Trong buổi sáng ngày 18/9/2012, một số báo đã có bài phản ánh những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Lãnh đạo Bộ Tư pháp kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4. Bài báo đưa tin: Ngày 17-9, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp mở hội nghị kiểm điểm, tự phê và phê bình của tập thể ban theo Nghị quyết Trung ương 4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Dự buổi kiểm điểm có tổ công tác của Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị các thành viên Ban Cán sự phát huy dân chủ, soi rọi lại mình, cầu thị, công tâm, khách quan, chân thành, thẳng thắn góp ý kiến cho tập thể và đồng chí. Mỗi người cần dám nói thẳng, nói thật, dám nghe sự thật và dám tự giác nhận những thiếu sót, khuyết điểm nếu có và tự khép mình vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng khi tiến hành tự phê và phê bình.
2. Báo điện tử Chính phủ có bài Sửa đổi Hiến pháp là việc đặc biệt hệ trọng quốc gia. Bài báo đưa tin: Chiều 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề, thảo luận về Dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) – gọi tắt là Dự thảo, cho thấy, nhìn tổng thể, Dự thảo đã bám sát các quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5, khoá XI.
Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi (cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều và kỹ thuật lập hiến) của một bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhằm thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Về nội dung, Chính phủ nhất trí cao với các điểm mới quan trọng của Dự thảo là: đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng như nguyên tắc chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp; nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước với sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Các nguyên tắc này cho thấy Hiến pháp của nước ta vừa thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc với các giá trị chung của nhân loại về Hiếp pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa bảo đảm tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị đặc thù về chính trị – pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Về cơ cấu, bố cục của Dự thảo: vị trí, dung lượng các chương, điều được sắp xếp, điều chỉnh lại khá hợp lý thể hiện rõ 3 nội dung trọng tâm phù hợp với chức năng của Hiến pháp là quy định về chế độ chính trị; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân và tổ chức quyền lực nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng còn một số hạn chế, bất cập như Dự thảo còn thể hiện sự lúng túng trong việc thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Dự thảo vẫn thể hiện tư duy “tĩnh” và chưa tính đến các trường hợp ngoại lệ, nhiều thiết chế được quy định chỉ phù hợp để hoạt động trong điều kiện bình thường, chưa dự liệu được cách thức điều hành đất nước trong những điền kiện đặc biệt mà mọi quốc gia đều phải sẵn sàng đương đầu trong thế giới hiện đại; về kỹ thuật lập hiến, Dự thảo vẫn còn nhiều nội dung được quy định quá chi tiết, làm thay chức năng của các đạo luật; một số điều vẫn giữ nguyên văn phong nghị quyết, nhất là ở Chương I và Chương III, làm giảm phần nào tính quy phạm của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng nêu lên những nhận xét, đóng góp cụ thể về các quy định của Dự thảo Hiếp pháp (sửa đổi) nhằm góp phần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Chính quyền địa phương trong tổ chức bộ máy nhà nước; một số ý kiến góp ý về Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp là việc đặc biệt hệ trọng đối với một quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực vào Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
3. Báo Thanh niên Online có bài Kiểm điểm Chi cục trưởng THA dân sự H.Nhơn Trạch. Bài báo phản ánh: Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Đồng Nai vừa có kết luận về sai phạm đối với ông Trần Văn Dân – Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự H.Nhơn Trạch.
Trước đó, ông Nguyễn Phúc Thịnh là cán bộ Chi cục THA dân sự H.Nhơn Trạch đã gửi đơn tố cáo ông Dân.
Trong quá trình thanh tra, Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai kết luật ông Dân có sai phạm trong việc thu tiền nhưng không ghi vào sổ sách để giữ riêng; sử dụng biên lai đã hết hạn sử dụng để thu tiền của một số tổ chức cá nhân; thu tiền án phí trước khi có quyết định THA, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Theo đó, Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai đã nghiêm khắc kiểm điểm ông Dân, đồng thời chỉ đạo ông này tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo kết quả về Cục THA dân sự tỉnh.
4. Báo Người lao động có bài Mong mỏi. Bài báo phản ánh: “Gom hết đời người vào một mã số”, “số hóa công dân”… Đó là những mong mỏi lạc quan của người dân khi thấy dự án Luật Hộ tịch vừa đưa ra trình Quốc hội (QH) với mục đích vừa dễ dàng hơn cho công tác quản lý lại vừa thuận tiện cho người dân.
