Trong buổi sáng ngày 30/11/2012, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin nổi bật và những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:
I- THÔNG TIN NỔI BẬT
Báo Điện tử Chính phủ có bài Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2012. Bài báo đưa tin: Ngày 29/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012.
Theo đó, về giá cả và lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước. Như vậy, tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Trung ương, Quốc hội có khả năng thực hiện được.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012, tạo đà cho năm bản lề 2013.
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa, xăng dầu, thực phẩm.
Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất theo chiều hướng giảm dần của lạm phát, cho đây là việc làm thiết thực, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa là để kích thích kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Rà soát các khoản thu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN như đã được Quốc hội thông qua. Tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu, hàng tồn kho mà trực tiếp là bất động sản.
Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thị trường, giá cả, tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá, chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ cho dịp Tết. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo; kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm trong thực phẩm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Tết nguyên đán, trong đó lưu ý tới tới thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình Tết cho người nghèo; kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; triển khai hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cuối năm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó phải chấm dứt cho được tình trạng nhập gia súc, gia cầm lậu.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhất là những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm; phát huy các hình thức thông tin hiệu quả đang được thực hiện như đối thoại trực tuyến, Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012.
*Tại phiên họp này, Chính phủ cũng xem xét, thảo luận về Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012 – 2020, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
II- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Báo Lao động có bài Nguyên chi cục trưởng bị đề nghị truy tố 2 tội danh. Bài báo phản ánh: Ngày 26.11, Cơ quan điều tra- VKSND Tối cao đã tống đạt bản kết luận điều tra đến các bị can và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ án “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy (THABT).
Theo kết luận, nguyên Chi cục trưởng Lê Tuấn Kiệt bị đề nghị truy tố 2 tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”; nguyên Phó Chi cục trưởng Đinh Hoàng Minh bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
2. Báo Quân đội nhân dân có bài Nỗi khổ mua nhà… đấu giá. Bài báo phản ánh: Mua được ngôi nhà theo hình thức đấu giá do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An tổ chức, thế mà đã hơn một năm trôi qua, anh Nguyễn Đức Hà, trú tại phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An vẫn chưa thể nộp hết tiền để nhận bàn giao căn nhà. Quá bức xúc, anh Nguyễn Đức Hà đi tìm hiểu thì mới “té ngửa” bởi vì đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể thu hồi được nhà để bàn giao cho chủ mới…
Ngày 22-2-2011, anh Nguyễn Đức Hà cùng với 3 người khác đăng ký tham gia đấu giá tài sản do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (DVBĐGTS) thuộc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An tổ chức. Tài sản được đấu giá là một căn nhà tại địa chỉ khối Tân Thành, phường Lê Mao, TP Vinh.
Anh Hà là người trúng đấu giá hợp pháp căn nhà trên với giá 724.111.000 đồng. Sau khi nộp trước 108.000.000 đồng tiền mua nhà và nộp đủ các loại lệ phí theo quy định, anh Hà yên tâm chờ ngày đóng đủ tiền, nhận tài sản đã mua được. Nhưng đã hơn một năm trôi qua, anh Hà vẫn không được nhận tài sản đã đấu giá, dù đã nhiều lần làm đơn gửi đến Trung tâm DVBĐGTS cũng như các cơ quan chức năng khác, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Được biết, căn nhà này trước đây thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Soa, trú tại khối Tân Thành, phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An. Bà Soa là bị đơn trong một vụ án dân sự và ngôi nhà này là tài sản bảo đảm thi hành án của bản án dân sự sơ thẩm số 05/208/DSST ngày 27-8-2008 của Tòa án nhân dân TP Vinh. Ngày 29-7-2010, tức là sau 2 năm bản án này có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Vinh đã tiến hành kê biên căn nhà này để bảo đảm việc thi hành bản án. Trong thời gian kê biên tài sản, bà Nguyễn Thị Soa không thực hiện việc thi hành án, nên ngày 13-9-2010, Chi cục THADS TP Vinh đã ký hợp đồng số 99, với Trung tâm DVBĐGTS Nghệ An để bán đấu giá ngôi nhà này.
