01.01.2013 Ban Quốc tế (Báo Lao Động) bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2012.
1. Trung Quốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Ngày 15.11, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đã bầu ra thế hệ lãnh đạo thứ 5, trong đó Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư. Ngay sau khi ra mắt ban lãnh đạo mới, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tuyên bố chống tham nhũng một cách quyết liệt. Thông điệp mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra sau vụ bê bối gây chấn động dư luận khiến Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai mất chức, còn vợ ông – bà Cốc Khai Lai vào tù vì tội giết người.
2. Tổng thống Putin trở lại Điện Kremlin. Ông Putin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 4.3 với số phiếu 64% và trở lại cương vị lãnh đạo cao nhất Liên bang Nga, trong khi tổng thống tiền nhiệm Dmitry Medvedev trở thành Thủ tướng.
Buổi lễ nhậm chức của ông Putin hồi tháng 5 được cho là tiêu tốn khoảng 26 triệu rúp (878.400USD), với khoảng 1.000 khách mời.
3. Tổng thống Mỹ Obama tái đắc cử. Trái với mọi dự đoán về một cuộc bầu cử sít sao, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thắng cử dễ dàng khi giành 303 phiếu đại cử tri so với 203 phiếu của đối thủ Mitt Romney. Trong nhiệm kỳ mới, ông Obama cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại với trọng tâm điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ đã được Tạp chí Time bình chọn làm “Nhân vật năm 2012” như một biểu tượng và động lực cho sự thay đổi tại Mỹ.
4. Ông Kim Jong-un kế nhiệm cha. Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, người con út của ông là Kim Jong-un được đưa lên kế nhiệm cha hồi tháng 2.2012. Sau khi lên cầm quyền, ông Kim Jong-un đã xây dựng hình ảnh như một nhà lãnh đạo cởi mở như tổ chức hòa nhạc theo phong cách phương Tây, mở cửa hàng pizza, cho phép người dân dùng di động, thường xuyên đưa người vợ trẻ tháp tùng. Song ông Kim Jong-un cũng tiến hành một loạt quyết sách để khẳng định quyền lực như thay thế 1/3 lãnh đạo quân đội; 2 lần phóng tên lửa vệ tinh khiến phương Tây náo loạn.
5. Hàn Quốc có nữ tổng thống đầu tiên. Là con gái của nhà độc tài Park Chung-hee – một nhân vật gây tranh cãi nhất Hàn Quốc thời hiện đại – bà Park Geun-hye đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử hôm 19.12 và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Bà cam kết sẽ nỗ lực để không ai bị cô lập khỏi thành quả của sự tăng trưởng kinh tế, và sẵn sàng nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
6. Myanmar thúc đẩy cải tổ chính trị. Năm 2012 đánh dấu bước nhảy vọt trong tiến trình cải cách chính trị và kinh tế ở Myanmar, gồm tổ chức bầu cử bổ sung với chiến thắng của đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi; tổng ân xá cho hơn 200 tù chính trị; nới lỏng kiểm duyệt báo chí và chính sách tiền tệ… Liên minh Châu Âu, Australia và Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar. Ông Obama cũng đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Myanmar hồi tháng 11, dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với quốc gia này.
7. Căng thẳng chủ quyền lãnh hải tại Châu Á. Yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á đã gây sóng gió tại diễn đàn Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7.2012, khiến nó lần đầu tiên kết thúc mà không có thông cáo chung. Việc Trung Quốc tự ý thành lập thành phố Tam Sa trong vùng biển đảo của Việt Nam, phát hành hộ chiếu “lưỡi bò”, tuyên bố sẽ lục soát và trục xuất tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo cũng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.
8. Khủng hoảng nợ công Hy Lạp. Năm 2012 đánh dấu mốc tồi tệ nhất đối với khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, khi nước này bị đẩy đến bờ vực phá sản, nguy cơ phải rời bỏ Liên minh Châu Âu, bất đồng chính trị sâu sắc và làn sóng biểu tình bạo lực lan tràn. Bài học khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp khiến các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã quyết định thiết lập cơ chế giám sát duy nhất đối với hệ thống ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nhằm chế ngự khủng hoảng.
9. Khủng hoảng Syria leo thang. Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập ở nước này leo thang nghiêm trọng làm hơn 42.000 người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải đi lánh nạn.
Các nước lớn vẫn bất đồng và chia rẽ sâu sắc, trong khi Liên Hợp Quốc chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng.
10. Xả súng tại Connecticut, Mỹ. Ngày 14.12, dư luận Mỹ chấn động trước vụ xả súng tại Trường Tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut của Mỹ, làm 20 học sinh và 6 người lớn thiệt mạng. Hung thủ 20 tuổi đã tự sát và bắn chết mẹ đẻ tại nhà.
Vụ thảm sát khiến Tổng thống Obama cam kết sẽ ủng hộ dự luật siết chặt việc sở hữu súng tại Mỹ. Trong ảnh, các học sinh sống sót xếp hàng rời khỏi trường sau vụ thảm sát.