Mong mỏi đó rất dễ hiểu bởi mỗi công dân đang phải “cõng” cả chục loại giấy tờ về nhân thân khác nhau, từ loại bất ly thân như CMND, hộ chiếu, bằng lái xe… cho đến những thứ quan trọng không kém như đăng ký kết hôn, khai sinh… Đó là chưa kể các loại giấy tờ, số liệu cá nhân quan trọng khác như hộ khẩu, BHXH, BHYT, mã số thuế cá nhân…
Càng lắm giấy tờ liên quan tới nhân thân sẽ càng gây khó cho cả công tác quản lý Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân. Chưa kể chuyện khó khăn, phiền toái khi không biết phải mang theo loại giấy tờ nào mỗi khi có việc phải tới “cửa quan”. Thế nên, còn gì bằng nếu “gom hết đời người vào một mã số”, “số hóa công dân”… để người dân khỏi thấp thỏm không biết còn thiếu loại giấy tờ gì mỗi khi đến cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, dự án Luật Hộ tịch trình Ủy ban Thường vụ QH mới đây chưa làm rõ được điểm then chốt nhất là thứ giấy tờ mới ra đời này có thể “gom” và thay thế nhiều loại giấy tờ liên quan tới yếu tố nhân thân hay không. Cơ quan soạn thảo dự án luật chưa thể làm rõ cuốn sổ hộ tịch “đẻ ra” từ Luật Hộ tịch sẽ thay thế các loại giấy tờ nhân thân nào.
Chính vì thế, thay vì thuận tiện hơn cho người dân và cơ quan quản lý, sổ hộ tịch có thể lại trở thành một thứ giấy tờ hành chính mới gây thêm phiền toái, rắc rối cho cả người dân và công tác quản lý Nhà nước. Nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Mỗi luật đặt ra một sổ, mỗi nghị định lại thêm một giấy, có phải bắt người dân mang nhiều loại giấy tờ quá hay không?”.
Mục đích về loại giấy tờ có thể “gom” nhiều thứ về nhân thân là tốt nhưng xem ra không dễ hiện thực hóa. Bởi bên cạnh việc chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi… thì điều quan trọng nhất là tư duy quản lý. Hiến pháp ghi rõ những quyền cơ bản của công dân về cư trú, đi lại, học hành… song trên thực tế, việc thực hành những quyền này ít nhiều gặp trở ngại, khó khăn bởi chính các văn bản pháp luật dưới đó như luật, nghị định hay thậm chí là thông tư.
Muốn có một cuốn sổ hộ tịch thuận tiện hơn cho người dân, rất cần thay đổi tư duy quản lý theo hướng bộ máy hành chính phải thật sự phục vụ dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân chứ không phải cốt sao chỉ để quản lý bằng được người dân.
5. Cũng về vấn đề quản lý hộ tịch Báo Người lao động có bài Quản lý bằng sổ hộ tịch: Khó!. Bài báo phản ánh: Việc quản lý bằng sổ hộ tịch tiết kiệm được rất nhiều thủ tục, giấy tờ hành chính nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, vì thế cần được khảo sát thực tiễn kỹ trước khi tiến hành
Theo dự thảo Luật Hộ tịch được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 ngày 13-9, điểm đáng chú ý của dự án luật này là thay vì phải lưu giữ các loại giấy tờ về hộ tịch như hiện nay (giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, cải chính hộ tịch…) thì mỗi người khi sinh ra sẽ được cấp một sổ hộ tịch.
Bên cạnh đó, mỗi công dân Việt Nam sinh ra được cấp số định danh công dân được ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân và các giấy tờ khác theo quy định của Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-9, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Công an, cho biết vấn đề này Bộ Công an cũng đang thảo luận và rất quan tâm vì liên quan nhiều đến hoạt động của bộ. Bộ Công an đang trực tiếp thu thập các dữ liệu về hộ khẩu, dân số, việc làm, cư trú, tình trạng hôn nhân… theo nghị định về quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trước câu hỏi dự luật này ra đời trong bối cảnh Bộ Công an cũng đang triển khai thí điểm mẫu CMND mới, vậy số CMND mới có thể trở thành “số định danh cá nhân” hay không, ông Quân cho rằng số CMND mới hoàn toàn có thể làm được điều này.