Dựa vào các công văn, quyết định trả lời của các cơ quan chức năng và tính pháp lý của hồ sơ tài sản này, ngày 11-6-2012 (4 tháng sau khi tài sản đã được bán đấu giá), Chi cục THADS TP Vinh đã lên kế hoạch cưỡng chế, gửi giấy mời đến các cơ quan liên quan để họp bàn, thông qua kế hoạch cưỡng chế tiến hành thi hành án đối với căn nhà của bà Nguyễn Thị Soa. Nhưng không hiểu tại sao cuộc họp này bỗng dưng bị hủy bỏ trước một ngày. Ngày 14-6-2012, Chi cục THADS TP Vinh đã có Công văn số 87/CV-CCTHADS gửi đến Cục THADS tỉnh Nghệ An, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc. Nhưng mãi đến nay (đã hơn 4 tháng), phía Cục THADS tỉnh Nghệ An vẫn chưa có hồi âm về việc này.
Căn cứ vào các hồ sơ, thì việc tiến hành kê biên và tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm thi hành án diễn ra đúng quy trình của pháp luật. Tài sản bán đấu giá đã xong, chủ mới yêu cầu được nộp nốt số tiền còn lại và nhận nhà nhưng vẫn không được giải quyết. Sự chậm trễ này đã gây bức xúc cho người trúng đấu giá và dư luận xã hội ở địa phương. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Cục THADS tỉnh Nghệ An sớm có công văn, hướng dẫn Chi cục THADS TP Vinh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân.
3. Báo Đại đoàn kết có bài Bỏ công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản: Mở lối cho tranh chấp về đất đai?. Bài báo phản ánh: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến có quy định: “Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, được thực hiện theo nhu cầu của các bên…” (khoản 2, Điều 151) được cho là để thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, song lại gây ra những quan ngại về sự an toàn cho các giao dịch nhà đất đang được “bảo lãnh bằng thủ tục công chứng theo pháp luật hiện hành.
Trong điều kiện hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân còn thấp, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu lực chưa cao, khả năng “hậu kiểm” của các cơ quan chức năng còn cần phải tiếp tục kiện toàn… thì những hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất không thể “thả rông” cho các bên tự ý quyết định mà cần được quản lý hết sức chặt chẽ. Ông Trần Công Trục (Trưởng VPCC Đông Đô) cho rằng, “các giao dịch về nhà đất có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, nên nếu lược bỏ đi bất kỳ một thủ tục, trình tự, điều kiện nào hiện có thì chỉ có thể làm cho tình trạng tranh chấp về đất đai, nhà ở vốn đã rất phức tạp càng thêm phức tạp hơn, gây nguy hại to lớn đến an sinh xã hội và sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế”.
Cũng “nhìn thấy” trước những nguy hiểm nếu thủ tục công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản bị lược bỏ, ông Đỗ Văn Vẻ (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen – tỉnh Thái Bình) đề nghị không bỏ thủ tục này trong các hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bởi “trong thực tiễn hiện nay vẫn diễn ra nhiều các giao dịch ngầm, chui như mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực sẽ phát sinh một loạt các tranh chấp, tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền, tòa án, tiềm ẩn mất ổn định trong nhân dân”.
Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, bà Nông Thị Bích Liên (Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) phân tích: “đất đai là hàng hóa đặc biệt nên việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để quản lý chặt chẽ và đảm bảo người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất là cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất”.
Luật đất đai hiện hành quy định bắt buộc phải công chứng đối với hợp đồng giao dịch về nhà đất, bắt buộc mà còn phát sinh nhiều tranh chấp nên “thả” ra như dự thảo Luật, người dân sẽ mua bán tùy tiện mà không cần cơ quan nào chứng nhận. Điều này dẫn đến một tài sản có thể đem bán cho nhiều người, thậm chí chữ ký còn bị giả mạo để lừa đảo, thu lợi mà không có ai kiểm soát. Do đó, như ông Nguyễn Thanh Tú (Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) nhận định, công chứng giúp kiểm chứng, sàng lọc các hợp đồng, giao dịch hợp pháp nên “bỏ công chứng, người dân sẽ tùy tiện mua bán và dễ bị lừa”.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng loại hình dịch vụ công này. Trên 600 tổ chức hành nghề công chứng, với số lượng công chứng viên rất đông đảo. Tại những địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, người dân có nhu cầu, có thể đến UBND cấp xã để chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất.
Vì thế, như ông Trần Công Trục cho rằng, cần trao đổi sâu hơn nữa, toàn diện hơn nữa về những đề xuất sửa đổi Luật Đất đai có liên quan đến hoạt động của các tổ chức công chứng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò tích cực của công chứng đã được xã hội thừa nhận với tư cách là một dịch vụ pháp lý đăc biệt, bổ ích, một dịch vụ mang tính nhân văn cao cả, gắn bó với đời sống của từng con người và tổ chức cộng đồng.
