mua may tinh cu tai ha noi-- cat gach

Tin hay trên báo , báo chí tin hay , báo hay , tạp chí hay , đặt báo chí hay , cập nhật thông tin báo chí , tin nóng báo chí , báo chí tuyên truyền , put news

dieu hoa noi that gach tranh gạch tranh

Báo chí tin hay 06/06/2012

Báo chí tin hay 06/06/2012

Điểm tin báo chí sáng ngày 06 tháng 6 năm 2012
Trong buổi sáng ngày 06/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:

I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Nhân dân điện tử có bài Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bài báo đưa tin:  Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho tam nông giai đoạn 2006 – 2011.

Thảo luận về vấn đề nói trên, hầu hết các đại biểu cho rằng, đầu tư công cho tam nông thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; bảo đảm an ninh lương thực; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Một số đại biểu cho rằng, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Ðất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trở ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo luật đến nay đã gần hết nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.

Liên quan vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, nhưng rất khó tiêu thụ tại các thị trường lớn do chưa có thương hiệu, hoặc thương hiệu chưa mạnh. Thậm chí, nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam do chưa có thương hiệu quốc tế, nên bị ép giá và khi đưa ra thị trường nước ngoài phải “núp” dưới thương hiệu của các hãng khác. Ðiều này gây thiệt thòi cho người sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng uy tín của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ðại biểu này đề nghị, Nhà nước cần tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp mang tính quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông  nghiệp trong nước vươn xa ra thị trường thế giới, góp phần tăng thu nhập của nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Ðề cập tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng có nhiều tiêu chí rất cứng, chưa phù hợp thực tế. Các đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí phù hợp thực tế và tăng tính khả thi.

Ðể nâng cao chất lượng phát triển khu vực tam nông trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị QH, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan khu vực tam nông; xây dựng chính sách phát triển thị trường; tăng đầu tư cho khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp; có chính sách phù hợp phát triển vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Liên quan nguồn lực đầu tư phát triển khu vực tam nông, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực tam nông.

Một số ý kiến đề nghị, cần rà soát chính sách hỗ trợ người nghèo để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những chính sách không còn phù hợp và ban hành chính sách mới sát với thực tế đời sống.

2. Trang web vtv.vn có bài Vụ việc Đan Mạch dừng viện trợ 3 dự án: Do hiểu lầm”? Bài báo phản ánh: Sau khi có thông tin Bộ Phát triển Đan Mạch quyết định dừng 3 dự án ODA tại Việt Nam do nghi ngờ có bất thường về tài chính, phóng viên VTV đã gặp các đại diện để làm rõ vấn đề này.

Để phục vụ cho dự án ODA “Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và kinh tế xã hội ở miền Trung” do Viện Địa lý, Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam thực hiện, phía nhà tài trợ Đan Mạch đã chấp thuận trang bị xe ô tô. Theo đại diện dự án trên, do xe ít được sử dụng vì chỉ phục vụ cho hoạt động của dự án, nên được bảo quản kỹ càng tại nhà để xe Viện thuê riêng chứ không được sử dụng vào bất kỳ mục đích gì khác.

Đại diện Viện Địa lý, đơn vị thực hiện dự án này có lý do chính đáng để tỏ ra bất bình về thông tin là chiếc xe bị sử dụng sai mục đích cùng với nhiều khoản chi khác.

TS.Nguyễn Đình Kỳ, Viện trưởng viện Địa lý, viện KH-CN Việt Nam cho biết: “Việc quản lý hoạt động của xe được kiểm soát rất chặt chẽ, có hóa đơn, chứng từ thể hiện nơi đi và đến… chỉ phục vụ cho dự án. Còn việc nói chi sai cho việc trả lương và thù lao thì tôi rất tiếc ở đây có sự hiểu nhầm… Việc chi lương và thù lao đã được thông qua cùng các nhà tài trợ Đan Mạch, ở đây trong danh sách hàng chục Giáo sư đầu ngành tham gia dự án, không có ai được hưởng hai lương”.

Đồng quan điểm về việc công ty kiểm toán độc lập Price Waterhouse Coopers có thể đã có những cách hiểu khác, chưa đồng nhất về các hạng mục chi tiêu trong các dự toán của các dự án, đặc biệt là chi lương và thù lao cho các thành viên tham gia, đại diện dự án “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới sử dụng đất ở đồng bằng sông Hồng” khẳng định, không có sai phạm trong việc chi tiêu cho dự án như 10 điểm nghi vấn đưa chi sai 4.4 tỷ đồng mà kiểm toán Price Waterhouse Coopers nêu.