“Nếu đã có một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn như bên Bộ Công an đang quản lý thì nên sử dụng cơ sở dữ liệu đó, còn có thêm một hệ thống dữ liệu nữa thì sẽ tốn kém và lãng phí” – ông Quân nhận định. Theo ông Quân, lấy mã số CMND là mã số duy nhất thì sẽ dễ quản lý. Ngay cả mã số thuế, mã bằng lái xe và một số mã số khác cũng nên đưa vào đây để dễ quản lý.
Đại diện Bộ Công an đánh giá việc thực hiện được dự luật này thì công dân có một số thuận lợi, đỡ được nhiều công đoạn. Tuy nhiên, nếu đi đâu cũng cầm một cuốn sổ hộ tịch để giao dịch thì cũng không được tiện lợi lắm. Bên cạnh đó, một số thông tin trong sổ hộ tịch có thể trùng với thông tin thẻ căn cước trong dự án Luật Căn cước công dân đang được xây dựng. Quan trọng nhất là các bộ, ngành phải bàn bạc, phối hợp nhau làm sao để việc triển khai thuận lợi nhất.
Trên khía cạnh quản lý xã hội, kinh tế, ông Phùng Hoàng Cơ, chuyên gia tư vấn quản trị kinh tế – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cho rằng rất cần có một mã số cho công dân. Mã số này sẽ liên kết vào thông tin, con người được cập nhật. Việc quản lý theo hộ khẩu cũng đã lạc hậu, cần thay đổi, nhất là trong thời kỳ mở cửa như hiện nay.
Công dân đang làm việc ở tỉnh này sang tỉnh khác lại thay đổi một loạt giấy tờ rất mất thời gian, công sức. Theo chuyên gia kinh tế này, rất cần lưu trữ thông tin vào một mã số cố định. Vấn đề quản lý không khó, mỗi thời kỳ nhất định, cả nước đều có điều tra về hộ khẩu, dân số nên việc cập nhật thông tin sẽ dễ hơn. Do đó, chuẩn hóa một lần thì sẽ tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm kinh tế khi bộ máy quản lý giấy tờ hiện đang quá cồng kềnh.
TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Khoa Luật Dân sự – Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng nếu chuyển đổi giấy tờ cho cả gần 90 triệu người là một việc không hề đơn giản. Các giấy tờ, dữ liệu quá khổng lồ, liên quan lẫn nhau cần phải xem xét. “Tôi đã xem qua và thấy cách nhìn của dự luật rất văn minh. Thế giới đã làm nhiều song cần phải có khảo sát thực tế tại Việt Nam, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào thiểu số để có cách tiếp cận và giải quyết thích hợp” – ông Cừ nhận định.
6. Báo An ninh Thủ đô có bài Đặt tiền hoặc tài sản thay thế tạm giam: Còn nhiều “lỗ hổng”. Bài báo phản ánh: Sau khi Báo ANTĐ đăng tải loạt bài xoay quanh nội dung dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) đang được Bộ Tư pháp soạn thảo về việc hướng dẫn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam, tòa soạn đã nhận được nhiều hồi âm, ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này.
Nếu cho phép bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam trong trường hợp phạm tội về ma túy rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Còn đối với bị can, bị cáo phạm tội giết người, phạm các tội về xâm phạm quyền sở hữu trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thực tiễn công tác điều tra cho thấy, bị can, bị cáo phạm vào một số loại tội nói trên cũng không nên áp dụng Điều 93 Bộ luật TTHS.
Đối với nhóm tội phạm về chức vụ nên bổ sung quy định loại trừ một số tội phạm về chức vụ như: tội tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số tội như xâm phạm an ninh quốc gia; phạm tội xuyên quốc gia; hoạt động lưu động; buôn bán người;… nếu thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp này sẽ cản trở nghiêm trọng đến quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Nội dung Dự thảo TTLT quy định đối tượng áp dụng đặt tiền, tài sản bảo đảm chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam mà không mở rộng đối với cả đối tượng có khả năng bị tạm giam… nên chưa có sự thống nhất cao về đối tượng áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm. Bởi theo quy định của Điều 93 Bộ luật TTHS thì biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm là “biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam” nên cần được hiểu là có thể được áp dụng đối với cả bị can, bị cáo đang bị tạm giam lẫn bị can, bị cáo có khả năng bị tạm giam.
Dự thảo Thông tư quy định, căn cứ vào khả năng tài chính của bị can, bị cáo, của người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chưa thành niên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền, trị giá tài sản cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm hiệu quả ngăn chặn của biện pháp này. Như thế thì cũng chưa thực sự rõ ràng, thậm chí không minh bạch nếu như cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) không phân minh.
Việc quy định mức tiền đặt để thay thế cho biện pháp tạm giam cũng cần phải được cân nhắc phù hợp với thu nhập và tình hình kinh tế của nước ta chứ đừng làm khó người nghèo. Bởi nếu quy định mức tiền tài sản có giá trị đảm bảo cao quá thì chỉ có người giàu mới có điều kiện áp dụng biện pháp này.
7. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Giám định tư pháp: Phải có thời hạn. Bài báo phản ánh: Mới đây, tại TP.HCM, Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là thời hạn giám định tư pháp, vốn chưa được luật hóa trước đây.
Theo đại diện Cục Điều tra chống tham nhũng (Bộ Công an), dự thảo nghị định cần phải có quy định cụ thể về thời hạn giám định, trách nhiệm của tổ chức giám định và giám định viên trong việc tuân thủ thời hạn để thuận tiện cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Đồng tình, một ý kiến khác cho rằng trên thực tế đã có không ít vụ án vi phạm thời hạn tố tụng, bị tồn đọng, kéo dài từ năm này qua năm khác chỉ vì phải chờ kết quả giám định tư pháp mới có thể tiếp tục giải quyết. Việc quy định thời hạn giám định cụ thể sẽ nâng cao hơn trách nhiệm của tổ chức giám định và giám định viên, giúp cơ quan tố tụng đẩy nhanh được tiến độ giải quyết án hình sự.
Trước đây, trong quá trình soạn thảo dự thảo, có hai quan điểm khác nhau về việc nên hay không nên quy định người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Việc nên hay không nên quy định người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc còn có quan điểm khác nhau.Ảnh: CTV
Theo quan điểm thứ nhất, không nên quy định người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Bởi lẽ trong các lĩnh vực này đã có các tổ chức giám định tư pháp công lập với đội ngũ giám định viên đông đảo.
Ngược lại, nhiều ý kiến nói bản chất của hoạt động giám định tư pháp là ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn. Trong khi đó, thực tế có rất nhiều chuyên gia giỏi, rất nhiều tổ chức chuyên môn có năng lực, có thể tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Vì vậy, không nên hạn chế người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở ba lĩnh vực này.
Bộ Tư pháp đồng tình với quan điểm thứ hai và đưa vào dự thảo nghị định. Đây cũng là hướng được nhiều đại biểu đồng thuận nhất.
Đại diện Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) góp ý: Dự thảo nghị định quy định về việc phối hợp chưa đầy đủ, thậm chí còn có sự chồng chéo. Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giám định cũng cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành.
Ông Trần Thế Hòa (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) cũng nhận xét rất cần sự phối hợp giữa các ngành chủ quản như VKS và tòa án để giải quyết những xung đột pháp lý nếu trong vụ án có các kết luận giám định khác nhau.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đề nghị có quy định để đưa luật vào cuộc sống. Chẳng hạn, có được sử dụng kết quả giám định tiền tố tụng hay không? Nếu sử dụng thì phải có những điều kiện gì? Cơ chế bồi hoàn ra sao nếu giám định viên đưa kết quả sai lệch? Trình tự, thủ tục tiếp nhận giải quyết khiếu nại của của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương trong hoạt động giám định tư pháp như thế nào?
8. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Đại học Luật Hà Nội nỗ lực để “có danh tiếng trong khu vực”. Bài báo đưa tin: Sáng qua (16/9), trong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng năm học mới 2012-2013, ngày thành lập trường 10/11 và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trường Đại học Luật Hà Nội (ĐHLHN) đã trang trọng tổ chức lễ khai giảng khóa 37 đại học hệ chính qui.
9. Báo VietnamNet có bài Tủi nhục thiếu nữ lấy chồng ngoại để báo hiếu. Bài báo phản ánh: “Phận gái miền Tây” vùng sông nước Cửu Long lớn lên có nghĩa vụ báo hiếu, giúp đỡ cha mẹ bằng nhiều cách, trong đó, lấy chồng nước ngoài để có tiền gửi về cho bậc sinh thành nuôi dưỡng mua đất, cất nhà đang là “mốt”.