III- THÔNG TIN KHÁC
1. Báo điện tử Chính phủ có bài Họp trực tuyến nhân rộng cơ chế một cửa tại cấp huyện. Bài báo đưa tin: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề nghị của Bộ Nội vụ về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện.
Được biết, theo số liệu tính đến tháng 5/2011, đa số các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, đối với cấp huyện, có 686 trên tổng số 697 đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 98,5%.
Ở cấp tỉnh, có trên 1.106 trên tổng số 1.252 đơn vị (các sở, ban, ngành) đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 88,3%.
Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng nền hành chính phục vụ, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc.
Triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được các địa phương áp dụng với các lĩnh vực và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân và tổ chức, như: đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, lao động- thương binh và xã hội, xây dựng, chứng thực, thuế, hải quan, giải tỏa, bồi thường và tái định cư.
2. Báo VietnamNet có bài DNNN thua lỗ ngàn tỷ vẫn xếp hạng A. Bài báo phản ánh: Không ai biết chính xác hiệu quả, đưa ra những cảnh báo sớm về những sai phạm, thua lỗ của các DNNN. Nguyên nhân đơn giản là giám sát quá yếu kém. Có nhiều đầu mối nhưng không ai nắm rõ về các DNNN.
Một người theo sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương than phiền: “chúng tôi được giao tổng hợp thông tin về DNNN nhưng không Bộ nào có đủ thông tin và đánh giá đều phải dựa vào các báo cáo của DN gửi Bộ Tài chính”.
Chuyên gia này nói: “Chính vì thiếu minh bạch nên các chủ sở hữu Nhà nước rất khó kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh của mình tại các DN. Thậm chí đối với từng DN cụ thể, rất khó nắm bắt các thông tin một cách kịp thời, chính xác, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty”.
Theo ông Trung, ngay cả Chính phủ, hiện cũng chưa có hệ thống báo cáo tổng hợp toàn bộ các DNNN trong nền kinh tế để có thể minh bạch hóa và cung cấp thông tin cho công chúng, Quốc hội. Vì vậy, chúng ta không có được bức tranh rõ ràng về hiệu quả và sự phát triển của khu vực này”.
Về phương diện tài chính, ông Trung cũng khẳng định: hiện không ai có thể biết chính xác hiệu quả tài chính và giá trị của DNNN trong toàn bộ nền kinh tế như thế nào, bởi Việt Nam chưa từng đánh giá giá trị của DNNN 100% vốn theo giá thị trường.
Tiền kiểm và hậu kiểm đối với hoạt động của DNNN đều đang có quá nhiều khoảng trống. Vì thế mới có chuyện, trong 4 – 5 năm qua, các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phình to, với hàng trăm công ty con, cháu; đầu tư ngành ngoài vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tài chính… nhưng cơ quan Nhà nước lại không nắm được, cũng không kiểm soát được.
Số liệu điều tra về hậu WTO đối với DNNN cho thấy, có tới 42,1% DNNN không có căn cứ, tiêu chí giám sát, kiểm tra về hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh. 44,7% DNNN không có tiêu chí giám sát hoạt động tài chính. Đặc biệt, có tới 78,9% DNNN không có tiêu chí giám sát về DN bị coi là độc quyền trong kinh doanh, 73,7% không có giám sát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và 38,5% không có tiêu chí về tính minh bạch, công khai trong quản trị.
Ông Trung dẫn chứng tiếp: “Trong hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp hạng DNNN hiện nay, chỉ những DNNN có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước tăng so với năm trước, không có nợ phải trả quá hạn, không vi phạm pháp luật mới xếp hạng A… Nhưng ở Vinashin, Vinalines, trước khi các vụ việc sai phạm bị phơi bày thì 2 đơn vị này vẫn xếp hạng A. Và suốt từ năm 2009 đến nay, vẫn còn nhiều tranh luận về thực hư về tài sản, vốn Nhà nước, các khoản nợ và mức độ thua lỗ của tập đoàn Vinashin”.
“Rốt cục là, khi truy trách nhiệm trên diễn đàn Quốc hội về một số vụ đổ vỡ Tập đoàn, một loạt các bộ liên quan như Bộ GTVT, bộ Tài chính, bộ KHĐT đều không ai chịu trách nhiệm. Thậm chí, có bộ trưởng còn đổ tội là vì Tập đoàn được giao nhiều quyền quá”, ông Trung nói.
Có vẻ như, những cái “không” được liệt kê trên là hệ quả tất yếu khi ông “chủ” nhà nước hiện giám sát DNNN rất yếu kém.