Về thông tin Dự án “Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông của Việt Nam” có nhiều khoản chi mua thiết bị không rõ ràng và chi tiền làm học bổng cho con gái của một điều phối viên dự án đi học ở Đan Mạch, Viện trưởng viện Hải dương học – đơn vị thực hiện dự án cũng cho rằng, có thể đang có sự hiểu lầm trong những kết luận của đơn vị kiểm toán.

Việt Nam hiện là quốc gia châu Á duy nhất mà Đan Mạch đầu tư vào các dự án biến đổi khí hậu. Về mặt chuyên môn và tính khả thi, cả 4 dự án được kiểm toán là có dấu hiệu nghi vấn về tài chính đợt này đều được đánh giá khá cao trong bản báo cáo cuối cùng về một Chương trình hợp tác nghiên cứu sơ bộ về biến đổi khí hậu tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao Đan Mạch công bố tháng 11/2011.

Xin được nhắc lại, đây mới chỉ là những dấu hiệu nghi vấn trong khía cạnh tài chính ở các dự án này được đưa ra theo báo cáo của một cơ quan kiểm toán quốc tế độc lập, còn việc kết luận có hay không sai phạm tại các dự án này cần phải có thời gian để các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, kiểm tra.

Ngày 5/6, Bộ Khoa học – Công nghệ, Đại sứ quán Đan Mạch, đại diện Ban điều hành các dự án và một số bên liên quan sẽ làm việc chính thức tại Hà Nội về vấn đề này.

3. Báo Sài Gòn giải phóng Online có bài Bộ GTVT: “Rút kinh nghiệm” việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Bài báo phản ánh: Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.

Văn bản trả lời chất vấn này được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký ngày 4-6, khẳng định, chức danh Cục trưởng Cục Hàng hải là do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. Trong quá trình thực hiện chủ trương bổ nhiệm, kết quả bỏ phiếu kín tại buổi họp giữa đại diện Bộ GTVT, Bộ Nội vụ và đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương với Hội đồng Thành viên, Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 15-12-2011, tất cả các thành viên hội đồng đều nhất trí với việc điều động và bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng.

Trước khi Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm, các cơ quan liên quan đã thẩm định chặt chẽ theo quy định. Như vậy, việc bổ nhiệm ông Dũng đã được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, quy định của pháp luật. Thời gian từ khi xin chủ trương đến khi ra quyết định là gần 5 tháng.

Liên quan đến những sai phạm của ông Dũng, văn bản của Bộ GTVT công nhận, ngày 16-2, đoàn thanh tra Chính phủ đã trao đổi với lãnh đạo Vinalines về những dấu hiệu sai phạm của tập thể Hội đồng Thành viên Vinalines mà đứng đầu là ông Dũng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm, bộ không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng hay đơn thư khiếu nại, tố cáo về sai phạm của ông này; còn việc điều tra tại Vinalines của cơ quan công an là bí mật, nên bộ hoàn toàn không được biết. “Tuy nhiên, qua việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cũng rút kinh nghiệm là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận”, văn bản viết.

Về chất vấn liên quan đến dự toán xây dựng trụ sở Bộ GTVT với số tiền lên tới hơn 12.000 tỷ đồng trong tình hình kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, ông Đinh La Thăng khẳng định, đề án này được xây dựng trên cơ sở định hướng cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, nguồn kinh phí được dự kiến chủ yếu trên cơ sở nguồn vốn tự huy động.

4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và TP Cam Ranh. Bài báo phản ánh: Ngày 5-6, bên lề hành lang Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân (ảnh) cho rằng việc người Trung Quốc nuôi cá kéo dài ở vịnh Cam Ranh nhưng chính quyền địa phương lại thiếu kiên quyết xử lý là điều đáng lo ngại.

. Phóng viên: Vụ việc người Trung Quốc nuôi cá ở Cam Ranh, quan điểm xử lý của tỉnh Khánh Hòa thế nào?

+ Ông Nguyễn Tấn Tuân: Hiện Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh nắm lại. Cho dù người Trung Quốc là chủ đầm hay chỉ là người làm thuê thì quản lý nhà nước phải rõ ràng chứ không thể làm tùm lum trên đó.

Vấn đề an ninh, quản lý trật tự là trách nhiệm quản lý nhà nước. Hiện tỉnh Khánh Hòa đã giao TP Cam Ranh nắm lại và tiến hành xử phạt hành chính và tiến hành trục xuất nếu người Trung Quốc không có giấy phép khai thác, nuôi trồng thủy sản tại đây.

. Chính quyền địa phương, biên phòng cùng nhiều cơ quan chức năng trên địa bàn để việc này diễn ra trong nhiều năm, việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan trên thế nào?

+ Trách nhiệm ở đây thuộc về chính quyền địa phương. Bộ đội biên phòng tỉnh có báo cáo việc này từ năm 2009, sau đó UBND tỉnh có giao cho UBND TP Cam Ranh báo cáo lại và hiện họ vẫn đang rà soát. Ở đây phải thấy trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Việc tạo điều kiện người dân tự do buôn bán, chuyển giao khoa học kỹ thuật là chuyện bình thường và rất quý nhưng vấn đề là phải quản lý về mặt hành chính. Còn để lao động phổ thông người Trung Quốc vào thì là chuyện khác. Hiện Khánh Hòa cũng có nhiều dự án xảy ra tình trạng này và đã bắt chủ đầu tư trục xuất lao động nước ngoài nếu không xuất trình được giấy phép lao động.

. Như ông nói, vụ việc được UBND tỉnh yêu cầu TP Cam Ranh báo cáo ba năm nhưng lại không đôn đốc, phải chăng chưa đến mức nghiêm trọng?

+ Tôi mới làm công tác lãnh đạo được hai năm và có nghe việc này cũng như đã có ý kiến chỉ đạo. Trên biển rất rộng, đặc biệt là vùng nhạy cảm, nếu chúng ta để sơ suất xảy ra như vậy có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Sau này, khi xem xét kỷ luật cũng phải tính toán trách nhiệm của TP Cam Ranh. TP Cam Ranh phải chịu trách nhiệm trước tỉnh về việc này.

II-NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo VnExpress có bài Đà Nẵng vẫn đang hạn chế nhập cư. Bài báo phản ánh: Do Quốc hội và HĐND TP Đà Nẵng vẫn chưa bác bỏ nghị quyết 23 về hạn chế nhập cư nên chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện quy định này.
Trả lời VnExpress tại buổi giao ban báo chí chiều 5/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, vấn đề hạn chế nhập cư tại hai quận Hải Châu và Thanh Khê theo Nghị quyết 23 của HĐND thành phố phía Quốc hội và HĐND chưa bác bỏ. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công an chủ trì xem xét, rà soát lại nghị quyết này của Đà Nẵng nhưng đến nay chưa có ý kiến. “Vì vậy chúng tôi vẫn đang hạn chế nhập cư theo Nghị quyết 23. Cũng xin nhắc lại quan điểm của thành phố là không cấm nhập cư theo nhiều người nhầm tưởng mà là hạn chế nhập cư đối với những người không có nhà ở, không có công việc ổn định… tại hai quận trung tâm để quản lý tốt hơn, còn tại các quận khác việc nhập cư vẫn diễn ra bình thường”, ông Chiến nói.
2. Báo Người đưa tin có bài Trưởng văn phòng công chứng Hà Nội bị đe dọa. Bài báo phản ánh: Tiến sỹ luật học Lê Quốc Hùng- Trưởng VP công chứng Hà Nội cho biết nhiều ngày nay ông bị một số đối tượng đe dọa về tính mạng, yêu cầu phải bồi thường cho họ hàng trăm triệu đồng. Sự việc nghiêm trọng tới mức C14 Bộ Công an đã phải vào cuộc xác minh, làm rõ nhằm bảo vệ tính mạng của vị tiến sỹ luật học này.

TS Lê Quốc Hùng cho biết tình trạng này đã diễn ra từ nhiều ngày nay, mỗi khi ông Hùng ra khỏi văn phòng là bị các đối tượng bao vây, dùng nhiều lời lẽ đe dọa tới tính mạng ông và người thân trong gia đình. Công an phường và cảnh sát 113 đã từng phải tới để “giải cứu” ông. Điện thoại của ông ngày nào cũng nhận được các cuộc điện thoại đe dọa sẽ “xử” ông và người thân nếu như không giải quyết yêu cầu của các đối tượng này.

Theo trình bày của ông Hùng việc ông bị đe dọa có liên quan tới một hợp đồng ủy quyền do VPCC Hà Nội thực hiện.

3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Tài sản mua đấu giá bị “đóng kho“ vì… kháng nghị. Bài báo phản ánh: Đấu giá xong, tài sản chưa kịp nhận thì đùng cái có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền, sau đó án bị hủy. Vòng quay tố tụng trở lại từ đầu. Đợi được đến khi Tòa phân giải xong phải mất nhiều năm. Người mua đấu giá chẳng biết kêu ai khi không thể tìm ra ai là người có lỗi.

Không những khi cơ quan THA đang xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản… ngay cả khi đã bán đấu giá thành thì cơ quan có thẩm quyền mới… đột ngột ra quyết định kháng nghị.

