Trong buổi sáng ngày 21/9/2012, một số báo đã có bài phản ánh vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Phải tháo “điểm nghẽn” thể chế để án dân sự có hiệu lực. Bài báo phản ánh: Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc thi hành án dân sự (THADS) còn tồn đọng trước hết là do thể chế của pháp luật về tố tụng và THADS chưa coi trọng công tác bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế. Nếu “tháo” điểm nghẽn này, án tồn đọng chắc chắn sẽ giảm.
Xin kể ba nguyên nhân điển hình dẫn đến án tồn đọng. Thứ nhất, từ khi khởi tố vụ án hình sự, khởi kiện vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động… cho đến khi có quyết định thi hành án dân sự, thời gian này có thể kéo dài từ 2 tháng đến 3 năm và có thể lâu hơn đối với vụ việc phức tạp, thì cơ quan THADS mới bắt đầu tổ chức thi hành án dân sự.
Trong khi đó, tội phạm, hay người có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi…, có thể nói phần lớn không phải là người có ý thức tuân thủ pháp luật tốt. Đối với người có điều kiện THADS thì việc tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án từ khi bắt đầu có quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc có đơn khởi kiện là điều dễ thấy.
Hai là tỷ lệ việc THADS trong bản án hình sự chiếm khá cao hàng năm từ 55 – 65% số quyết định thi hành án dân sự; thế nhưng tội phạm về các tội mà BLHS qui định hình phạt tiền, tịch thu tài sản, nhiều người phạm tội hoàn toàn không có điều kiện để thi hành (không có tài sản, việc làm, thu nhập, đời sống khánh kiệt) ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án; nhưng Toà án vẫn phải tuyên phạt tiền, tịch thu tài sản, án có hiệu lực, cơ quan THA vẫn phải chủ động ban hành quyết định THA theo qui định của pháp luật về THADS và sau đó phải ra quyết định hoãn thi hành; hằng năm phải tiến hành thủ tục xác minh cho đến khi đủ thời gian được miễn giảm mới được đình chỉ thi hành gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án, tốn kém cho ngân sách Nhà nước và giá trị của hình phạt này không có ý nghĩa trên thực tiễn.
Ba là Luật THADS qui định chấp hành viên cơ quan THADS là người chịu trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án đối với các khoản chủ động ra quyết THADS và xác minh điều kiện thi hành án khi có đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án; nhưng qui định của pháp luật về xét miển giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người đang chấp hành hình phạt tù đồng thời phải thi hành án dân sự, chấp hành viên cơ quan THADS không được tham gia; không được lấy ý kiến về điều kiện THADS của người phải THADS đang chấp hành hình phạt tù; cho nên có trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, có điều kiện thi hành về tài sản, chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự, chính quyền địa phương xác nhận cho là ‘hoàn cảnh kinh tế khó khăn’, vẫn được giảm án ra tù trước thời hạn, gây không ít bức xúc cho người được THADS và bất bình trong nhân dân.
Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy chỉ khi nào bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, thì mới được mọi người tôn trọng; mới bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… .
Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Toà án nhân dân được tuyên rõ ràng, chính xác, công bằng, nhưng không được thi hành hoặc thi hành không có hiệu quả, thì bản án, quyết định đó chỉ có ý nghĩa trên giấy, thậm chí còn phản tác dụng, làm cho người phải chấp hành án coi thường pháp luật, thậm chí “nhờn” luật, những người biết rõ việc thi hành án không có hiệu quả, cũng có thể coi thường pháp luật.
Vì vậy, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế, phải là một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật về tố tụng và là mục đích tối thượng của việc xây dựng hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, trong đó có sửa đổi Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan, làm sao đảm bảo những bản án khi tuyên có khả năng thi hành trên thực tế giảm mức tối đa án dân sự tồn đọng
2. Báo Dân trí có bài Vụ cụ già bị cắt thận đi đòi công lý: Chờ quyết định công tâm của TAND Tối cao. Bài báo phản ánh: Sau văn bản trả lời Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có công văn gửi báo Dân trí giải thích vụ chậm thi hành bản án đối với cụ già bị cắt thận Phạm Ngọc Gia đang phụ thuộc vào quyết định của TAND Tối cao.