Đơn cử như chuyện lương thưởng trong DNNN. Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động- Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giãi bày: “Khi xem xét kế hoạch tiền lương, chúng tôi dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN thông báo, với những con số dự kiến lợi nhuận tới mấy nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng xác nhận con số đó. Một năm sau, kiểm toán vào, phát hiện lỗ cả ngàn tỷ trong khi lương thì đã trả rồi!”
Bởi thế, Quốc hội nóng chuyện tại sao lỗ mà lương cao là có nguyên cớ! Mà sâu sa hơn, cơ chế giám sát là có vấn đề, bà Minh phân tích.
Theo nghiên cứu của ông Trung, nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ đã quy định DNNN phải có nghĩa vụ công khai tài chính, công khai kết quả giám sát, đánh giá DNNN như Quyết định 192 ban hành 2004 hay Quyết định 224 ban hành 2006 của Thủ tướng. Nhưng DNNN lại chỉ thực hiện nghĩa vụ này qua các báo cáo tài chính hàng năm, hàng quý gửi đến một loạt cơ quan ban ngành như Bộ tài chính, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan đăng ký kinh doanh và chủ sở hữu.
Bộ KHĐT cho biết, tới 80% DN không gửi báo cáo tài chính hàng năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Vì thế, rất khó cho cơ chế hậu kiểm. Đó là chưa kể, báo cáo của chính các DNNN thường không đầy đủ, tính chính xác thì bỏ ngỏ! Cơ chế thẩm định độ tin cậy của các báo cáo này cũng chưa có.
Bà Nguyễn Kim Toàn, nguyên là chuyên viên của Ban đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ cũng xác nhận, các văn bản giám sát DNNN đã có từ năm 2003 nhưng thực hiện có nghiêm túc, đầy đủ hay không là một vấn đề khác.
Ví dụ, yêu cầu của Quyết định 224 của Thủ tướng là quý II năm sau phải có đánh giá của năm trước nhưng nhiều năm gần đây là không thực hiện được. Bộ Tài chính thu thập thông tin rất tản mạn. Trong 4 năm nay, năm nào Chính phủ cũng phải yêu cầu thực hiện đúng quy định nhưng thực tế, công tác tự giám sát vẫn không nghiêm túc”.
Bà Toàn thừa nhận, theo quy định, sau khi gửi Bộ Tài chính, bản đánh giá giám sát DNNN phải công khai. Nhưng thực hiện thì khác, chỉ công bố phần kết luận của Chính phủ và cũng không đầy đủ. Vì vậy, dư luận, người dân không thể nào biết được thực hư DNNN là thế nào?
Trong khi đó, theo bà Minh, cơ chế giám sát nội bộ coi như bị vô hiệu. trong Tập đoàn, trước theo Luật DNNN, có ban kiểm soát là phục vụ cho HĐQT, nay theo Luật DN hiện nay, có kiểm soát viên do chủ sở hữu cử đến để giám sát. Nhưng các kiểm soát viên này lại ăn lương theo kết quả hoạt động của DN, do DN trả. Chưa kể, kiểm soát viên lại là kế toán trưởng, ăn lương kế toán trưởng thì không bao giờ kiểm soát được.
Theo Bộ KHĐT cho thấy, năm 2012, chỉ có 3,2% DNNN 100% vốn Nhà nước có sự tách bạch hoàn toàn chức danh Tổng giám đốc không phải là thành viên của Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty. Có trên 60% DNNN có Tổng giám đốc là chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty. Người đứng đầu bộ máy quản lý lai là người đứng đầu bộ máy điều hành.
Vậy nên, cho đến nay, DNNN luôn là một ẩn số. Cơ quan nhà nước thực hiện giám sát không hiệu quả và khi “có chuyện”, luôn thấy mình vô can. Theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nếu cơ quan Nhà nước làm sai trong giám sát DNNN thì cũng cần có quy định chịu trách nhiệm, bị xử lý liên đới.
3. Báo Điện tử Chính phủ có bài Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71. Bài báo đưa tin: Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ ngành khẩn trương soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, ngày 29/11, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tiến hành đánh giá và có kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 71, trong đó, có việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.
Bộ Tư pháp đã báo cáo việc quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông là cần thiết. Nhưng cả Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an đều nhìn nhận thực tế có 2 điểm khi tổ chức thực hiện chưa thông trong nhân dân: Thứ nhất, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện lại phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có đúng là chủ phương tiện hay không. Đây là việc thực hiện không đúng quy định của Nghị định 71.
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 cho đúng.
Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, tạm thời chưa thực hiện việc xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện.