Trong buổi sáng ngày 20/12/2012, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Chuẩn bị lấy ý kiến dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bài báo phản ánh: Ngày 19-12, Văn phòng Quốc hội cho biết vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về nội dung phiên họp thứ 13 (từ ngày 11 đến 14-12) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Theo đó, tại kỳ họp trên, UBTVQH đã xem xét nhiều nội dung, đã cho ý kiến lần hai dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. UBTVQH đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân bảo đảm dân chủ, công khai, đúng tiến độ, có chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ngoài ra, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc thu, chi tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí theo Tờ trình số 340/TTr-CP của Chính phủ ngày 21-11-2012. UBTVQH đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp nghiên cứu cơ chế quản lý, sử dụng số tiền để lại cho dầu khí và báo cáo UBTVQH tại phiên họp sau.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Thi hành án: Chuyển, rút rồi xếp luôn!. Bài báo phản ánh: Việc thi hành án kéo dài do lúc đầu chi cục THA quận Gò Vấp ủy thác cho Chi cục THA quận 3, sau đó rút lại rồi đình chỉ thi hành.
Đầu năm 2009, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản chung sau khi ly hôn giữa ông Hùng và bà H.
Tòa án xác định căn nhà tại quận Gò Vấp là tài sản chung nên chia mỗi bên 1/2. Bà H. được sử dụng một quầy sạp chợ nhưng phải bù cho ông Hùng 20 triệu đồng. Đồng thời, bà H. phải hoàn lại cho ông Hùng hơn 19 triệu đồng là số tiền mà ông Hùng đã trả nợ cho ngân hàng.
Sau đó cả hai bên gửi đơn yêu cầu THA. Giữa năm 2010, khi Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp đang chuẩn bị THA thì viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị bản án với lý do chưa đủ cơ sở xác định căn nhà là tài sản chung. Ngày 27-8-2010, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy phần căn nhà được xem là tài sản chung và giao cho TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm lại. Riêng các phần khác trong bản án phúc thẩm vẫn giữ nguyên.
Ngày 12-10-2010, Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp ra quyết định THA yêu cầu bà H. phải thi hành cho ông Hùng gần 40 triệu đồng (phần này trong bản án không bị kháng nghị). Sau khi xác minh sạp chợ nằm ở quận 3, Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp đã ủy thác cho Chi cục THA dân sự quận 3 THA số tiền này.
Đầu năm 2011, khi Chi cục THA dân sự quận 3 đang tổ chức THA theo sự ủy thác thì… Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp ra quyết định thu hồi quyết định ủy thác nói trên.
Tiếp đó, ngày 5-7-2011 Chi cục THA quận Gò Vấp ra quyết định đình chỉ THA. Ông Hùng đã khiếu nại việc này.
Ngày 3-10-2012, Cục THA dân sự TP.HCM đã ra quyết định chấp nhận đơn khiếu nại của ông Hùng. Cục yêu cầu chi cục trưởng Chi cục THA dân sự Gò Vấp thu hồi hai quyết định đã ban hành và thực hiện việc THA theo đúng quy định.
“Tới đây tưởng là xong nhưng tới nay Chi cục THA dân sự Gò Vấp vẫn chưa làm theo chỉ đạo của cấp trên” – ông Hùng bức xúc nói.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Minh Nhân, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự Gò Vấp, cho biết: “Chúng tôi đang xin ý kiến của Phòng nghiệp vụ Cục THA dân sự TP.HCM để giải quyết dứt điểm vụ việc.
3. Báo Người đưa tin có bài “Cần có luật cho việc mang thai hộ”. Bài báo phản ánh: Nhiều chuyên gia pháp lý thừa nhận việc mang thai hộ trên thực tế vẫn xảy ra, vì vậy cần phải siết chặt để tránh hiện tượng tranh chấp, lạm dụng và đi ngược lại bản chất xã hội.
Trước đây, khi xây dựng Nghị định 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc sinh con theo phương pháp khoa học, các nhà làm luật đã nghĩ đến vấn đề mang thai hộ và băn khoăn chuyện có nên đưa vào luật hay không. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, câu chuyện này là rất nhạy cảm vì nhiều lý do, nên mang thai hộ đành “đứng ngoài” Nghị định.
Cũng chính vì vậy, luật HN&GĐ hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ; Nghị định số 12 về sinh con theo phương pháp khoa học cấm mang thai hộ nên tất nhiên những hậu quả pháp lý do hành vi này mang lại cũng không được pháp luật đề cập tới. Trong khi đó, thực tế cuộc sống đã và đang diễn ra rất nhiều cuộc thỏa thuận mang thai hộ, đẻ thuê và đã có không ít vụ dẫn đến những tranh chấp “dở khóc dở cười”. Vấn đề mang thai hộ vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong việc có nên được pháp luật công nhận hay không.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Trong luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam không có một điều khoản nào quy định về việc mang thai hộ và vấn đề này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Sở dĩ vậy vì nó không phù hợp với truyền thông và đạo đức của người Việt Nam, gây ra những tranh chấp dân sự về quyền nuôi con, thừa kế tài sản, gene di truyền, họ của đứa trẻ…
Luật sư Tiến phân tích, thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ, có nhiều ý kiến cho rằng nên kiểm soát bằng cách đưa vào luật hơn là để nó xảy ra trên thực tế rồi sau đó phải công nhận hậu quả (dưới hình thức hợp thức hóa thủ tục để đứa con được sinh ra là con nuôi hoặc con đẻ của người nhờ mang thai hộ). Vì vậy, nếu mang thai hộ tiềm ẩn nhiều phát sinh phức tạp đáng lo ngại nên việc cấm là cần thiết. Tuy nhiên, mang thai hộ cho những trường hợp hiếm muộn, không có yếu tố thương mại thì cần được xem xét hợp lý.
Thực tế đã cho thấy, mang thai hộ vẫn tồn tại và gây ra nhiều hậu quả pháp lý phát sinh không giải quyết được. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần có những quy định cụ thể theo hướng cho phép mang thai hộ trong những trường hợp đặc biệt và cấm tuyệt đối việc “đẻ thuê”.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc cho phép mang thai hộ sẽ kéo theo hiện tượng nhiều phụ nữ vì những lý do không chính đáng khác mà áp dụng biện pháp này, ví dụ như sợ sinh con cơ thể xấu đi, sợ tốn thời gian. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ nở rộ không kiểm soát được. Qua các cuộc thảo luận sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều ý kiến mong muốn luật hóa việc mang thai hộ. Phần đông, hầu hết các ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép trong phạm vi gia đình, tức người được nhờ mang thai hộ là chị hoặc em của người nhờ mang thai hộ để tránh những tranh chấp phức tạp về sau. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhân bản nên các nhà làm luật phải thật thận trọng.
“Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này. Nếu cha mẹ hiếm muộn muốn có con thì các biện pháp y tế hiện đại có thể hỗ trợ sinh con. Hoặc trường hợp không thể có con thì có thể đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ không xác định được bố mẹ đẻ (trẻ bị bỏ rơi) để làm thủ tục theo pháp luật việc nhận con nuôi. Xã hội Việt Nam đã quá phức tạp trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, đừng sinh thêm các tranh chấp con do việc đẻ thuê sinh ra”, luật sư Tiến bày tỏ.
II- THÔNG TIN KHÁC
1. Báo Pháp luật và Xã hội có bài Doanh nghiệp khốn đốn – Bộ Công Thương có “lạm quyền”?. Bài báo phản ánh: Một lần nữa, ông Lê Biên Cương lại đưa ra lý do phải báo cáo nội dung vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, theo công văn trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT thì trong trường hợp này, không phải báo cáo Thủ tướng.
Bộ Tư Pháp; Bộ Công An và Bộ NN&PTNT đã có Công văn thể hiện ý kiến không đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương về việc Bộ này đề nghị Cty TNHH Đầu tư phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam (VINAFADICO) phải báo cáo với Thủ tướng và Bộ Công Thương để Bộ này có cơ sở cấp phép nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ 751, dù thẩm quyền cấp phép thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khiến cho doanh nghiệp này có nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng.
