mua may tinh cu tai ha noi-- cat gach

Kinh nghiệm làm báo, kinh nghiệm phát hành báo, chia sẻ kinh nghiệm buôn báo, kinh nghiệm phát hành báo chí, công ty phát hành báo chí

dieu hoa noi that gach tranh gạch tranh

Kinh nghiệm làm báo ở Thuỵ Điển

Kinh nghiệm làm báo ở Thuỵ Điển

23.01.2013

Một loạt ký sự trên báo SGGP về chuyến đi tham quan và học hỏi từ quốc gia có nền báo chí lâu đời Thụy Điển. Rất có ích cho những người làm báo!

Thụy Điển, tuyết và báo – Bài 1: Đi trong bão tuyết

Hai ngày trước khi đoàn nhà báo Việt Nam lên đường sang Thụy Điển tham dự khóa đào tạo “Quản lý chiến lược phát triển báo chí”, do Đài phát thanh Thụy Điển và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà báo Ingela – phụ trách khóa đào tạo – đã email cho chúng tôi: “Tôi đoán là các bạn đang nôn nóng đến Thụy Điển. Nhớ chuẩn bị đồ thật ấm nhé, nhiệt độ hiện là -2°C đấy”. Ingela còn gửi đính kèm một tấm ảnh tuyết bắt đầu rơi trước hiên nhà bà.

Đường phố Stockholm, mùa đông 2012.

Stockholm chìm trong tuyết

Mới hôm trước tuyết còn rơi nhè nhẹ mà hôm sau tuyết đã bay vù vù, phủ trắng cả Stockholm. Đến đêm 4-12, nhiệt độ xuống -23°C, trời lạnh cóng. Buổi sáng 5-12, bão tuyết ào ạt. Truyền hình, phát thanh và các báo điện tử ở Thụy Điển liên tục cập nhật tin về bão tuyết. Sân bay Stockholm Arlanda chỉ vận hành một lượng hạn chế số chuyến bay đi và không tiếp nhận các chuyến bay đến. Giao thông bằng đường sắt trong nội đô bị tê liệt khoảng một tiếng.

Tòa soạn báo Aftonbladet

Mùa đông ở Thụy Điển, màn tối là chủ đạo. Trước 9 giờ sáng và sau 3 giờ chiều trời tối om. Các xe cào tuyết và công nhân dọn tuyết làm việc không ngơi nghỉ để dọn đường. Giao thông công cộng luôn là lựa chọn số 1 ở Thụy Điển. Mọi người chỉ cần mua thẻ SL Tourist Card hoặc Stockholm Card là lên xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm đi thoải mái, ngắn hay dài cùng một giá cước. Hiện 77% lượng xe ra vào Stockholm là phương tiện giao thông công cộng. Trong đó 50% số xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo.

Đưởng phố Stockholm
Tuyết ở thời điểm này khác hẳn với tấm ảnh mà bà Ingela gửi cho chúng tôi. Mặc bão tuyết, giá lạnh, đoàn chúng tôi ai nấy mặc 3-4 lớp áo quần, quyết di chuyển trong lớp tuyết dày, lang thang trên những con đường tuyệt đẹp ở trung tâm Stockholm. Tuyết bay vù vù, những tinh thể đá nhỏ bay áp vào mặt, vào mắt, buốt mà thích.

Khu phố cổ Gamla Stan đẹp như trong truyện cổ tích. Ở đây có những con đường nhỏ hẹp có từ thời Trung cổ, quanh co, uốn lượn theo từng dãy phố. Dưới chân chúng tôi là tuyết trắng, còn phía trên là những tòa tháp cổ kính, những lâu đài kiến trúc cổ Phục Hưng, những ngôi nhà nhỏ sơn màu đỏ sẫm, san sát kề nhau. Đây đó những cây thông phủ tuyết trắng lấp ló vài ngọn màu xanh, mấy cụ già lụ khụ chống gậy không biết đang đi đâu, những cặp tình nhân quàng vai nhau nồng nàn đi trong giá rét, lại còn thấy một nhóm hát rong biểu diễn trên vỉa hè.