Tuy nhiên, số phận trớ trêu đang đẩy rất nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài vì chữ hiếu lao vào địa ngục của những ổ mại dâm hay những trận đòn roi của người chồng vũ phu.
Để giải cứu được con, cháu trở về quê hương phải có hàng trăm triệu để chuộc người. Tiền đâu ra ở vùng quê nghèo?
Nạn nhân trong vụ việc gả chồng cho người Trung Quốc, để rồi phải ôm uất ức vào lòng là bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (57 tuổi), phường Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Bà đã gả đứa cháu ngoại nuôi từ thuở tấm bé là Nguyễn Thị Diễm Phúc (23 tuổi).
Tháng 8/2011, Diễm Phúc kết hôn với ông Dong Ji Wo (32 tuổi, quê ở Liêu Ninh, Trung Quốc). Trước ngày cưới, Dong Ji Wo đã quỳ lạy xin hứa với bà Dung: “Sẽ nuôi em Phúc suốt đời, ở quê nhà có xe ô tô riêng, có nhà máy và không lừa dối…”.
Một đám cưới “mát mặt” mẹ cha đã diễn ra tại một khách sạn ở TP. HCM. 2 ngày sau, Diễm Phúc theo chồng về Trung Quốc và hứa đến nơi sẽ gọi điện về. Tuy nhiên, mọi ước mơ đã sụp đổ. Ngay sau đó, Dong Ji Wo lộ rõ nguyên hình là người chồng vũ phu, tàn độc.
Bà Dung như chết lặng người khi cháu báo hung tin. Rồi bà quyết định khăn gói lên TP.HCM để gặp bà Xai Mai, quyết đòi lại cháu.
Nhiều tháng qua, bà Dung vẫn miệt mài sớm hôm đi gõ cửa, kêu cứu từ Công an TP. Cần Thơ đến Công an TP.HCM, nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Người mẹ của Diễm Phúc là chị Trần Thị Diễm Thúy, cầm trên tay tấm hình cưới con gái mà nghẹn ngào, hối hận:
“Tôi giờ thấy hối hận vì bỏ con đi với người khác lúc 3 tuổi. Ngày trước cứ nghĩ là có ngoại thì yên tâm. Giờ cháu nó đang bị hành hạ, tôi khẩn cầu cơ quan có thẩm quyền giải cứu”.
III- CÁC NỘI DUNG KHÁC
Báo Người lao động Online có bài Vụ nhậu linh đình trong giờ làm việc: Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu giải trình. Bài báo phản ánh: Liên quan đến vụ Sở Công thương Vĩnh Long nhậu linh đình trong giờ làm việc, chiều 17-9, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa yêu cầu Sở Công thương làm giải trình về việc trong giờ làm mà cả cơ quan này đi nhậu, đồng thời đề nghị lãnh đạo sở làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì gây dư luận không tốt trong xã hội.
Dự kiến, trong chiều ngày18-9, lãnh đạo Tỉnh ủy sẽ có buổi làm việc với toàn thể cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo Sở Công thương để nghe báo cáo vụ việc.
Trước đó, khoảng16 giờ 15 phút ngày 14-9, một số người dân đến liên hệ làm việc hoặc chứng giấy tờ ở Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long nhưng các phòng ban nơi đây khóa cửa im ỉm, cả bảo vệ cũng không có dù chưa hết giờ làm việc (theo quy định giờ làm việc buổi chiều là từ 13-17 giờ).
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động Online, cả sở này đã đi nhậu tại Hội quán Ngân Vinh (đường Phạm Thái Bường, phường 4, TP Vĩnh Long) từ 15 giờ 30 phút cùng ngày.
Đây là tiệc mừng chia tay Giám đốc Sở Công thương cũ là ông là ông Hồ Văn Huân và mừng tân giám đốc là ông Nguyễn Minh Tho. Tiệc tổ chức rất linh đình với khoảng 20 bàn, các khách mời được chiêu đãi toàn bia lon Heineken.
Ngày 24-8 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã luân chuyển ông Hồ Văn Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương nhận chức Phó Bí thư Thành ủy Vĩnh Long; đồng thời điều động ông Nguyễn Minh Tho, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân làm Giám đốc Sở Công thương.
Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng 2 “quan” trên nhận nhiệm vụ mới đã xảy ra chuyện lùm xùm này.