Trong buổi sáng ngày 07/8/2012, một số báo đã có bài phản ánh những vấn đề nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo Nhân dân điện tử đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón, hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam. Ngày 6-8, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam đang ở thăm Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Chủ tịch Kim Yêng Nam thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên. Chủ tịch Kim Yêng Nam bày tỏ vui mừng được thăm lại Việt Nam sau hơn mười năm và cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian tiếp. Chủ tịch Kim Yêng Nam đã thông báo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số nét khái quát về tình hình Triều Tiên và chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
* Ngày 6-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiến hành lễ đón trọng thể Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam.
Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, trong bầu không khí chân thành và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Chủ tịch Kim Yêng Nam và đoàn đại biểu Triều Tiên sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn Chủ tịch Kim Yêng Nam đã mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Triều Tiên.
2. Trang VietnamPlus có bài Việt Nam và Hàn Quốc chính thức đàm phán FTA. Bài báo đưa tin: Ngày 6/8, tại Hà Nội, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương(FTA), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng phụ trách thương mại, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Bark Tae Ho.
3. Báo Điện tử VnMedia đưa tin: Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, trong tháng 7 vừa qua đã có 937 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Điều này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2012 là 46.818 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 42.349.
Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh tính đến cuối tháng 7/2012 là 20.741 doanh nghiệp (đến cuối tháng 6 là 21.678). Đáng chú ý, trong tháng 7, có 937 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Điều này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khả quan hơn.
Cũng theo kê khai nộp thuế của doanh nghiệp trong Quý II/2012, số doanh nghiệp có lãi trước thuế tăng so với Quý I/2012 là 2,5%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,8% so với Quý I.
II-THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo An ninh Thủ đô có bài Kiến nghị đổi vị trí di dời Bộ Tư pháp. Bài báo phản ánh: UBND TP Hà Nội vừa tham gia ý kiến đóng góp vào nội dung đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, TP cho rằng, đề xuất di dời Bộ Tư pháp về khu vực Nhà máy in Tiến Bộ là không phù hợp. Bởi, theo quy hoạch mạng lưới trường học, tại vị trí Nhà máy in Tiến Bộ dự kiến bố trí các công trình giáo dục cho phường Điện Biên, gồm nhà trẻ, trường tiểu học và THCS (tại phường Điện Biên không còn quỹ đất khác). Do vậy, sẽ không đủ quỹ đất cho các chức năng trên. Tương tự, địa điểm mới của Bộ KH-ĐT được di dời về vị trí Nhà máy in Tiến Bộ cũng cần phải được xem xét cụ thể.
2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Nghệ An đề xuất mở rộng đối tượng được miễn, giảm thi hành án. Bài báo phản ánh: Nghệ An là tỉnh trọng điểm ma túy của cả nước, mỗi năm có hàng trăm vụ án ma túy được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa bàn khác, người phải THA trong các vụ việc này thường không có tài sản để THA. Ngành THA tỉnh này xác định nếu làm tốt công tác miễn giảm thì sẽ san sẻ bớt “gánh nặng” cho cơ quan nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của người dân..
Tính đến hết tháng 3/2012, Nghệ An còn tồn gần 6 ngàn việc THA, với số tiền trên 125 tỷ đồng; trong đó chủ yếu tồn đọng nhiều năm là hơn 3500 việc tương ứng số tiền hơn 73 tỷ đồng; trong đó số thuộc diện miễn THA có 114 việc, với số tiền trên 300 triệu đồng.
Trong 2 năm 2010 và 2011 đã thực hiện xét miễn xong toàn bộ số việc phải thu cho ngân sách nhà nước có giá trị đến 500 ngàn đã qua 5 năm không thi hành được theo Nghị quyết số 24 của Quốc hội với tổng số 507 việc, bằng gần 100 triệu đồng.
