Trong buổi sáng ngày 10/7/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Giao thông công chính Campuchia. Bài báo đưa tin: Chiều ngày 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Campuchia, ông Tram Iv Tek đang có chuyến công tác ở nước ta.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia thời gian qua; cho rằng kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị chung Việt Nam – Campuchia trên các lĩnh vực.
Ông Tram Iv Tek khẳng định, Bộ Giao thông công chính Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã thống nhất, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác về kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa hai nước.
2. Báo VnMedia.vn có bài Hà Nội sẽ lắp camera tại 200 nút giao thông. Bài báo phản ánh: Với tổng kinh phí dự kiến là 1.944 tỷ đồng, trong đó có việc lắp đặt camera tại 200 nút giao thông, Hà Nội kỳ vọng sẽ giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại.
Hôm nay (10/7), Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội chính thức khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng được HĐND xem xét lần này là tờ trình về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2012-2015.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi, thời gian qua, với những giải pháp tích cực như đẩy mạnh cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức, sắp xếp và điều hành giao thông hợp lý; xử lý mạnh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông… tình trạng giao thông đã được cải thiện rõ rệt, một số vị trí ùn tắc giao thông kéo dài cơ bản đã được giải quyết, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 134 điểm xuống còn 89 điểm.
Để giải quyết những bất cập và đạt được mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Thành phố sẽ cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao nhằm giám sát tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm của phương tiện để phục vụ cho việc xử lý các vi phạm bằng hình ảnh.
Thành phố sẽ tổ chức lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông độc lập tại một số nút có mật độ phương tiện qua lại cao, kết hợp với lắp đặt camera giám sát giao thông có kết nối với Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông chung của TP. Dự kiến giai đoạn 2012 – 2015 sẽ lắp đèn điều khiển giao thông độc lập tại 40 nút.
Một biện pháp nữa, đó là Thành phố sẽ tổ chức xây dựng bản đồ điện tử kỹ thuật số để theo dõi, đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông theo thời gian thực (nhất là khu vực trong vành đai 3 và các trục giao thông hướng tâm) nhằm kịp thời tổ chức và điều hành giao thông cho phù hợp, giảm thời gian ùn tắc kéo dài.
Song song với các biện pháp trên, Thành phố sẽ triển khai khảo sát, thực hiện đếm xe tại các trục giao thông chính và tại một số nút giao thông quan trọng nhằm xác định luồng di chuyển của các dòng phương tiện, thành phần, cơ cấu đi lại cũng như mức độ quá tải của hạ tầng giao thông để đề ra các giải pháp tổ chức mang tính tổng thể theo mạng.
Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo hoặc xây cầu vượt đối với các nút giao đã quá tải trầm trọng. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2012 – 2015 sẽ khảo sát, đếm xe cho 50 nút và tuyến đường.
Theo Chương trình, Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức phân làn tách dòng phương tiện trên một số tuyến đường chính có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao và có đủ điều kiện về mặt cắt (Dự kiến giai đoạn 2012 – 2015 sẽ phân làn trên 25 tuyến đường.)
Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu nói trên cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2015 được Thành phố dự kiến là khoảng 1.944 tỷ đồng
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết chính quyền địa phương cũng đề nghị các bộ, ngành T.Ư có biện pháp can thiệp để phía Trung Quốc sớm thả tàu cá, để ngư dân có phương tiện hành nghề, ổn định cuộc sống và yên tâm đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Theo ông Trinh, qua kiểm tra và xác minh có 4 tàu cá của ngư dân thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, trong đó có 2 tàu cá của ông Trần Minh Giữ (57 tuổi) gồm: tàu QNg-94484 TS, công suất 360 CV, do anh Trần Minh Khiêm (29 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 ngư dân; tàu QNg-98648 TS, công suất 150 CV, do anh Võ Quốc Việt (24 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 ngư dân; tàu QNg-94779 TS, công suất 125 CV và tàu QNg-94096 TS, công suất 180 CV do 2 anh em ruột Lục Nghĩa Minh (33 tuổi) và Lục Nghĩa Thành (30 tuổi) làm thuyền trưởng với tất cả là 8 ngư dân.
Chiều 6.7, khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì cả 4 tàu cá này bị tàu của phía Trung Quốc bắt giữ. Đến ngày 8.7, phía Trung Quốc thả tàu cá QNg-98648 TS và QNg-94096 TS cùng 19 ngư dân về nhà.
Theo báo cáo của UBND xã Phổ Thạnh, trước đó vào ngày 2.7, tàu cá QNg-94411 TS (công suất 125 CV) và QNg-44867 TS do anh em ruột Nguyễn Duy Nam (26 tuổi), Nguyễn Duy Việt (28 tuổi, đều ở thôn Thạnh Đức 2) làm thuyền trưởng, trong lúc hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa thì ngư dân Võ Ngọc Thạch (43 tuổi) chẳng may bị tai nạn chấn thương sọ não. 2 tàu cá lập tức chạy về đảo Hải Nam (Trung Quốc) để cấp cứu cho ngư dân Thạch. Chiều 4.7, phía Trung Quốc cho tàu cá QNg-44867 TS chở ông Thạch và 10 ngư dân về, nhưng lại lấy tàu cá QNg-94411 TS.
II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Nhiều khó khăn khi xin cấp lại bản chính giấy khai sinh. Bài báo phản ánh: Nhằm khắc phục tình trạng bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung… Nghị định 158/CP về đăng ký quản lý hộ tịch cho phép cấp lại bản chính Giấy khai sinh (cho cả người Việt, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Quy định này rất thuận lợi cho người dân tuy nhiên, bất cập là ở chỗ số đăng ký khai sinh lại đang lưu giữ ở nhiều nơi khiến cho việc xin cấp gặp nhiều khó khăn…
Về thẩm quyền, Nghị định 158/CP quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh (GKS). Tuy nhiên theo Sở Tư pháp Hải Phòng thì quy định này áp dụng trên thực tế bộc lộ những bất cập.
Ví dụ hiện tại ở Hải Phòng việc quản lý lưu trữ sổ đăng ký khai sinh hiện có ở ba cấp gồm Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tùy theo từng thời kỳ. Chính vì vậy, theo Sở Tư pháp Hải Phòng thì việc UBND huyện cấp lại bản chính GKS trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh chỉ được lưu trữ tại UBND cấp xã đã gặp không ít khó khăn.
Sau khi tiếp nhận yêu cầu cấp lại bản chính GKS đối với những trường hợp nêu trên thì UBND cấp huyện yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin để ghi vào nội dung bản chính GKS. Ở thế này UBND cấp huyện hoàn toàn bị động vì phụ thuộc vào UBND cấp xã. “Thủ tục hành chính trong trường hợp này rất rườm rà, thiếu linh hoạt, mất thời gian của công dân cũng như cơ quan nhà nước”- Sở Tư pháp Hải Phòng đúc kết.
Tương tự, theo quy định tại Nghị định 06/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực quy định: đối với việc cấp lại bản chính GKS thì thẩm quyền là Sở Tư pháp, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh; trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh lưu tại UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, thì Sở Tư pháp yêu cầu UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh cung cấp thông tin liên quan đến nội dung khai sinh để ghi vào bản chính GKS.
Quy định như trên, theo Sở Tư pháp Hải Phòng cũng “gây khó khăn” cho người xin cấp lại bản chính GKS khi chỉ có thể đến Sở Tư pháp để yêu cầu và nhiều trường hợp phải đi xa, mất nhiều thời gian. Đồng thời lại phải xuất trình giấy tờ thể hiện người xin cấp lại bản chính là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp lại bản chính là Sở Tư pháp sẽ rơi vào “quá tải” trong công việc cũng như khó khăn trong việc xác định được việc cấp là đúng thẩm quyền. Cũng như việc cấp lại cho người trong nước, việc phụ thuộc vào thông tin nơi lưu giữ sổ nên sẽ rất mất nhiều thời gian chờ đợi, chi phí hành chính tăng.
Theo Sở Tư pháp Hải Phòng, bản chất của việc cấp lại bản chính GKS là cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào nội dung số gốc đăng ký khai sinh để cấp lại bản chính GKS cho đúng với nội dung sổ gốc. Chính vì vậy Sở Tư pháp Hải Phòng đề xuất nên quy định việc cấp lại bản chính GKS thuộc thẩm quyền của cơ quan đang lưu trữ số gốc đăng ký khai sinh, ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã).
Hiện nay, dự thảo Luật Hộ tịch đang được xây dựng, thay vì cấp GKS và các giấy tờ riêng lẻ như hiện nay, Luật Hộ tịch quy định mỗi cá nhân sẽ có một Sổ hộ tịch. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cấp lại sổ hộ tịch cá nhân trong trường hợp sổ bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Trong trường hợp nhận nuôi con nuôi mà có thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Sổ hộ tịch cá nhân, thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu cấp lại Sổ hộ tịch cá nhân cho con nuôi.
Đặc biệt, dự thảo quy định hộ tịch viên nơi quản lý dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền cấp lại Sổ hộ tịch cá nhân để khắc phục tình trạng người dân phải đi lại, chờ đợi, còn cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ không còn bị động khi thông tin phải “nhờ” cơ quan khác.
Báo cũng có bài Luật sư phải “lụy” cơ quan tiến hành tố tụng?. Bài báo phản ánh: Qui định về cấp Giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa luôn bị các Luật sư (LS) chỉ trích là “rào cản” lớn nhất đối với hoạt động hành nghề LS trong quá trình tham gia tố tụng. Tuy Luật LS (sửa đổi) đã cố gắng “dung hòa”, song sự tồn tại của GCN người bào chữa trong Luật vẫn là vết “gợn” thúc đẩy giới LS tiếp tục “đấu tranh” đòi xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà này.
LS và cơ quan tiến hành tố tụng là hai “đối thủ”, có mục đích khác nhau, một bên gỡ tội và một bên buộc tội. Như thế thật khó để cơ quan tiến hành tố tụng “tạo điều kiện cho LS” tham gia quá trình tố tụng để “ngáng chân”, “chọc ngoáy” vào việc họ buộc tội bị can, bị cáo bằng “những qui định, đề nghị, yêu cầu… luật định”, mà nếu không có LS, bên buội tội có thể bỏ qua để thực hiện nhiệm vụ “thuận buồm xuôi gió”.
Nên từ lâu, tình trạng đòi hỏi thêm giấy tờ, không chấp nhận GCN người bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng khác cấp trong cùng một vụ án, chậm cấp GCN người bào chữa, tùy tiện từ chốc cấp GCN người bào chữa mà không nêu lý do chính đáng… đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cải cách quá trình tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.
Hà Nội có 1.800 LS và gần 800 tổ chức hành nghề LS, song kết quả khảo sát của Đoàn LS TP.Hà Nội (từ ngày 25/6 đến ngày 4/7) về thực trạng LS tham gia bào chữa vụ án hình sự cho thấy, giai đoạn tố tụng nào cũng có trường hợp LS không được các cơ quan tiến hành tố tụng cho phép tham gia tố tụng (qua việc cấp GCN bào chữa).
Bên cạnh đó, giai đoạn điều tra là giai đoạn mà LS nhận được GCN người bào chữa không đúng thời hạn nhiều nhất trong các giai đoạn tố tụng hình sự mà nguyên nhân chủ yếu là LS bị cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ khác ngoài qui định của Điều 27 Luật LS, hoặc cán bộ – Điều tra viên quanh co không nói rõ lý do.
Như vậy, LS – được Nhà nước công nhận và khuyến khích phát triển hoạt động hành nghề – không thể thực hiện được quyền bào chữa của mình chỉ vì… thiếu một tờ giấy. Đồng nghĩa với việc thiếu cơ chế đối trọng, giám sát trong hoạt động tố tụng và nguy cơ oan sai là khó tránh khỏi khi sự thật khách quan của vụ án, hành vi chỉ được nhìn nhận từ một phía “buộc tội”.
Với qui định về GCN người bào chữa (Điều 27 Luật LS sửa đổi), tuy đã đơn giản hóa về thủ tục, tăng hiệu lực của GCN người bào chữa song về hình thức, LS vẫn bị buộc phải “lụy” cơ quan tiến hành tố tụng để được thực hiện quyền bào chữa của mình và quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý và LS, nếu LS đủ tư cách hành nghề (có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp và Thẻ LS do Liên đoàn LS Việt Nam cấp), cùng với yêu cầu LS của bị can, bị cáo hoặc người thân của bị can, bị cáo thì hà cớ gì LS phải xin thêm GCN người bào chữa từ các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong trường hợp này, “chấp nhận” sống chung với GCN, các LS đề nghị “qui định thời gian cấp GCN người bào chữa trong 01 ngày”, bổ sung chế tài với người có hành vi vi phạm qui định về cấp và thời hạn cấp GCN người bào chữa.
Tuy vậy, xuất phát từ yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong tương lai vẫn cần nghiên cứu bãi bỏ quy định cấp GCN người bào chữa để đảm bảo tính chủ động cho LS tham gia vào quá trình tố tụng hình sự theo hướng cải cách tư pháp.
Các cán bộ này không làm thủ tục mai táng, cắt chế độ của 2 người đã chết và chuyển tiền này cho 2 đối tượng không thuộc diện chính sách làm thất thoát 43 triệu đồng của Nhà nước. Sau khi làm rõ, huyện Hương Khê đã kỷ luật cảnh cáo ông Đặng Đức Thanh – cán bộ tư pháp hộ tịch xã và 5 cán bộ gồm Lê Quốc Tường, Trần Thanh Bình, Trần Văn Anh, Trần Thị Liên và Nguyễn Thành Trung mức kỷ luật khiển trách.