Sau khi nghiên cứu nội dung công văn, đơn của ông Phạm ngọc Gia và báo cáo của Chi Cục THADS TP. Hạ Long, Cục THADS tỉnh Quảng Ninh trả lời như sau:
Ngày 24/10/2011, Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Hạ Long ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 01/QĐ-CCTHA đối với bản án số 26/2011/DS-PT ngày 26/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với:
Người bị thi hành án: anh Phạm Ngọc Cường và chị Phạm Thị Liên, cùng trú tại tổ 20Đ, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Người được thi hành án: ông Phạm Ngọc Gia trú tại tổ 25, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 28/2/2012, Chi cục THADSTP. Hạ Long ra Quyết định thi hành án số 12/QĐ-CCTHA cho thi hành khoản: ông Phạm Ngọc Gia có trách nhiệm thanh toán công sức đóng góp cho anh Phạm Ngọc Cường số tiền 7 triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Gia đã thi hành xong nghĩa vụ của mình.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục THADS TP. Hạ Long đã nhiều lần đôn đốc việc thi hành án, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban ngành đoàn thể động viên, giáo dục thuyết phục anh Cường, chị Liên tự nguyện thi hành bản án nhưng anh Cường, chị Liên không tự nguyện thi hành với lý do bản án xét xử không khách quan, sai sự thật và liên tục có đơn khiếu nại gửi tới Viên KSNDTC và TAND Tối cao.
Ngày 1/8/2012, Ban chỉ đạo THADS thành phố đã có thông báo số 246/TB-UBND với nội dung thông báo sẽ tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với ông Cường và bà Liên vào 8h30’ sáng 27/8/2012.
Ngày 21/8/2012, Chi cục THADS TP. Hạ Long nhận được công văn số 26/TANDTC-DS ngày 17/8/2012 về yêu cầu hoãn thi hành án. Chi cục THADS TP. Hạ Long đã ra quyết định số 38/QĐ – CCTHA về việc hoãn thi hành án, thời hạn hoãn 3 tháng kể từ ngày 21/8/2012.
Tại Khoản 4 Điều 7 quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS của Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp quy định:
“Trường hợp đơn khiếu nại tố cáo được chuyển, chỉ dẫn, thông báo, trả lời, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng đương sự tiếp tục có đơn đồng thời đề ngửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chỉ lưu đơn”.
Như vậy, đơn của ông Phạm Ngọc Gia đã được báo điện tử Dân trí chuyển đến Chánh án TAND Tối cao, người có thẩm quyền giải quyết vụ án này. Do đó Cục THADS tỉnh Quảng Ninh chỉ lưu đơn theo quy định của pháp luật.
Khi có quyết định mới của TAND Tối cao, Cục THADS tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục THADS TP. Hạ Long thi hành bản án theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, việc thực thi bản án số 26/2011/DS-PT ngày 26/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ninh, trong đó tuyên xử yêu cầu anh Phạm Ngọc Cường hoàn trả lại ngôi nhà tại tổ 20Đ, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho ông Phạm Ngọc Gia đang phụ thuộc tất cả vào quyết định công tâm của TAND Tối cao.
Điều nghịch lý là trước khi ra công văn số 26/TANDTC-DS ngày 17/8/2012 hoãn việc thi hành án, ngày 9/4/2012, TAND Tối cao đã có văn bản số 142/PC-BTK gửi Chi cục Trưởng Chi cụ THADS TP. Hạ Long đề nghị xem xét sớm thi hành bản án phúc thẩm 26/2011/DS-PT ngày 26/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 9/5/2012, TAND Tối cao tiếp tục có công văn số 98/TANDTC-TK gửi Ban chỉ đạo THADS tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét giải quyết đơn của ông Phạm Ngọc Gia đề nghị thi hành bản án phúc thẩm số 26/2011/DS-PT ngày 26/9/2011 của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Những quyết định đối lập nhau cùng xuất phát từ TAND Tối cao đang khiến cho người được thi hành án phải đặt ra nghi ngờ về tính công tâm của văn số 26/TANDTC-DS ngày 17/8/2012 yêu cầu hoãn việc thi hành án.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Thiếu “thuốc chữa” doanh nghiệp chây ỳ thi hành án. Bài báo phản ánh: Trong nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án phải “bó tay” không thể thi hành án vì doanh nghiệp không có tài sản mặc dù vẫn hoạt động bình thường.
Luật Thi hành án (THA) hiện nay không quy định cho cơ quan THA được áp dụng những biện pháp chế tài mạnh đối với những doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động nhưng chây ỳ THA. Điều này dẫn đến một thực trạng là doanh nghiệp, tổ chức phải THA cứ nhởn nhơ hoạt động bình thường, lơ nghĩa vụ THA của mình.
Tháng 7-2012, Công ty N. khởi kiện Công ty P. đòi hơn 100 triệu đồng tiền mua vật tư thiết bị thi công công trình. Trong buổi hòa giải, Công ty P. chấp nhận trả nợ như đơn khởi kiện nên TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Sau khi quyết định có hiệu lực pháp luật, Công ty N. làm đơn yêu cầu THA. Mặc dù Công ty P. vẫn hoạt động bình thường nhưng cơ quan THA không thể thi hành theo những gì mà công ty N. đã yêu cầu vì tài khoản của Công ty P. không có tiền ngoài ít bộ bàn ghế còn lại ở công ty…
Tương tự, tháng 6-2010, bà Đ. ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Văn phòng công chứng D. trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM). Trong quá trình làm việc, hai bên nảy sinh mâu thuẫn nên ngày 15-3-2011, văn phòng công chứng cho bà Đ. nghỉ việc.
Tháng 9-2011, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm, tuyên hủy quyết định của văn phòng công chứng; buộc phía này trả gần 50 triệu đồng cho phía bà Đ. Sau khi nhận đơn yêu cầu THA của bà Đ., chấp hành viên đã trả lại đơn yêu cầu vì văn phòng này không có tài sản, không có tài khoản mở tại ngân hàng (dù văn phòng vẫn hoạt động bình thường).
Chấp hành viên Trần Quốc Khánh, Chi cục THA dân sự quận 8 (TP.HCM), phân tích Luật THA hiện nay vẫn thiếu chế tài đối với những trường hợp nêu trên. Nếu xác định doanh nghiệp đó vẫn còn hoạt động thì chấp hành viên sẽ làm việc với đối tác của công ty phải THA để xem giá trị của hợp đồng hợp tác làm ăn, thanh toán bằng cách nào nhằm lần tìm tài khoản của công ty này. Tuy nhiên, việc này cũng không phải dễ vì chấp hành viên khó mà biết được công ty đó đang làm ăn với đối tác nào. Hoặc như Văn phòng công chứng D. nói trên, họ không thực hiện chuyển khoản mà thu phí trực tiếp bằng tiền thì chấp hành viên cũng không biết đường nào để THA.
Ông Lê Minh Tánh, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 9 (TP.HCM) – nơi trực tiếp thi hành bản án của bà Đ., cho biết cơ quan THA sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế THA trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đó có tài sản mà không chịu tự nguyện THA. Ngược lại, mặc dù doanh nghiệp, tổ chức đó vẫn hoạt động nhưng khi xác minh mà không phát hiện được tiền, tài sản có giá trị thì cơ quan THA buộc phải trả lại đơn yêu cầu THA. Khi phát hiện tổ chức, doanh nghiệp đó có tài sản thì người được THA phải làm đơn yêu cầu THA lại. Trường hợp cụ thể của bà Đ. thì cơ quan THA quận 9 đã xác minh nhưng văn phòng công chứng không có tài sản nên đành chịu…
4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Chấn chỉnh hoạt động 10 tổ chức hành nghề công chứng. Bài báo phản ánh: Ngày 20-9, tin từ Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Sở vừa thông qua kết luận về việc kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật của 10 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2012.
Qua kiểm tra, sở này phát hiện vẫn còn một số sai sót về tổ chức hành chính và hoạt động công chứng như một số văn phòng công chứng chưa minh bạch trong hoạt động thu phí và thù lao công chứng… Ngoài ra, việc áp dụng trình tự thủ tục chung về công chứng hợp đồng giao dịch theo Luật Công chứng, khi kiểm tra 10 văn phòng đều có lỗi với mức độ vi phạm khác nhau. Việc áp dụng pháp luật trong công chứng nội dung hợp đồng, giao dịch hầu hết các văn phòng công chứng chưa đúng với các quy định pháp luật…
Từ kết quả trên, Sở yêu cầu 10 văn phòng phải chấn chỉnh, khắc phục vi phạm. Theo đó, các văn phòng thu phí đúng mức niêm yết; thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi công chứng hợp đồng. Nếu văn phòng nào tiếp tục sai phạm sẽ giao thanh tra xử phạt vi phạm hành chính. Công chứng viên nào sai phạm đến lần thứ hai sẽ bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc đề nghị miễn nhiệm công chứng viên.
