Trong buổi sáng ngày 19/9/2012, một số báo đã có bài phản ánh vấn đề nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN NỔI BẬT
1. Báo Nhân dân điện tử đưa tin Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần chỉ rõ đối tượng giám sát và trách nhiệm thuộc về ai. Ngày 18-9, tại phiên họp thứ 11 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hằng năm số đơn thư KNTC về đất đai chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc KNTC về đất đai tồn đọng, bức xúc kéo dài đạt tỷ lệ 66,7%.
Trong quản lý đất đai, nội dung KNTC đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào KNTC các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%); khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy, nguyên nhân làm phát sinh KNTC về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng, báo cáo chưa làm rõ ai là cơ quan bị giám sát. Tại cuộc họp quan trọng này cũng không thấy đại diện cơ quan bị giám sát dự?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương không thống nhất giữa các tỉnh, thậm chí trong một tỉnh thì huyện này ban hành khác huyện kia. Trong báo cáo cũng chưa nói rõ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương có đúng quy định của pháp luật hay không?
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, số liệu khiếu nại, tố cáo đúng cho thấy, việc giải quyết của các cấp chính quyền là đáng lo ngại. Ðây là nguyên nhân khiếu kiện đông người, kéo dài. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH, nguyên nhân KNTC là do giá đất chênh lệch nhau: Hai thửa ruộng liền nhau, giá đất phường quản lý cao hơn gấp năm lần giá đất xã quản lý. Do vậy, dân không chịu dẫn đến khiếu kiện. Cùng với đó, giá đất sau thu hồi giao cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư bất động sản tăng lên quá nhiều, thậm chí 100 lần. Quy định về tổ chức đền bù mỗi nơi mỗi khác, không thống nhất dẫn đến giá đền bù khác nhau và dẫn đến khiếu kiện.
Một nguyên nhân khác là công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất không thực hiện được dẫn đến khiếu kiện. Công tác tuyên truyền pháp luật còn hạn chế, nhiều người dân không hiểu về pháp luật đất đai.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo chưa nêu được tồn tại trong việc ban hành quyết định hành chính, chưa chỉ ra được sai ở khâu nào, cấp nào? Thí dụ: Ở khâu đền bù, hay khâu cưỡng chế? Báo cáo cũng chưa nêu được việc xử lý người ban hành quyết định hành chính sai. Do vậy cần làm rõ, những quyết định sai đó đã được giải quyết như thế nào?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, thì đối tượng giám sát tối cao trước hết là Chính phủ, sau đó là các bộ, ngành liên quan khác. Báo cáo cần chỉ rõ mức độ, nguyên nhân KNTC, chỉ rõ các khâu có khiếu kiện, cấp nào sai nhiều, trách nhiệm thuộc về ai? Cán bộ, ngành nào, cấp nào? Như vậy báo cáo mới đạt được là giám sát chuyên đề.
2. Báo VnExpress có bài Tranh luận về 3 ‘mô hình’ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Bài báo đưa tin: Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận 3 phương án sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, phương án cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo luật sửa đổi lần này gồm 8 chương, 110 điều trong đó có tới hơn 50 điều sửa đổi. Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, dự luật còn 3 vấn đề cần xin ý kiến của Thường vụ gồm các quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở kết luận hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa XI), Chính phủ đề xuất 3 phương án sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, phương án thứ nhất thể hiện theo đúng nội dung trong kết luận, Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực.
Phương án thứ hai quy định Ban chỉ đạo trong Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Phương án thứ ba xác định Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này. Vì vậy, hướng sửa Luật là bãi bỏ Điều 73 và bỏ cụm từ “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.
