BHYT toàn dân trong những năm tiếp theo.

Về mặt pháp lý, tại Khoản 2, Điều 17, Luật BHYT đã quy định rõ: Địa phương nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là UBND phường, xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ. Các địa phương trên có trách nhiệm lập danh sách và đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cư trú tại địa bàn.

Trong khi đó tại Điều 1, Luật Cư trú cũng đã xác định: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, với các quy định pháp luật này có thể hiểu rằng, địa phương nơi trẻ tạm trú vẫn phải có nghĩa vụ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các cháu.

Ngoài ra, theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP, Thông tư Liên tịch số 09/2009 của Bộ Y tế và Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT đã xác định: Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dùng để đóng phí BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là thuộc ngân sách địa phương. Con số hơn 400.000 thẻ BHYT mà BHXH TPHCM đã cấp cho trẻ là căn cứ trên danh sách đề nghị cấp thẻ do Sở LĐ-TB&XH TP chuyển qua.

Trong đó, có cả trẻ dưới 6 tuổi đăng ký tạm trú tại TP. Dù quy định rất rõ như vậy, nhưng theo bà Huyền quan điểm của Sở Tài chính TPHCM vẫn cho rằng, đến nay chưa có văn bản nào quy định phải cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em tạm trú (!?) Với các quy định pháp luật hợp lý như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì bằng các quyết định của mình UBND TPHCM lại ban hành một quy định trái luật và không đúng với tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW như vậy.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại TPHCM có khoảng trên 1 triệu lao động nhập cư và phần đông trong số này có trẻ em dưới 6 tuổi nên họ rất bức xúc với quy định nói trên.

Anh Hoàng Văn Long, quê Thanh Hoá, công nhân KCN Tân Bình, TP. HCM (tạm trú tại phường Tây Thạnh, quận Tân Bình), cho biết mặc dù chúng tôi không phải là người thường trú tại TPHCM, nhưng tất cả đóng góp của chúng tôi là cho ngân sách TP này, điển hình như thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác hàng tháng chúng tôi vẫn bị trích trừ để đóng góp cho nguồn ngân Sách TP. Vậy mà không hiểu sao bỗng dưng UBND TPHCM lại phân biệt đối xử như vậy.

Anh Long phân trần: “Với quy định nói trên, tôi phải về quê để làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho con. Lương công nhân của hai vợ chồng tôi chỉ đủ trang trải sống tạm bợ qua ngày. Bây giờ để làm thẻ BHYT cho con tôi phải xin nghỉ làm, cộng với các khoản chi phí để về quê thì thật khốn khổ”.

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo BHXH TPHCM đề xuất: Kinh phí của khoản này nên thống nhất về đầu mối ngân sách của Trung ương chi trả là hợp lý nhất. Còn việc UBND TPHCM không cấp thẻ BHYT cho trẻ em tạm trú, thì tốt nhất các bậc phụ huynh nên gửi hồ sơ về tỉnh nhờ người thân làm thẻ BHYT cho các cháu, và cũng đưa ra nguyện vọng nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu là một bệnh viện ở TPHCM để thành phố dể quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với các tỉnh, vì đây là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Comments are closed.