Đối với việc xét miễn nghĩa vụ THA theo Điều 61 Luật THADS và các quy định của BLHS, trong 2 năm 2010,2011 và 6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh có 1291 trường hợp thuộc diện xét miễn với số tiền hơn 1 tỷ 700 triệu đồng. Kết quả đã xét miễn 982 việc với số tiền 1 tỷ 225 triệu đồng, đạt tỷ lệ 76%.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Đình chỉ vụ chấp hành viên không thi hành án. Bài báo phản ánh: Bà Trần Thị Lệ Thư, nguyên chấp hành viên Cục THA dân sự tỉnh An Giang vừa nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao đối với bà. Theo đó, VKSND Tối cao cho đình chỉ mọi hoạt động tố tụng với vụ án. Trước đó bà Thư bị khởi tố tội không thi hành án.
Như đã thông tin, sau khi tòa buộc hai hộ dân tháo dỡ vật kiến trúc để giao trả hai nền nhà cho một người dân thì bà Thư được phân công thi hành bản án của tòa. Tuy nhiên, bà Thư chỉ đến nhà bị đơn ghi biên bản rồi bỏ đấy. Tháng 5-2003, bà Thư ghi vào bìa hồ sơ vụ THA trên chữ “Xong – 5/2003” và ký tên, chuyển lưu trữ. Thực tế, đã 11 năm qua nhưng vụ án vẫn chưa được thi hành. Cuối năm 2011, phát hiện sự vụ, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã khởi tố bà Thư.
Theo Vụ 1A, hành vi không thi hành án của bà Thư là tùy tiện, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại và bức xúc cho người được thi hành án. Bà đã phạm tội không thi hành án nhưng hiện nay, việc thi hành hai bản án mà bà “xếp xó” đang được tiếp tục thi hành. Áp dụng các điều luật có lợi cho bà Thư, Vụ 1A đã miễn trách nhiệm hình sự đối với bà.
Vụ 1A cũng kiến nghị cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý hành chính nghiêm đối với bà Thư; rút kinh nghiệm với chấp hành viên tỉnh An Giang; chỉ đạo thi hành dứt điểm hai bản án kể trên.
4. Báo Người Lao động có bài Quá tải vì “chạy” hộ khẩu. Bài báo phản ánh: Ở TP Đà Nẵng, nhiều phụ huynh chuyển hộ khẩu của con ngay từ lúc mới sinh, nhập vào hộ khẩu của bà con thân thích ở một phường khác để con được học trường “xịn” khi vào lớp 1.
Năm học này qua điều tra phổ cập, Trường Tiểu học Phù Đổng dự kiến sẽ mở 6 lớp 1 với tổng số 206 học sinh. Thế nhưng, đến khi trường nhận hồ sơ, con số này tăng thêm 338 học sinh. Điều đáng nói là số học sinh này đều nằm trong diện có hộ khẩu tại phường Hải Châu 1, đúng tuyến nên trường phải nhận vào học. Chính vì thế, số lớp dự kiến ban đầu phải tăng lên thành 14 lớp mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Trường Tiểu học Phan Thanh, con số dự kiến tuyển vào lớp 1 ban đầu chỉ có 180 học sinh theo số liệu điều tra phổ cập. Hiện tại, nhà trường phải nhận thêm 100 học sinh và phải mở thêm lớp. Ông Nguyễn Hồng Tân, hiệu trưởng, cho biết năm nay, trường phải xây thêm 4 phòng học mới để giảm quá tải. Hiện trường có 28 phòng học và dự kiến năm nay có tới 31 lớp.
Còn tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, số liệu điều tra ban đầu chỉ có 136 trẻ trong địa bàn phường đúng độ tuổi vào lớp 1 nhưng khi làm hồ sơ thì con số này đã tăng hơn 2 lần. Năm nay trường phải mở 7 lớp 1 với sĩ số 42 học sinh/lớp.
Hầu hết những hồ sơ không nằm trong diện điều tra phổ cập đều đáp ứng quy định tuyển đúng tuyến của các trường. Lãnh đạo các trường cho biết phụ huynh đã bằng mọi cách “chạy” hộ khẩu cho con để vào học ở những trường này khiến sĩ số học sinh lớp 1 tăng.
Ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng, nói hầu hết các phụ huynh trong diện này đã có sự chuẩn bị từ trước bằng cách chuyển hộ khẩu của con từ nơi cư trú là một phường khác tuyến, nhập vào hộ khẩu của bà con thân thích trên địa bàn tuyển của trường từ 2 – 3 năm trước, thậm chí từ lúc con mới sinh. Cũng có trường hợp học sinh có hộ khẩu tại phường nhưng gia đình lại sinh sống ở phường khác, đến khi con vào lớp 1 lại nộp hồ sơ để vào trường.
Lãnh đạo 2 trường tiểu học Phan Thanh và Hoàng Văn Thụ cũng lý giải về vấn đề quá tải liên tục tại các trường này đều do phụ huynh “chạy” hộ khẩu cho con. Tuy nhiên, trường không thể từ chối những trường hợp này vì họ có hộ khẩu hợp lệ, đúng tuyến.
Ông Tân nhận định các năm học tới, khi UBND TP siết chặt các quy định nhập cư thì hy vọng tình trạng quá tải vào lớp 1 sẽ không còn.
5. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Luật sư ủy quyền cho người khác ra tòa?. Bài báo phản ánh: Nhiều chuyên gia khẳng định việc ủy quyền là tùy tiện bởi pháp luật không có điều khoản nào cho phép cả.
Tại TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) vừa xảy ra một chuyện khá hi hữu trong tố tụng: Một luật sư sau khi được tòa cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự đã… ủy quyền cho hai người khác tham gia phiên xử để làm thay công việc của mình.
Trước đó, luật sư HNL (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nhận lời bảo vệ bà H., bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ 400 triệu đồng. Sau khi làm thủ tục, luật sư L. đã được TAND quận Hải Châu cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, vì bận đi Mỹ nên luật sư L. đã làm giấy ủy quyền cho luật gia G. (Hội Luật gia TP Đà Nẵng) và luật sư M. (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) thay ông tham gia phiên tòa để bảo vệ bà H.
Trong phiên sơ thẩm, HĐXX đã công bố “đơn ủy quyền” trên và hỏi bà H. rằng có chấp nhận hai vị luật gia, luật sư mới theo ủy quyền của luật sư L. hay không. Ban đầu, bà H. ngơ ngác không hiểu nên không đồng ý. Tòa giải thích: “Nếu bị đơn đồng ý đơn ủy quyền này thì tòa sẽ chấp nhận hai vị luật gia và luật sư này bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, còn nếu bị đơn không đồng ý thì thôi”. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tham khảo ý kiến của người thân, cuối cùng bà H. cũng đã đồng ý để luật gia G. và luật sư M. bảo vệ mình.
Xung quanh vụ việc trên làm phát sinh vấn đề pháp lý: Sau khi đã được tòa cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi, một luật sư có được ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa dân sự hay không?
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia. Cá biệt cũng có ý kiến nói tòa có thể chấp nhận nếu thân chủ của luật sư đồng ý. Tuy nhiên, phần đông thì vẫn cho rằng việc ủy quyền là tùy tiện bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Luật sư cùng các văn bản hướng dẫn đều không có điều khoản nào cho phép cả. Hơn nữa, với vai trò, vị trí, tư cách tham gia phiên tòa của luật sư thì việc ủy quyền này lại càng không ổn.
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Tôi chưa từng thấy quy định, khái niệm nào về việc luật sư “ủy quyền bảo vệ khách hàng tại phiên tòa” cả. Theo tôi thì không thể chấp nhận chuyện này. Bởi lẽ việc luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là thỏa thuận giữa chính luật sư với khách hàng. Khách hàng yêu cầu đích danh luật sư thì luật sư không có quyền định đoạt là ủy quyền cho ai làm thay công việc của mình cả”.
Theo luật sư Sang, luật sư muốn tham gia phiên tòa dân sự để bảo vệ khách hàng còn phải được tòa cấp giấy chứng nhận. Theo luật, tòa phải xem xét có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền lợi hay không mới cấp giấy. Giấy chứng nhận được cấp đích danh cho một luật sư thì việc luật sư này ủy quyền cho người khác tham gia phiên xử vô hình trung đã gạt bỏ vai trò xem xét của tòa. Chưa kể, với trường hợp người bảo vệ quyền lợi là luật gia thì thủ tục lại càng chặt chẽ, càng đòi hỏi nhiều hơn về điều kiện.
“Chừng nào pháp luật cho giới luật sư được thoải mái tham gia tố tụng mà không cần cấp giấy chứng nhận thì lúc đó, việc ủy quyền này mới có thể đặt ra với điều kiện là đương sự đồng ý” – luật sư Sang kết luận.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bổ sung: Trong vụ án trên, việc tòa “chấp thuận miệng” chuyện “ủy quyền bảo vệ khách hàng” của các luật sư, luật gia ngay tại phiên xử là không đúng, dù đương sự đã đồng ý. Ở đây, tòa phải hoãn xử để xem xét cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật gia G. và luật sư M., sau đó mở lại phiên xử thì mới đúng về thủ tục tố tụng.
III- CÁC NỘI DUNG KHÁC
Báo Pháp luật Việt Nam có bài Khuất tất DN vốn 3 tỷ trúng thầu công trình 41 tỷ đồng. Bài báo phản ánh: Bất thường trớ trêu tưởng chỉ có thể xảy ra trong truyện… tiếu lâm, nhưng lại xảy ra ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), khi một Công ty (Cty) xây dựng tham gia đấu thầu giai đoạn 1 Dự án Công trình đường Hải Trạch – Phú Định với tổng mức vốn trên 41 tỷ đồng trong khi vốn chỉ có 3 tỷ đồng.
Khoảng đầu tháng 6/2012, Ban Quản lý các dự án huyện Bố Trạch (BQL) tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp tham gia dự thầu Giai đoạn 1 của dự án đường Hải Trạch – Phú Định có mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng. Trong quá trình tìm kiếm hồ sơ dự thầu, BQL đã “chấm” liên doanh Cty CP xây dựng 68 Hà Tĩnh (Cty 68) và Cty TNHH Á Châu (tỉnh Quảng Bình) trúng thầu vào ngày 4/6/2012. Tuy nhiên, khi hồ sơ đấu thầu đã được đóng dấu, niêm phong thì việc gian lận trong hồ sơ đấu thầu cũng được phát hiện.
Theo hồ sơ mời thầu của BQL yêu cầu thì các nhà thầu khi tham gia dự thầu công trình phải có vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng, còn nếu nhà thầu liên doanh như Cty 68 là trưởng liên doanh, thì buộc đơn vị này đăng ký tham gia 60% giá trị gói thầu. Như vậy, vốn điều lệ của Cty 68 phải đạt trên 30 tỷ đồng mới đủ điều kiện.
Thế nhưng, tại thời điểm đấu thầu, vốn điều lệ mà Cty 68 thể hiện rõ ràng qua Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) chỉ đạt 3 tỷ đồng?. Cũng chẳng rõ bằng cách nào, công ty này đã “nhanh chóng” đưa vào hồ sơ đấu thầu bản công chứng ĐKKD do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch xã Thạch Môn, Hà Tĩnh chứng thực với vốn điều lệ nhảy lên đến 40 tỷ đồng một cách khó hiểu.
Sau đó, ngày 5/62012, ông Mai Văn Huế – Giám đốc Cty CP Tân Hoàn Cầu (một trong 6 nhà thầu tham gia đấu thầu) sau khi phát hiện ra việc gian lận trên ĐKKD của Cty 68 đã báo cáo với chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư không những không xử lý mà còn tiến hành xét thầu cho liên danh trên trúng thầu.
Bất bình trước sự thật tréo ngoe này, ngày 14/6/2012, ông Huế đã làm đơn khiếu kiện gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình về việc gian lận trong hồ sơ đấu thầu gói thầu số 1, Dự án Công trình đường Hải Trạch – Phú Định của Liên doanh Cty 68 với Cty TNHH Á Châu.
Song cũng chỉ có BQL trả lời bằng văn bản cho ông Huế. Nội dung trả lời khẳng định việc chấm thầu, tổ chuyên gia xét thầu chỉ căn cứ trên hồ sơ dự thầu. Bản công chứng về ĐKKD của Cty 68 có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, tổ chấm thầu không thấy có gì sai nên chấm đạt tiêu chí là chuyện bình thường. Còn chuyện nếu có sai phạm trong bản công chứng này thì trách nhiệm về ai người đó chịu?.
Đến nay, gói thầu giai đoạn 1 của công trình đường Hải Trạch – Phú Định đã được liên doanh Cty 68 Hà Tĩnh và Cty TNHH Á Châu (tỉnh Quảng Bình) thi công được hơn 70% kế hoạch, nhưng sự việc vẫn chìm trong im lặng.
Trả lời báo chí về chuyện gian lận trong hồ sơ dự thầu của Cty 68 – Giám đốc BQL huyện Bố Trạch – ông Bùi Quốc Thanh cho biết, khi chấm thầu, tổ chuyên gia xét thầu chỉ căn cứ trên hồ sơ dự thầu. Tổ chấm thầu không thấy sai sót trong bản công chứng về ĐKKD của Cty 68 có vốn điều lệ 40 tỷ đồng nên chấm đạt tiêu chí. Nếu có sai phạm trong bản công chứng này thì trách nhiệm về ai người đó chịu?.
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao BQL không yêu cầu nhà thầu cung cấp bản gốc ĐKKD để đối chiếu với bản công chứng nhằm làm rõ việc gian lận?. Tại sao một hành vi gian lận, vi phạm pháp luật của DN như vậy mà BQL không yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra?.
Phải chăng, khi cán bộ cơ quan chức năng ở huyện biết sai phạm, nhưng lại cố tình lờ đi xem như việc này là của người khác chứ chẳng phải của mình?. Và câu hỏi của dư luận đặt ra là phải chăng có chuyện “đi đêm” ở đây?.
Ông Huế cũng mới có đơn tố cáo gửi Phòng CSĐTTP về QLKT và CV và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đề nghị điều tra việc gian lận trong đấu thầu Dự án công trình đường Hải Trạch – Phú Định. Ông Huế cũng đã cung cấp ĐKKD của Cty 68 vốn điều lệ chỉ có 3 tỷ đồng đến cơ quan điều tra.
Cũng phải nói thêm rằng, quá trình đấu thầu được hoàn tất với việc liên doanh trên trúng thầu cũng không phải là lần tổ chức đấu thầu duy nhất. BQL đã từng tổ chức đầu thầu lần 1, trong khi gói thầu chưa có quyết định kết quả xét thầu thì một trong 3 đơn vị tham gia đấu thầu đã tổ chức lễ động thổ công trình tại xã Phú Trạch.
Liên quan đến vụ việc này, trong quá trình tổ chức bán hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 cũng đã có nhiều vấn đề khuất tất. Trong số các nhà thầu tham gia dự thầu Dự án công trình đường Hải Trạch – Phú Định giai đoạn 1 vừa qua, Cty Xây dựng Lũng Lô là đơn vị có tổng số vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, cùng với năng lực trang thiết bị, kinh nghiệm thi công… cũng như việc giảm thầu hơn gần 7 tỷ đồng, nhưng không hiểu vì sao vẫn…trượt.
Những khuất tất ở dự án đường Hải Trạch – Phú Định vừa được Phòng CSĐT về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Quảng Bình “vào cuộc”. Hy vọng, những khuất tất trong vụ trúng thầu của Cty 68 sẽ được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình.