mua may tinh cu tai ha noi-- cat gach

Tin tức báo chí hàng ngày - Báo Phú Nguyên

dieu hoa noi that gach tranh gạch tranh

Báo chí ngày 29.6.2012 – Những sự kiện nổi bật

Báo chí ngày 29.6.2012 – Những sự kiện nổi bật

Trong buổi sáng ngày 29/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước

I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo VietNamPlus có bài Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí nằm tại VN. Bài báo đưa tin: Tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày 27/6 tại thủ đô Washington, Mỹ, một số học giả quốc tế đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò – khai thác tại 9 lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hành động này của Trung Quốc đã được ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau đó, ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, “tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.

Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải “suy nghĩ hai lần” trước khi quyết định.

Trước đó, học giả Việt Nam, tiến sỹ Trần Trường Thủy, cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên Biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.

Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một “diễn biến rất tích cực” vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói “đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức.

2. Trang web ICTnews có bài Cấp 1 mã số gốc duy nhất cho công dân. Bài báo phản ánh: Trong bối cảnh các Bộ, ngành đang nỗ lực tăng tốc trên hành trình tiến tới Chính phủ điện tử, nhiều dự án cung cấp dịch vụ cho công dân, doanh nghiệp có sử dụng mã số đã và đang được triển khai. Chẳng hạn, sau 15 năm thực hiện cấp mã số thuế, hiện Tổng cục Thuế đang quản lý 18 triệu mã số thuế. Theo “tiết lộ” của bà Trương Thị Hải Đường, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế thì hệ thống mã số thuế này là sản phẩm mua của nước ngoài có trữ lượng khoảng 1 tỷ mã số.

Không chịu “thua chị kém em”, ngành Bảo hiểm Xã hội cũng đang quản lý tới 56,5 triệu mã số, dự kiến tương lai tăng lên mức 90 triệu, và đang chuẩn bị triển khai một dự án cũng bắt buộc phải sinh ra mã số riêng cho ngành.

Tại Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Summit) vừa diễn ra mới đây, TS. Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Từ trước đến nay, hầu như các ngành vẫn độc lập làm mã số riêng, không thống nhất, không có khóa (key) thống nhất, như vậy thì sẽ tốn kém, mà không hiệu quả. Đã có hiện tượng cơ quan thuế phát hiện đối tượng khai thuế khai trùng số chứng minh thư nhân dân”.

Điều đáng nói là mỗi công dân phải sở hữu khá nhiều loại mã số khác nhau do nhiều cơ quan khác nhau cấp phát nhưng về cơ bản vẫn chỉ gồm các thông số như ngày tháng năm sinh, giới tính, tình trạng kết hôn,….

“Tình hình có vẻ rối loạn, ai cũng làm mã số cho công dân nhưng không biết kết nối thế nào”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) nhận định.

Theo TSKH. Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, việc cấp mã số riêng duy nhất cho mỗi công dân từ khi sinh đến khi mất đi đang là vấn đề bức xúc cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Mã số gốc này sẽ được gắn vào chứng minh thư và tương lai là gắn vào thẻ công dân điện tử.

Được biết Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, và thẻ công dân điện tử. Tuy nhiên, công việc mới đang chỉ ở giai đoạn khởi động, thí điểm.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Từ 1/7/2012, người dân sẽ được cấp chứng minh thư mới, mã số chứng minh thư mới sẽ được coi là mã số công dân.

Khác với dự kiến trước đây, Bộ Công an xác định mã số công dân sẽ không chỉ cấp cho những người thuộc diện được cấp chứng minh thư (từ 14 tuổi trở lên) mà còn được cấp cho cả trẻ mới sinh thông qua sự phối hợp của hệ thống tư pháp thực hiện việc làm chứng nhận khai sinh ở phường xã. Như vậy, mỗi công dân đều sẽ có 1 mã số. Bộ Công an đã thỏa thuận với Bộ Tư pháp rằng Bộ Công an sẽ sinh mã số công dân để Bộ Tư pháp cấp phát cho công dân kể cả công dân vừa mới sinh. Việc khai báo các thông số thay đổi của công dân sau này sẽ được thực hiện tại xã phường và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch (Luật Hộ tịch sẽ được ban hành trong thời gian tới nhưng theo dự thảo Luật được công bố gần đây nhất thì vẫn chưa thấy đề cập tới sổ hộ tịch điện tử – cũng có thể coi là thẻ công dân điện tử).

“Trước sau gì cũng phải có thẻ công dân có thể tích hợp các thông tin cá nhân từ khi sinh ra đến khi mất đi. Khi Bộ Công an đã cấp được mã số công dân và tiến tới là thẻ công dân điện tử thì các Bộ, ngành nên nghiên cứu ngay để sử dụng mã thẻ công dân đó trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu cho ngành mình hoặc triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT chuyên ngành”, ông Bắc khuyến nghị.

Cũng theo ông Bắc, thống nhất mã số công dân duy nhất là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới nhiều Bộ, ngành, địa phương, bởi vậy, nên có sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ và lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng như lãnh đạo cao nhất của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đồng quan điểm kể trên, ông Đỗ Văn Sinh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng dứt khoát phải có sự thống nhất chỉ đạo từ Chính phủ thì mới thực hiện được, nếu không sẽ bùng nhùng, gây lãng phí.
3. Báo Thanh niên Online có bài Hơn 3.000 đơn “tố” cán bộ, đảng viên ở khu dân cư. Bài báo phản ánh: Qua 4 năm thí điểm triển khai thực hiện Quy chế “MTTQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, 5 tỉnh, thành phố làm điểm đã nhận được 3.123 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân.

Ủy ban Trung ương MTTQVN vừa cho biết thông tin trên tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Mặt trận diễn ra sáng nay, 28.6.

Theo báo cáo, trong số hơn 3.000 đơn nhận được từ phản ánh, ý kiến của nhân dân, Quảng Bình nhận được 484 đơn thư và ý kiến phản ánh, kiến nghị; TP.Hà Nội nhận được 1.292 đơn thư và ý kiến, kiến nghị; Tiền Giang nhận được 616 đơn và ý kiến, kiến nghị; Ninh Bình nhận được 449 đơn thư, kiến nghị và TP.HCM nhận được 282 đơn và ý kiến.

Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, trong quản lý xây dựng, về môi trường; chính sách xã hội, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, biểu hiện tham nhũng. Số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ của đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân, vi phạm trách nhiệm công vụ và cải cách hành chính.

Đáng chú ý là báo cáo cho hay “trong số đơn thư giám sát của nhân dân gửi đến Mặt trận, số đơn không có chữ ký và địa chỉ của người gửi không rõ ràng khá nhiều”.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình có tới 55 đơn không ký tên, TP.HCM trong tổng số 91 đơn gửi vào hộp thư giám sát có 24 đơn không ký tên, TP.Hà Nội trong tổng số hơn 1.000 vụ việc theo đơn, thư thì có 88 vụ nội dung không đúng sự thật…

Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, thông qua giải quyết kiến nghị của Ủy ban MTTQ cấp xã, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và tiến hành xử lý trách nhiệm đối với sai phạm của cá nhân có liên quan, bước đầu rất kịp thời, xác đáng, được nhân dân đồng tình và tin tưởng.

Bên cạnh kết quả đạt được như trên, Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng chỉ rõ những hạn chế, như có nơi, Ủy ban MTTQ cấp xã và tổ chức thành viên còn có thái độ nể nang, e ngại, chưa tin tưởng cao vào hiệu quả giám sát, thậm chí có nơi còn có tư tưởng ngại va chạm, sợ bị trù dập, trả thù, vì vậy có nơi sự việc vi phạm đã rõ ràng nhưng Ủy ban MTTQ cấp xã chưa mạnh dạn kiến nghị.

Tồn tại khác là tính đến thời điểm này, phần lớn số đơn thư, ý kiến phản ánh về các vụ việc cụ thể chủ yếu do nhân dân, do Ban công tác MT và Ban thanh tra nhân dân phát hiện, kiến nghị. Số do các tổ chức thành viên phát hiện và kiến nghị rất ít, nơi có tỷ lệ cao nhất là Hà Nội cũng chỉ đạt 10,5% số vụ việc.

Đáng nói hơn cả là dư luận nhân dân còn băn khoăn, lo ngại về hiệu quả và tính khả thi của việc thực hiện Quy chế, đặc biệt là việc giải quyết những kiến nghị giám sát do MT tập hợp qua đơn giám sát của nhân dân gửi đến chính quyền và cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vụ vi phạm về quản lý đất đai.

Ngoài kiến nghị triển khai áp dụng trong phạm vi cả nước Quy chế này, Mặt trận cũng kiến nghị Ban Bí thư hoàn thiện cơ chế giám sát, trong đó có cơ chế bảo vệ người giám sát, phát hiện, tố giác những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và sai phạm của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đồng thời, quy định rõ chế độ khen thưởng, động viên và nêu gương những người đã tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố giác đúng người, đúng việc.

II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Đại Đoàn kết đưa tin: Ngày 27-6, tại Hà Nội, các hội đồng tư vấn về: Dân chủ pháp luật; kinh tế; văn hóa xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở do Bộ Tư pháp soạn thảo.

Qua 15 ý kiến phát biểu, nhiều vị đại biểu cũng nhận định rằng, việc ban hành Luật là cần thiết, đồng thời Luật đã có đổi mới về nhận thức, khi nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải cơ sở. Theo như nhận định của GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam, thì “đây là một sự đổi mới về tư duy”, còn nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường nhìn nhận rằng “đây là một sự đổi mới về nhận thức”. Bên cạnh tán thành về sự cần thiết, và vai trò của Mặt trận trong dự án Luật này, thì nhiều ý kiến cho rằng, Luật không nên quy định về mức thời gian hòa giải. Theo đó, luật quy định rằng, thời hạn hòa giải không quá 30 ngày, kể từ ngày tổ hòa giải nhận được yêu cầu hoặc hòa giải viên trực tiếp chứng kiến, biết vụ việc. Đối với những vụ việc phức tạp, theo yêu cầu của các bên thì thời hạn hòa giải có thể kéo dài thêm, nhưng không quá 45 ngày. Ông Phạm Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hà Nội cho rằng, không nên quy định thời gian hòa giải, vì có nhiều vụ việc đơn giản thì hòa giải nhanh, trong khi lại có nhiều vụ phức tạp phải mất 1-2 năm mới giải quyết xong. Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa-xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, thời gian giúp con người xóa đi mặc cảm, mâu thuẫn cho nên không nên đưa vấn đề thời gian vào trong luật. “nếu vì áp lực thời gian mà hòa giải cho xong là không nên” – ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các vị đại biểu cũng cho rằng, trong luật cần quy định phải có biên bản hòa giải. Theo luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, thì cần quy định phải có biên bản hòa giải, nhưng chỉ là cơ sở các bên tự nguyện chứ không ép buộc. Nhà thơ Bằng Việt, Ủy viên HĐTV về Văn hóa-xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tán thành về việc biên bản hòa giải, nhưng “nếu biên bản hòa giải không thành thì họp lần thứ 2, và không nên quá 2 lần vì không thể theo đuổi mãi”. Trong khi đó bà Hà Thị Nga, Ủy viên HĐTV về Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam lại cho rằng “không nên đặt vấn đề mấy lần biên bản mà nếu khu dân cư đề nghị thì nên hòa giải, bởi hòa giải là động viên người ta, và tự nguyện chứ không thể áp đặt”.

2. Báo điện tử Chính phủ có bài Phân công chuẩn bị 2 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bài báo phản ánh: Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 9 và thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo, dự án luật.

Chuẩn bị cho phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 16-18/7/2012, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chuẩn bị Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường do Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị, trình Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài; Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân.

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 13 – 22/8/2012, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp chuẩn bị Dự án Luật Dự trữ quốc gia; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp chuẩn bị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Dự án Luật Hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị, trình Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị, trình Dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Dự án Luật giáo dục quốc phòng, an ninh; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn bị, trình.

Dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

3. Mục Ý kiến ngắn, báo Nhân dân điện tử đưa tin: Từ tháng 3-2012 đến nay, do thiếu cán bộ tư pháp, mọi hoạt động tư pháp tại xã Quảng Thành (Gia Nghĩa, Ðác Nông) như: chứng thực; cấp giấy khai sinh; đăng ký hộ tịch; tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải tại cơ sở… bị ngưng trệ, gây khó khăn cho người dân khi có việc cần giải quyết. Ðề nghị các cấp chính quyền của xã Quảng Thành và thị xã Gia Nghĩa sớm có biện pháp khắc phục tình trạng nói trên.

Theo nguồn moj.gov.vn

Comments are closed.