Sau khi nhận được phản ánh của VINAFADICO và các văn bản trả lời của Bộ Tư Pháp; Bộ Công an, Bộ NN&PTNT đồng ý với những nội dung liên quan đến thẩm quyền cấp phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ 751 thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và DN cũng không cần phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Nhưng một lần nữa, Bộ Công Thương lại “cố đấm” bằng Công văn số 12091/BCT-TMMN ngày 12-12-2012 gửi UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ Tài Chính; Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam. Trong công văn Bộ Công Thương cho rằng, chưa đủ cơ sở để cho phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia, bởi những lý do sau: Bộ Công Thương chưa nhận được công văn của Bộ Thương mại Campuchia thông báo đồng ý cho phép Cty AngKor Plywood Co của Campuchia được phép xuất sang Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chưa nhận được hồ sơ xin phép nhập khẩu gỗ của VINAFADICO. Chính vì chưa đủ điều kiện để được cấp phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia, nên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chưa có cơ sở quyết định cho DN vận chuyển gỗ qua cửa khẩu phụ, lối mở 751.
Theo như Công văn số 12091 của Bộ Công Thương trả lời về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ 751 thuộc về Bộ Công Thương, điều này hoàn toàn trái ngược với chính Thông tư 13 của Bộ Công Thương ban hành. Bởi lẽ, theo Thông tư số 13 thì thẩm quyền cấp phép nhập khẩu trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đồng thời DN cũng không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng không hiểu sao, dù Thông tư 13 của chính Bộ Công Thương nêu rõ như vậy nhưng Bộ Công Thương vẫn “cố tình” yêu cầu VINAFADICO phải báo cáo và gửi hồ sơ lên Bộ Công Thương để Bộ này cấp phép, khiến cho DN rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn khó?
Đó là trả lời của ông Lê Biên Cương- Vụ phó Vụ TM-MN(Bộ Công Thương) với PV báo PL&XH vào chiều hôm qua 18-12-2012 về hướng giải quyết liên quan đến việc thẩm quyền cấp phép nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ 751 đối với VINAFADICO. Ông Cương cũng cho biết thêm: “Hiện nay, Bộ Công Thương đang họp về nội dung này, khi nào có kết luận sẽ thông tin cho báo chí sau”.
Một lần nữa, ông Lê Biên Cương lại đưa ra lý do phải báo cáo nội dung vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, theo công văn trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT thì trong trường hợp này, không phải báo cáo Thủ tướng. Chính vì những động thái có vẻ “lạm quyền” này đã khiến cho một DN làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đang có nguy cơ “phá sản”. Bởi nếu không được giải quyết các thủ tục trước ngày 31-12-2012, thì VINAFADICO sẽ bị đối tác “xử phạt” với lý do phá vỡ hợp đồng và như vậy, việc làm của chính Bộ Công Thương vô hình trung không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện hết mức cho các DN, góp phần thúc đầy sự phát triển của đất nước!
2. Báo Tuổi trẻ Online có bài Lập kế hoạch thanh tra việc “chạy” công chức 100 triệu đồng. Bài báo phản ánh: Chiều 18-12, thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết các cơ quan chức năng TP Hà Nội đang xin ý kiến chủ tịch UBND TP để lập kế hoạch triển khai chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra, kiểm tra vấn đề tiêu cực trong thi tuyển công chức.
Vấn đề này được đại biểu HĐND TP Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, nêu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.
Cùng ngày, tại hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, đề cập vấn đề này, ông Phan Đăng Long, phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nói: “Việc đồng chí Dực (Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội – PV) dẫn chứng cụ thể việc thi tuyển vào công chức thủ đô không dưới 100 triệu, bản thân chúng tôi thấy một đồng chí lãnh đạo thông tin trong một kỳ họp HĐND TP như vậy không phải không có căn cứ. Chắc chắn với cương vị và trách nhiệm thì không phải tự nhiên mà đồng chí ấy nói, không phải tự nhiên mà đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ TP giao cho đơn vị nào chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra”.