Xe dọn tuyết

Đến chiều 7-12, Ingela tươi cười cho biết: “Tôi nghe dự báo thời tiết ngày mai sẽ hết bão tuyết, trời ấm hơn nhiều”. Đúng như vậy, sáng hôm sau trời ấm lên, nhiệt độ còn -7°C. Sáng hôm đó, ngồi trên xe buýt đến tham quan tòa soạn báo Người Lao động Thụy Điển, chúng tôi thấy TP Stockholm như một đại công trường dọn tuyết. Ở đâu cũng gặp xe, người và xẻng xúc tuyết. Những mặt đường được cào sạch tuyết lộ ra những hạt sỏi màu đỏ nâu điểm xuyết những hạt màu đen, trắng và vàng cát, tạo nên nét đặc trưng cho đường sá Stockholm. Đến trưa, đã nhìn thấy mặt trời. Nắng hắt vào tuyết làm cho những hạt tuyết lấp lánh ánh vàng tuyệt đẹp. Trong những lúc có nắng, cuộc sống sinh hoạt ở Stockholm thấy sôi động hơn.

Bảo tàng Bắc Âu ở Stockholm

Bên mộ Olof Palme

Tra trên mạng, Stockholm có thật nhiều điểm tham quan có lẽ đi vài tháng cũng không hết: Tòa thị chính, công trình kiến trúc đẹp nhất Thụy Điển, nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel danh giá; Nhà thờ lớn – công trình kiến trúc cổ nhất thành phố; Cung điện Drottningholm, được xây dựng từ thế kỷ XVI theo lối kiến trúc Phục Hưng; cùng 84 viện bảo tàng, hàng trăm nhà thờ và các công viên, các hòn đảo xanh mát, các siêu thị lớn với các thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển như H&M, Ostermalm, Stadshuset… Nhưng điểm đầu tiên chúng tôi chọn tham quan là nhà thờ Adolf Fredrik, nằm ở trung tâm Stockholm, được xây dựng từ năm 1768 đến năm 1774. Nhà thờ được đặt theo tên của vua Adolf Fredrik, bên trong có công trình tưởng niệm triết gia Cartesius, và từ năm 1986, nhà thờ này còn nổi tiếng hơn vì là nơi chôn cố Thủ tướng Olof Palme.

Nhà thờ Adolf Fredrik

Nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme chỉ là một khoảnh đất rộng vài mét vuông nằm ở phía trái sân nhà thờ Adolf Fredrik, bên trên có một hòn đá sỏi cao chưa đầy 1m có viết tên ông, bên cạnh có cắm hai đóa hoa hồng. Bà Ingela cho biết, ngôi mộ được làm theo ý nguyện của ông, thể hiện lối sống hết sức giản dị của ông. Ngả mũ trước mộ ông, tôi nhớ tới câu danh ngôn: “Dưới mỗi nấm mồ là một pho lịch sử”. Còn ở đây, dưới ngôi mộ giản dị này là một pho lịch sử bi hùng của Thụy Điển ở thế kỷ 20, có một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của thế giới.

Nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme

Ông Olof Palme là người lãnh đạo Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển từ năm 1969 tới ngày bị ám sát năm 1986. Ông làm Thủ tướng Thụy Điển từ 1969 đến 1976 và từ 1982 đến 1986. Ông từng đích thân xuống đường lấy chữ ký phản đối Mỹ xâm chiếm Việt Nam. Ngày 23-12-1972, ông đọc diễn văn trên đài phát thanh quốc gia, so sánh hành động ném bom Hà Nội của Mỹ với những cuộc tàn sát nổi tiếng trong lịch sử.

Thụy Điển, tuyết và báo – Bài 2: Thay đổi cách làm báo
Chủ nhật, 23/12/2012, 08:00 (GMT+7)
Sự nở rộ các loại hình thông tin điện tử đã trở thành thách thức lớn cho các cơ quan báo chí chỉ sống dựa vào báo in. Cùng chung số phận với báo in ở khắp nơi trên thế giới, những năm gần đây, các cơ quan báo in ở Thụy Điển cũng phải gồng mình chống chọi với tình trạng các chi phí đều tăng mà nguồn thu từ quảng cáo và bán báo giảm mạnh. Để cứu vãn tình hình, họ đã phải tái cấu trúc mọi hoạt động, thay đổi cách làm báo.

Bộ phận biên tập tin thời sự của Đài Truyền hình Thụy Điển.

Đa dạng hóa “đầu ra”

Di chuyển bằng 3 phương tiện xe buýt, tàu điện ngầm và tàu lửa mất khoảng 1 giờ 40 phút, chúng tôi đến Upsala, một thị trấn nhỏ cách Stockholm 75km. Ở đây có một tờ báo 122 năm tuổi, là một điển hình sống động cho sự quyết tâm đưa một tờ báo “cấp thị trấn” thành một tờ báo phát hành toàn quốc, đó là tờ Upsala Nya Fidning (www.unt.se).