Cả 3 phương án theo ông Huỳnh Phong Tranh đều còn những vướng mắc, vì vậy Chính phủ trình để Quốc hội quyết.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hôi Uông Chu Lưu cho rằng, phạm vi của dự án luật này, nên tập trung vào nội dung, bám vào Nghị quyết trung ương 5 chứ chưa nên nói đến việc sửa toàn diện. Do còn nhiều tranh luận về luật hóa Ban chỉ đạo, ông Lưu đề nghị cần lý giải, phân tích được để chuyển hẳn mô hình từ nhà nước sang trực thuộc Bộ Chính trị do Đảng chỉ đạo, lãnh đạo và thành lập Ban Nội chính trung ương.
Do tiến độ của dự án luật phải thông qua vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Phó chủ tịch Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, rà soát và gửi sớm dự thảo cho các đại biểu Quốc hội.
II- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Công lý đưa tin Ký kết thông tư liên tịch giữa TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tư pháp. Ngày 18-9, tại Hà Nội, lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tư pháp ký kết Thông tư liên tịch “Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”.
Đến dự buổi Lễ ký kết có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và đại diện cho 3 cơ quan là ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC; bà Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC; ông Phạm Quý Tỵ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp…
Thông tư liên tịch “Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính” có 5 chương với 28 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 12-11-2012. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cá nhân, cơ quan, tổ chức cần phản ánh về TANDTC để TANDTC phối hợp với VKSNDTC, Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải quyết và chỉnh lý, bổ sung kịp thời.
2. Báo Người đưa tin có bài Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Ba cán bộ thi hành án hầu tòa. Bài báo phản ánh: Ngày 28-8-2012, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) ra quyết định mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử công khai vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với ba bị cáo là cựu cán bộ Cục Thi hành án (THA) tỉnh: Trần Văn Mười (SN 1962, cựu Cục trưởng), Lê Minh Huy Hoàng (SN 1962, cựu chấp hành viên Chi cục Thi hành án TP Vũng Tàu) và Hoàng Anh Linh (SN 1967, cựu chuyên viên Nội chính Văn phòng Tỉnh ủy) cùng bị tuy tố về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Dự kiến xét xử vào sáng 19-9-2012.
Bị hại là ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều (quốc tịch Hà Lan). Ngoài bị cáo, bị hại, Tòa án còn triệu tập 30 người là nhân chứng. Đây là vụ án gây nhiều sự chú ý của dư luận bởi các bị cáo đều là những công bộc trong ngành tư pháp, hiểu luật nhưng vi phạm luật.
Theo tài liệu thu thập được: Ông Đào Quang Phủ (cựu Phó Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo), không tái nhiệm vào bộ máy chính quyền, chuyển sang làm Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Côn Đảo (EDC). Năm 1993, Đào Quang Phủ đã giúp Trịnh Vĩnh Bình mua trái phép nhà xưởng và giao cho Bình sử dụng 136,95ha đất tại khu Phước Cơ, TP Vũng Tàu. Quá trình “hợp tác” làm ăn, Đào Quang Phủ đã cùng Trịnh Vĩnh Bình dùng nhiều thủ đoạn gian dối giúp Bình mua 136,95ha đất cùng tài sản tại khu Phước Cơ (Phường 11, TP Vũng Tàu). Trịnh Vĩnh Bình đã chuyển cho Trịnh Hiền Thanh (bị can của vụ án) 7,5 tỉ đồng để giao cho Cty EDC trả Xí nghiệp Liên doanh nuôi trồng thủy sản Vũng Tàu và nhận bàn giao, sử dụng 136,95ha đất trái pháp luật. Đào Quang Phủ và Trịnh Vĩnh Bình còn xin thành lập Công ty Cổ phần Bình Châu với 100% vốn của cá nhân Trịnh Vĩnh Bình. Đào Quang Phủ đã kí giấy vay 400 triệu đồng của Bình để gọi là “vốn tự có” của EDC “góp cổ phần” vào Công ty Bình Châu. Khi UBND tỉnh có quyết định giao quyền sử dụng khu đất Phước Cơ cho Công ty Bình Châu thì “vụ án Trịnh Vĩnh Bình” bị khởi tố.