Tình trạng này đã được nhiều cơ quan THADS phản ánh. Có trường hợp người mua tài sản đấu giá thi hành án từ khi trung tâm đấu giá mới được thành lập (1998) đến nay, tài sản đã chuyển sở hữu sang cho người mua, nhưng họ vẫn không được nhận tài sản.

Một trong những nguyên nhân là bản án sau khi đã thi hành xong vẫn có thể bị nhiều cơ quan có thẩm quyền kháng nghị. Trong khi đó, suốt cả quá trình THA không hề có một văn bản nào để “dừng” kịp thời việc THA, bán đấu giá nếu như họ cho rằng vụ việc có vấn đề cần phải xem xét lại. Cá biệt có những trường hợp cùng một vụ việc, cùng một cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng lại ra hai văn bản khác nhau. Bên thì cho là có căn cứ để xem lại vụ án, còn bên kia thì lại nói không. Cơ quan THA “không biết đằng nào mà lần”.

Đành rằng, việc kháng nghị để xem xét lại các vụ án có “vấn đề” là để đảm bảo sự công bằng của pháp luật, tuy nhiên, việc kháng nghị quá muộn, quá thời hạn cho phép, thậm chí kháng nghị thiếu căn cứ đã làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt không đảm bảo quyền lợi cho người mua được tài sản đấu giá.

Nhiều khách hàng cho biết tiền mua tài sản là tiền họ phải vay mượn với lãi suất cao, trong khi mua được rồi mà vẫn phải chờ đợi cơ quan ra kháng nghị giải quyết vụ việc lại từ đầu thì thật là không công bằng. Có trường hợp khách hàng không đủ kiên nhẫn chờ nhận nhà, vì chưa biết kết luận kháng nghị sẽ đi đến đâu nên họ đã xin nhận lại tiền mua tài sản, chịu thiệt thòi về mình do đồng tiền trượt giá. Tuy nhiên, khi tiền này đã được cơ quan THA đem trả cho người được THA thì việc đòi lại cũng nan giải vô cùng.

Theo quy định của Luật THA: trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì thủ trưởng cơ quan THADS phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị. Tuy nhiên, dù có thông báo đi nữa, theo nhiều cơ quan THA, cũng chỉ “để biết” còn việc xử lý vụ án sau đó ra sao phụ thuộc vào Tòa án.

Sau kháng nghị, nếu quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định của tòa cấp dưới thì mọi việc sẽ dễ dàng. Nhưng nếu án sau lại tuyên ngược án trước thì mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Người mua được tài sản đấu giá giống như vướng vào một mớ bòng bong không lối thoát.

Tại TP. Hồ Chí Minh gần đây “rộ” lên các vụ THA bị kiện liên quan đến chuyện bán đấu giá rồi nhưng không giao được tài sản hoặc quá trình đấu giá có sai sót. Các tòa án thụ lý các vụ kiện này với lý do theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì “tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để THA theo quy định của pháp luật về THADS; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS” đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THADS TP. Hồ Chí Minh thì “vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều tòa án đã thụ lý vụ kiện không đúng, đưa cơ quan THA vào làm bị đơn, gây tâm lý bất an cho anh em chấp hành viên”.

Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang… THA đã phải hầu kiện liên quan đến những vụ bán đấu giá tài sản, trong đó có những vụ bị kháng nghị. Đặc biệt từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì những vụ kiện này đang có xu hướng tăng lên.

Người mua được tài sản đấu giá, họ không cần biết có kháng nghị hay không, chỉ biết rằng họ đã bỏ tiền ra để mua tài sản của cơ quan nhà nước theo đúng thủ tục quy định, nhưng lại không nhận được quyền lợi của mình. Vì thế, việc khiếu nại diễn ra dai dẳng, phức tạp. Nhiều cấp, ngành phải vào cuộc mất nhiều thời gian và công sức nhưng nhiều vụ lại bế tắc. Trong trường hợp này có thể nói THA cũng chính là “nạn nhân” khi họ trở thành bị đơn bất đắc dĩ.

Thận trọng trong kháng nghị, chỉ kháng nghị khi có căn cứ pháp luật, kháng nghị cần kịp thời, đúng luật., đó là những việc cần làm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những vụ THA đã xong, quá trình bán đấu giá tài sản đã kết thúc, việc kháng nghị là không cần thiết, có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương…

Bên cạnh đó, chính bản thân cơ quan THA, đấu giá tài sản cũng cần làm đúng quy trình, tránh việc sơ sót dẫn đến kết quả bán đấu giá bị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị.

Comments are closed.