Tổng biên tập báo Upsala Nya Fidning – bà Hanna Stjarne

Tiếp chúng tôi ngay tại tòa soạn, bà Hanna Stjarne, Tổng Biên tập báo cho biết, từ 5 năm trước, Ban Biên tập Upsala Nya Fidning đã phác họa bức tranh cho báo Upsala Nya Fidning như ngày hôm nay các bạn đang thấy. 5 năm trước, chúng tôi đã thấy rõ rằng nếu không tìm thêm được nguồn thu khác khi nguồn thu từ báo giấy sụt giảm rõ rệt, thì đồng nghĩa với sự diệt vong. Chiến lược tổng thể được đưa ra, bao gồm: Đẩy mạnh làm báo web, làm báo trên điện thoại di động, làm truyền hình, làm các tờ báo in phục vụ riêng cho bạn đọc ở các vùng hẻo lánh, tổ chức các sự kiện. Để làm được điều này, không còn cách nào khác là các phóng viên, biên tập viên phải năng động hơn, làm việc nhiều hơn; các thư ký tòa soạn và cả Tổng Biên tập cũng phải làm ngày làm đêm, trực ngày trực đêm.

Lãnh đạo đài Upsala.

Aftonbladet là tờ báo lá cải phát hành buổi chiều lớn thứ nhì ở Thụy Điển, với khoảng hơn 400.000 bản/ngày, đứng sau tờ Dagens Nyheter. Mặc dù làm báo online từ rất sớm, năm 1994, nhưng suốt 16 năm liền, lãnh đạo Aftonbladet vẫn cứ suy nghĩ giản đơn rằng tờ báo in của họ là báo chính, là “báo mẹ”, còn báo online chỉ là báo phụ, là bản báo giấy phát hành qua internet. Vì vậy, nội dung nào “ngon” nhất luôn được dành cho báo in. Còn phóng viên thì chỉ chú tâm viết cho báo in, lười viết cho báo online. “Điều này hoàn toàn sai lầm”, nhà báo Magnus Ringmen, Tổng thư ký tòa soạn, Giám đốc nhân sự của Aftonbladet, nhìn nhận. Ông cho biết, hệ quả là báo giấy giảm vẫn cứ giảm, còn báo online thì chậm chân hơn nhiều báo khác, chẳng mấy người đọc.

Bên trong tòa soạn Aftonbladet

Cuối năm 2010, một cuộc họp quan trọng của Aftonbladet diễn ra, đi đến một quyết sách mang tính sống còn: Ở Aftonbladet, báo online phải là ưu tiên 1. Tất cả thông tin phải được đưa lên báo online trước, ngay tức thì. Ban đầu của sự thay đổi này, rất nhiều phóng viên của Aftonbladet tỏ ra bất bình, vì họ vốn sở trường là chỉ viết tin – bài nay lại phải chụp cả ảnh, ghi âm và quay phim nữa, và tất cả đều phải làm nóng, làm tức thì ngay tại hiện trường. Nhưng lãnh đạo Aftonbladet quyết liệt hơn: “Ở Aftonbladet không duy trì bất kỳ một người nào chỉ làm báo in, mọi người phải biết làm tất cả”. Và một học viện mini chuyên đào tạo các kỹ năng tác nghiệp báo online được ra đời, buộc tất cả mọi thành viên trong cơ quan đều phải dự học.

Nói đến đây, ông Magnus Rinmen tươi cười: “Chúng tôi nay đã có 2,5 triệu đọc giả cả báo online và báo giấy, cao hơn báo Dagens Nyheter. Năm 2012, doanh thu quảng cáo của Aftonbladet online đã vượt qua báo giấy”.