5. Báo Hà Nội mới Online có bài Chưa thống nhất cách xử lý 205 lô hàng vi phạm hành chính. Bài báo phản ánh: Ngày 20-9, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các Sở, ban ngành TP Hà Nội có liên quan nhằm tìm hướng giải quyết 205 lô hàng bán đấu giá không thành, là tang vật phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tịch thu sung quỹ nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp), dù đã giảm giá 2 lần theo quy định pháp luật, nhưng những tài sản trên với tổng giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng không có người mua. Dẫn đến tình trạng chất lượng giảm dần, tăng chi phí bảo quản, gây lãng phí cho tài sản Nhà nước.
Qua theo dõi, Sở Công thương cũng khẳng định bất cập này vì các sản phẩm từ dệt may là loại hàng hóa có tính chất thời vụ, sau khi bị bắt, lưu kho thì đã lỗi mốt. Riêng điện thoại di động giá khởi điểm được xác định từ khi bị tịch thu, nhưng đến lúc đưa ra bán đấu đã thay đổi giá trị rất nhiều. Do đó, Sở Tư pháp sẽ đề xuất với UBNDTP Hà Nội sau khi bán đấu giá lần đầu không thành thì cho phép Hội đồng định giá lại giảm giá theo thực tế giá trị tài sản để có thể bán đấu giá thành trong các lần sau. Đại diện Sở Tài chính cũng đồng tình với đề nghị này.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, phương án giải quyết của Hà Nội cần phải căn cứ trên các quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 49, Nghị định 17/2010/NĐ-CP “đối với tang vật, phương tiện VPHC thì sau 2 lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá vẫn không thành thì tổ chức BĐGTS trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định”.
II- CÁC NỘI DUNG KHÁC
Báo Lao động có bài Xô xát khi cưỡng chế làm đường ở Vĩnh Long: Công an xã bắn bị thương 3 phụ nữ. Bài báo phản ánh: Dân không đồng ý giao đất làm đường vì không được bồi thường. Chính quyền tiến hành cưỡng chế, dẫn đến xô xát. CA xã đã bắn đạn caosu bị thương 3 phụ nữ. Vụ việc xảy ra sáng 20.9 tại ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh.
Sáng 20.9, khi PV Lao Động có mặt tại hiện trường, hàng trăm người dân đang bức xúc vây quanh 3 phụ nữ nằm dưới đất, trên người có vết thương đang rỉ máu. Một người dân cho biết: Những người này bị CA xã Mỹ Hòa bắn (đạn caosu) bị thương khi ngăn cản chính quyền cưỡng chế làm đường.
Ông Trương Văn Long (ấp Mỹ Thới 2) kể: Khoảng 7h sáng, có khoảng 20 người gồm CA và UBND xã Mỹ Hòa đến phần đất của một số hộ dân tại ấp Mỹ Thới 2 để tiến hành cưỡng chế. Do không đồng tình, các hộ dân đã ngăn cản, dẫn đến xô xát. Lúc này, người dân nghe nhiều tiếng súng và có 3 người là bà Nguyễn Thị Nhanh, Võ Thị Sang và Nguyễn Thị Loan bị thương. Theo ông Long, những người dùng súng bắn trọng thương người dân là trưởng CA xã và 2 CA viên.
Vụ việc bắt nguồn từ bức xúc của người dân ấp Mỹ Thới 2, khi chính quyền địa phương thi công tuyến lộ đã không bồi thường đất, không có quyết định thu hồi đất, tự ý dỡ nhà, chặt phá cây trồng của bà con.
Được biết, tuyến đường từ trung tâm xã về đến Rạch Chanh đi qua 5 ấp trong đó có ấp Mỹ Thới 2. Chính quyền đã họp dân, có 276/290 hộ bị ảnh hưởng đồng ý hiến đất không nhận bồi thường, 14 hộ yêu cầu bồi thường. UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ di dời nhà 5 triệu đồng/trường hợp, di dời mộ 3 triệu đồng. Theo UBND xã Mỹ Hòa, nếu có trên 95% số hộ đồng ý thì công trình không ngừng lại và ý kiến của cấp trên là tổ chức bảo vệ để thi công.
Chiều cùng ngày, UBND huyện Bình Minh đã tiến hành họp khẩn về vụ việc. Sau cuộc họp, trao đổi với PV Lao Động, ông Ngô Tùng Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Minh – cho biết: Trước mắt, công trình sẽ tạm ngừng thi công cho đến khi có hướng xử lý ổn thỏa. Chủ trương của tỉnh là sẽ tiếp tục vận động các hộ dân hiến đất.