Bằng hình thức sử dụng danh nghĩa Cty EDC, Đào Quang Phủ đã lập các thủ tục khống, qua mặt các cơ quan chức năng giúp Trịnh Vĩnh Bình mua nhiều đất đai diện tích lớn. Khi khám xét Công ty Bình Châu, Cơ quan Điều tra còn phát hiện một quyển sổ “quỹ đen” trong đó thể hiện Trịnh Vĩnh Bình “hối lộ” Đào Quang Phủ 1,5 tỉ đồng, một biên nhận viết tay của ông Phủ thể hiện đã nhận của Trịnh Hiền Thanh 500 triệu đồng để “chạy” mua khu đất Phước Cơ. Bất ngờ, ông Đào Quang Phủ “mắc” bệnh tâm thần, nên ngày 3-8-1999 Viện KSND Tối cao ra quyết định đưa Đào Quang Phủ đi chữa bệnh bắt buộc. Cơ quan Điều tra đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 277/TVA; “tách hành vi của Đào Quang Phủ và những người có liên quan đã sử dụng pháp nhân của EDC giúp Trịnh Vĩnh Bình mua bán sử dụng trái phép nhà xưởng cùng diện tích đất 136,95ha đất tại khu Phước Cơ (Phường 11, TP Vũng Tàu), khi nào Đào Quang Phủ khỏi bệnh sẽ tiếp tục điều tra, xử lí”…
Đến nay, Đào Quang Phủ đã khỏi bệnh tâm thần và những người có liên quan đến vụ án không biết cơ quan chức năng sẽ xử lí ra sao? Chỉ biết rằng, khi Trịnh Vĩnh Bình về Việt Nam đòi lại tài sản thì một số cán bộ thi hành phải đứng trước vành móng ngựa về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, và trước khi vụ án này được đưa ra xét xử, câu hỏi được đặt ra, liệu cơ quan tố tụng có bỏ sót người, lọt tội và đặc biệt là hành vi đưa, nhận hối lộ của Đào Quang Phủ với những nhân vật thuộc Công ty Bình Châu sẽ xử lí ra sao?
3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Một cô giáo bị “tố” “quỵt nợ” đồng nghiệp hơn nửa tỷ đồng. Bài báo phản ánh: Theo đơn tố cáo, chị Nguyễn Thị Nghĩa, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, năm 2010, do có quen cô giáo Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ nên bà Thủy rủ góp vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, chị Nghĩa chỉ cho bà Thủy mượn 55 triệu đồng. Đến năm 2011, chồng chị Nghĩa chết sau một vụ tai nạn, chị cũng đem số tiền phúng điếu, tiền bảo hiểm của chồng đưa cho bà Thủy mượn. Sau đó, bà Thủy hứa mua đất giúp nên chị Nghĩa đưa tiếp 35 triệu đồng nữa.
Ngày 31/10/2011, chị Nghĩa lại đưa thêm cho bà Thủy mượn 100 triệu đồng. Tổng số tiền mà cô giáo Nghĩa cho Thủy mượn lên đến 235 triệu đồng. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần chị Nghĩa đòi lại số tiền này, bà Thủy không chịu trả, còn dọa “xử” đẹp.
Một số giáo viên khác cũng tố cho bà Thủy mượn số tiền lớn, như cô Trần Thị Hạnh, giáo viên mầm non: 55 triệu đồng; cô Phan Thị Bích Thu, giáo viên mầm non: 170 triệu đồng; cô Nguyễn Thị Thu Tĩnh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyến Viết Xuân ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ: 110 triệu đồng.
Tháng 8 vừa rồi, các giáo viên bị bà Thủy lừa gạt hơn nửa tỷ đồng đã có nhiều đơn tố cáo gửi lên Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ và Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, nơi bà Thủy dạy nhờ can thiệp giúp, nhưng chưa nhận được sự giúp đỡ…
Chị Nghĩa gửi đơn kiện ra TAND TP.Tam Kỳ và ngày 28/5, Tòa án này thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Bùi Thị Thủy phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền 235 triệu đồng cho cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa.
Sau đó, cô giáo Nghĩa làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 17/7, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ có quyết định thi hành án buộc bà Thủy phải trả cho bà Nghĩa số tiền 235 triệu đồng và có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Tuy nhiên, bà Thủy “viện cớ” không có tiền trả một lần, chỉ đồng ý trả 3 triệu đồng mỗi tháng.
4. Báo Dân trí có bài Quảng Ninh: Cục Thi hành án báo cáo vụ “Hành trình đòi nhà của cụ già bị cắt thận”. Bài báo phản ánh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản phúc đáp ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục Thi hành án (Bộ Tư Pháp) về vụ “Hành trình đòi nhà của cụ già bị cắt thận” đăng tải trên Báo Dân trí.
Văn bản báo báo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Ngày 10/9/2012, Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh nhận được văn bản số 1800/TCTHADS-GQKN của Tổng Cục hành án dân sự (Bộ Tư Pháp) và văn bản số 103/BBĐ – 2012 của báo điện tử Dân trí về việc chuyển đơn “Kêu cứu khẩn cấp” của ông ông Phạm Ngọc Gia, địa chỉ tổ 25, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Về việc này Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh có báo cáo như sau:
Ngày 24/10/2011, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án TP. Hạ Long ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 01/QĐ-CCTHA đối với bản án số 26/2011/DS-PT ngày 26/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với:
Người bị thi hành án là anh Phạm Ngọc Cường và chị Phạm Thị Liên, cùng trú tại tổ 20Đ, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Người được thi hành án là ông Phạm Ngọc Gia trú tại tổ 25, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Khoản thi hành án buộc anh Phạm Ngọc Cường và chị Phạm Thị Liên được quyền sở hữu ngôi nhà 4,5 trên diện tích 55,9m2 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Phạm Ngọc Cường tại tại tổ 20Đ khu 2 A, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long trả lại cho ông Phạm Ngọc Gia. Ông Phạm Ngọc Gia phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký lại quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Ngày 28/2/2012, Chi Cục Thi hành án TP. Hạ Long ra Quyết định thi hành án số 12/QĐ-CCTHA cho thi hành khoản: ông Phạm Ngọc Gia có trách nhiệm thanh toán công sức đóng góp cho anh Phạm Ngọc Cường số tiền 7 triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Gia đã thi hành xong nghĩa vụ của mình.
Ngày 1/8/2012, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố đã có thông báo số 246/TB-UBND với nội dung thông báo sẽ tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với ông Cường và bà Liên vào 8h30’ sáng 27/8/2012.
Ngày 21/8/2012, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Hạ Long ra quyết định hoãn thi hành án có thời hạn 3 tháng theo yêu cầu tại công văn số 26/TANDTC-DS ngày 17/8/2012 của TAND Tối cao.
III- CÁC NỘI DUNG KHÁC
Báo Điện tử Chính phủ đưa tin Khởi tố Nguyễn Đức Kiên 2 tội cố ý làm trái và lừa đảo. Bài báo đưa tin: Thông tin chính thức ngày 18/9 từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố bị can Nguyễn Đức Kiên về 2 tội: cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Công văn số 555/C41-C46 của Cơ quan cảnh sát điều tra gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 18/9, Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165- Bộ luật Hình sự.
Đồng thời ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139- Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với: Trần Ngọc Thanh – Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội với vai trò đồng phạm.
Các bị can đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra làm rõ vụ án. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng cho biết ngày 17/9, lãnh đạo 3 ngành tư pháp Trung ương đã họp nghe báo cáo về tiến độ, đánh giá tài liệu và chứng cứ thu thập được trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và những người có liên quan.
Trước đó, căn cứ từ đơn thư tố cáo vi phạm của ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) làm chủ tịch, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội Kinh doanh trái phép.