Bonnier là tập đoàn tạp chí lớn nhất Thụy Điển, trụ sở là một cao ốc bề thế tọa lạc giữa trung tâm Stockholm. Đối mặt với sự sụt giảm, họ quyết định thay đổi bằng cách đi vào thị trường ngách, đáp ứng các khách hàng mục tiêu, bằng cách chia nhỏ các tạp chí vốn có và mở thêm các tạp chí chuyên đề về các lĩnh vực hẹp. Từ tạp chí Phụ nữ, họ chia thành nhiều tạp chí: Phụ nữ làm đẹp, bạn gái, phụ nữ tuổi 30, 40, 50, bà bầu, mẹ và bé… Tạp chí chuyên về ô tô thì chẻ thành nhiều tạp chí nhỏ: ô tô mới, ô tô cổ, ô tô dòng cao cấp, dòng phổ thông. Thậm chí họ còn xuất bản cả các tạp chí chuyên về giải đố ô chữ. Hiện Bonier sở hữu tới 40 tạp chí, doanh số vẫn đứng đầu nhóm tạp chí ở Thụy Điển. Đây cũng là một cách thay đổi, mà vẫn giữ được sở trường truyền thống. Trước làn sóng công nghệ truyền thông số, các ấn phẩm của Bonnier cũng được online, nhưng có thu phí người đọc qua mạng.

Lãnh đạo tập đoàn xuất bản tạp chí Bonnier giới thiệu các ấn phẩm của tập đoàn.

Báo phát không thì sao?

Pellle Anderson là một trong 3 nhà sáng lập tờ Metro – tờ báo phát không có số lượng phát hành 18 triệu bản/ngày trên 20 nước. Ông kể: “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, báo chí truyền thống có những đặc điểm kinh doanh là bạn đọc mua báo; giá báo thể hiện trị giá tờ báo; chi phí phát hành chiếm đến 30% giá bán. Nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy, giá trị của tờ báo nằm ở nội dung chứ không phải ở giá bán báo, từ đó đi đến một quyết định táo bạo: làm báo phát không. Số Metro đầu tiên được phát hành ngày 13-2-1995, nội dung chỉ đăng tin cơ bản, không phân tích, bình luận, không có bài viết chuyên sâu, không đưa quan điểm của bản báo, nhưng đăng ý kiến nhiều chiều của bạn đọc. Chúng tôi phát không báo Metro ở các bến tàu, bến xe. Và Metro đã thành công rực rỡ, liên tục có lãi lớn, còn được nhà Vua Thụy Điển tặng Huân chương Vì sự đóng góp cho phát triển ngôn ngữ”.

Ông Pelle Anderson – nhà sáng lập báo Metro đang trình bày về thị trường báo chí hiện nay

Theo ông Pellle Anderson, ưu điểm của báo phát không là người nghèo được đọc báo và các đối tượng khác cũng đọc báo nhiều hơn. Tuy nhiên, “Các bạn thấy đấy, giờ đây người đi tàu, đi xe ít cầm trên tay tờ báo mà họ cầm điện thoại di động quẹt quẹt xem gì đó trên màn hình. Vậy thì chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên là phải thay đổi. Báo phát không sẽ không chỉ có mặt ở bến tàu, bến xe và những nơi công cộng nữa, mà còn phải có mặt ở web, trên mạng xã hội, web TV, máy tính bảng, điện thoại di động… Nói chung là ở tất cả những nơi nào bạn đọc có mặt” – ông Pelle khẳng định.

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới định ra quyền tự do báo chí (từ năm 1766) và có tờ báo in “cao tuổi” nhất thế giới – tờ Post-och Inrikes Tidningar (từ 1645), nội dung thông tin về các hoạt động của hoàng gia cho dân chúng. Hiện nay tờ này chỉ in khoảng 1.500 tờ và cũng đã có báo online, chủ yếu đăng các tuyên bố của tòa án và một số cơ quan chính phủ.

Hiện nay Thụy Điển có trên 800 báo, đài, tạp chí, Trong đó tư nhân chiếm 60%; báo – đài thuộc các quỹ chiếm 15%; báo – đài thuộc các tổ chức chính trị chiếm 25%.

Nhìn chung, báo chí Thụy Điển ôn hòa, hầu như không có giọng điệu “bôi đen” hay “tô hồng”. Báo chí Thụy Điển hoạt động khách quan, chăm lo những giá trị chung như chống bạo lực, chống chiến tranh, bảo vệ môi trường, phổ biến tri thức khoa học, đề cao giá trị văn hóa, nghệ thuật…

Thụy Điển, tuyết và báo – Bài 3: Báo chí 3.0
Thứ hai, 24/12/2012, 07:38 (GMT+7)
Đối thủ cạnh tranh của báo chí ngày nay không chỉ đơn thuần giữa báo với báo, mà là với Google, với các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các công ty truyền thông khác. Phải hành động để tất cả các loại hình báo chí tồn tại cùng nhau như một hệ sinh thái, ở đó bạn đọc là trung tâm.

Tòa soạn đa phương tiện

Giờ đây, số lượng phát hành không còn thể hiện đẳng cấp của các tờ báo nữa, nó đã được “nâng lên tầm cao mới”, đó là số người dân mà họ tiếp cận được – tức số lượng công chúng, nói theo cách của báo chí Thụy Điển.

Như vậy, hiện nay, Aftonbladet có 2,5 triệu công chúng (bạn đọc mua báo in và bạn đọc truy cập báo online); báo Expressen có 2,25 triệu công chúng; báo Dagens Nyheter có 1,8 triệu công chúng… Ở một đất nước chỉ có 9 triệu dân như Thụy Điển thì những con số này là cực lớn.

Senska Dagbladet (SvD) là một tờ báo chính thống buổi sáng có vị trí hàng đầu ở Thụy Điển. SvD có cùng ‘mẹ” với Aftonbladet, là tập đoàn báo chí Shibsted. Năm 2008, tình hình thật ảm đạm, SvD đứng trên bờ vực phá sản. SvD đã đứng dậy bằng cách nào? Họ đã thay đổi, bằng cách chuyển từ một tòa soạn báo giấy truyền thống sang tòa soạn tích hợp đa phương tiện.

SvD tổ chức lại tòa soạn trong một không gian mở với đầy đủ các phòng, ban, bộ phận liên quan trực tiếp đến quy trình xuất bản cả báo online lẫn báo giấy. Bàn làm việc của người làm báo in được kê ngay bên cạnh người làm báo mạng (mô hình SuperDesk). Hầu hết lãnh đạo cấp cao của báo đều ngồi làm việc trong không gian mở này. Không gian mở giúp mọi người trao đổi công việc, ý tưởng với nhau nhiều hơn.

Ban biên tập buộc tất cả phóng viên trước khi viết cho báo giấy phải viết cho báo online. Báo online liên tục cập nhật và bổ sung nội dung cho tin-bài đó. Tổng thư ký tòa soạn trực tiếp điều hành tất cả các khâu liên quan đến xuất bản báo online lẫn báo giấy một cách nhanh chóng, nhịp nhàng. Nhờ vậy, tăng cường được sự phối hợp giữa báo in và báo online, giữa các tin nhanh, tin giật gân và các bài viết chuyên sâu.

Mô hình tòa soạn đa phương tiện của SvD đã thành công rực rỡ. Hiện nay hầu hết các tòa sọan báo ở Thụy Điển đều sử dụng mô hình này. Hàng tháng SvD đón tiếp hàng loạt lãnh đạo các cơ quan báo chí trên khắp thế giới đến học hỏi kinh nghiệm. SvD nay đã giành lại ngôi vị tờ báo chính thống lớn nhất Thụy Điển.

Spotify

Ở Thụy Điển, Đài Truyền hình Thụy Điển – Sveriges Television, Đài Phát thanh Thụy Điển – Sveriges Radio, và Đài Phát thanh truyền hình giáo dục – Ut bildningsradion chiếm ưu thế, có vị trí vững mạnh trong dân chúng.

Đoàn nhà báo Việt Nam tham quan Đài Truyền hình Thụy Điển tháng 12-2012

Mặc dù chuyện doanh thu không là vấn đề sống còn như ở nhóm báo in (ở Thụy Điển, các hộ gia đình phải trả tiền xem TV và nghe đài hàng năm. Quốc hội quyết định phân bổ nguồn doanh thu từ khoản thu phí này cho các đài công), nhưng các đài Thụy Điển cũng luôn tự thay đổi, tự đổi mới mình.

Câu chuyện ở Đài Phát thanh Thụy Điển (SR) là một ví dụ. Nhiều năm liền, SR được bình chọn là cơ quan báo chí uy tín nhất Thụy Điển. Ngoài đài “mẹ” nằm ở Stockholm, SR còn có 25 đài “con” nằm ở 25 địa phương. SR cũng được xem là cơ quan báo chí-truyền thông phân quyền nhiều nhất tại Thụy Điển. Hiện SR có 4 triệu thính giả nghe đài hàng ngày và 7 triệu thính giả nghe hàng tuần. Thế nhưng, những năm gần đây, SR cũng có nỗi lo riêng: thính giả ngày càng già đi, lớp trẻ thì thờ ơ với các chương trình phát thanh.

Nhà báo Mats Akerlund, Giám đốc kênh P3 – kênh dành cho giới trẻ, kiêm phụ trách chiến lược số của Đài Phát thanh Thụy Điển, kể: Năm 2009, lãnh đạo SR yêu cầu kênh P3 – một trong 4 kênh của SR – phải tìm cho ra chiến lược tốt nhằm thu hút mạnh mẽ giới trẻ nghe đài. Sau nhiều ngày tranh luận nảy lửa, 6 mục tiêu hành động được nhóm phụ trách kênh P3 thiết lập. Đó là: 1/ Phát triển mạnh kho nhạc số; 2/ Các chương trình phải vui hơn (không vui thì giới trẻ không nghe); 3/ Tăng cường nội dung các vấn đề về giới tính; 4/ Phải có thật nhiều câu chuyện bổ ích để bạn trẻ học hỏi; 5/ Phải là người đầu tiên nói về các xu hướng; 6/ Phải có mặt ở mọi nơi mà công chúng có ở đó.

Lãnh đạo đài phát thanh Thụy Điển đặt tại thị trấn Upssala giới thiệu các hoạt động của Đài.
Sau 11 tháng nỗ lực thực hiện, 6 mục tiêu trên đã phát huy kết quả tích cực, số lượng bạn trẻ nghe đài tăng vọt. Không những thế, thính giả có thể nghe các chương trình của SR ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, từ trên sóng FM hay Podcast (dịch vụ tự động tải âm thanh xuống các thiết bị số), trên internet và điện thoại di động. Đặc biệt, dự án kho nhạc số có bản quyền Spotify ra đời, nay trở thành kho nhạc số khổng lồ, đứng nhất nhì thế giới. Hiện Spotify.com có hàng chục triệu người truy cập hàng ngày. Spotify trở thành niềm tự hào của SR.

Bạn đọc + Nhà báo = Báo chí 3.0

Bạn đọc, công chúng không vừa lòng với việc đưa tin một chiều, họ muốn có thông tin nhiều chiều và nếu có điều kiện, họ tham gia vào bài báo. Vì thế các tòa soạn báo ở Thụy Điển rất chú trọng các phản hồi của độc giả qua nhiều kênh, đặc biệt là mạng xã hội, để chọn lọc ra những thông tin có giá trị nhất.

Có một thuật ngữ mới được đưa ra từ Đài Phát thanh Thụy Điển: Báo chí 3.0. Giải thích về thuật ngữ này, nhà báo Mats Akerlund phân tích: Báo chí 1.0 là báo chí truyền thống như trước đây. Báo chí 2.0 là báo chí như hiện nay, tồn tại song song báo chí chuyên nghiệp và truyền thông xã hội. Có nghĩa là tòa soạn báo đưa thông tin theo kiểu của báo, còn công chúng đưa thông tin lên web, lên blog, lên mạng xã hội theo kiểu của họ. Còn Báo chí 3.0 chính là báo chí 1.0 cộng với 2.0, có nghĩa là công chúng và tòa soạn báo chuyên nghiệp cùng tạo ra các sản phẩm báo chí. Nhờ vậy, các sản phẩm báo chí sẽ nóng hơn, đa dạng hơn, nhưng vẫn có độ tin cậy cao.

20 ngày học tập ở Thụy Điển, đối với chúng tôi, hầu như chỉ tiếp xúc với tuyết và báo. Các nhà báo Thụy Điển đã tận tình trình bày, chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi hàng loạt kiến thức mang tính nghề nghiệp sâu sắc về: cách thức khảo sát bạn đọc; tổ chức tòa soạn đa phương tiện; đón đầu xu hướng truyền thông; đổi mới thông tin đại chúng; lập và quản lý dự án trong lĩnh vực báo chí – truyền thông; phát triển báo trên điện thoại thông minh; tận dụng truyền thông xã hội…

Các em bé thích thú xem trưng bày trước một cửa hiệu bán quà Noel
Khóa học kết thúc đúng vào dịp đón Noel, mà ở nhiều nước trên thế giới, ngoài ý nghĩa mừng Chúa giáng sinh, còn là những ngày họp mặt gia đình. Tạm chia tay với đất nước Thụy Điển và con người Thụy Điển mến yêu, đoàn chúng tôi trở về nước với một khối kiến thức sống động tiếp nhận từ nền báo chí giàu tính nhân văn của nước bạn.

Khắc Văn (từ Stockholm)

Theo SGGP

Comments are closed.